Bước sang năm 2025, thế giới được cho là sẽ chứng kiến một loạt sự kiện quan trọng có thể góp phần định hình chính trị, kinh tế, công nghệ và văn hóa toàn cầu.
Năm 2025 được kỳ vọng về những tiến triển tích cực mới về hòa bình, chống biến đổi khí hậu trái đất, trong thúc đẩy tự do hoá thương mại trên bình diện toàn cầu, trong phòng và chống thiên tai và đại dịch, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ nhân loại trên trái đất.
Dưới đây là những sự kiện lớn được nhận định là sẽ định hình thế giới năm 2025:
Sự trở lại của ông Donald Trump
Theo tờ Global Europe, năm 2025 bắt đầu với một sự kiện quan trọng mà không ai có thể phủ nhận đó là sự trở lại của ông Donald Trump. Ngày 20/1, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ 2. Được thúc đẩy bằng chương trình nghị sự bảo hộ mạnh mẽ, các chính sách của ông Trump có thể định hình lại an ninh xuyên Đại Tây Dương, việc hỗ trợ cho Ukraine, các quan hệ kinh tế và thương mại, chính sách công nghệ...
Với việc không bị ràng buộc bởi áp lực tái tranh cử và được các cố vấn trung thành vây quanh ngay từ ngày đầu, ông Trump có thể theo đuổi một chương trình nghị sự mang tính thay đổi nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Tính tới hiện tại, các đề cử của ông Trump cho nội các và các vị trí quan trọng khác trong chính phủ cho thấy điều này là có cơ sở.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ 2 có thể rút Mỹ khỏi NATO hoặc ít nhất là làm suy yếu cột trụ Mỹ trong liên minh, đặt ra các cam kết an ninh có điều kiện về tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của châu Âu. Mỹ có thể cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine và áp thuế với hàng xuất khẩu của châu Âu, dẫn tới căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Các cuộc bầu cử then chốt
Theo tờ Conversation, các cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra ở 3 lục địa khi các chính phủ thiên tả tìm cách tái đắc cử. Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SDP) sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ 2. Cuộc bầu cử cũng thách thức sức mạnh của phe cực hữu, song ông Scholz có lẽ vẫn nắm quyền vì theo truyền thống, người Đức thường trao cho Thủ tướng đương nhiệm vài nhiệm kỳ.
Tại Australia, Thủ tướng Anthony Albanese của Công đảng sẽ cố gắng để được bầu lại và tiếp tục nắm quyền. Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau có thể phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức khi bước vào cuộc bầu cử mới. Tại Australia lẫn Canada, các đảng cầm quyền đều phải đối mặt với những trở ngại lớn, khiến kết quả không chắc chắn.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên ở châu Phi
Ngày 19/11/2024, Nam Phi đã tiếp quản chức chủ tịch G20 từ Brazil, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên dẫn đầu nhóm 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). Nhiệm kỳ kéo dài một năm chính thức bắt đầu vào ngày 1/12/2024.
"Nam Phi đã thông qua chủ đề "Đoàn kết, Bình đẳng và Bền vững" cho nhiệm kỳ chủ tịch G20 của mình", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh ngày 3/12/2024.
Đỉnh điểm của nhiệm kỳ chủ tịch G20 là Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Johannesburg của Nam Phi vào tháng 11.2025. Hội nghị này sẽ thông qua một tuyên bố phản ánh quan điểm chung của các nước G20 và các hành động chung mà họ sẽ thực hiện để giải quyết những thách thức quan trọng nhất của thế giới, theo ông Ramaphosa.
"Nhiệm kỳ chủ tịch G20 là một cơ hội quý giá để Nam Phi thúc đẩy các nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu lớn hơn và phát triển bền vững", ông Ramaphosa nhấn mạnh:
Tổng thống Ramaphosa cho biết thêm sẽ có hơn 130 cuộc họp được tổ chức ở Nam Phi trong năm nước này giữ chức chủ tịch G20. "Hàng chục ngàn người từ gần 30 quốc gia và đại diện từ hơn 20 tổ chức khu vực và quốc tế sẽ đến Nam Phi trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch G20 của chúng tôi", ông Ramaphosa dự đoán.
Xung đột tại Trung Đông
Những căng thẳng chưa có hồi kết tại khu vực Trung Đông trong những ngày cuối năm 2024 khiến giới quan sát lo ngại xung đột ở khu vực này có nguy cơ gia tăng trong năm 2025. Sự sụp đổ gần đây của chính quyền Tổng thống Assad ở Syria có thể sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Sự sụp đổ này còn mở ra cánh cửa cho một vòng đấu mới của cuộc chơi quyền lực ở Trung Đông.
Chính phủ mới được đại diện bởi các tổ chức, như Quân đội Quốc gia Syria (SNA) và Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trong đó người đại diện là Abu Muhammad al-Julani. Tuy nhiên, việc chính phủ mới có thể thúc đẩy hòa hợp dân tộc, đưa đất nước Syria bước vào giai đoạn phát triển mới hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Một cuộc tổng tuyển cử tại Syria được lên kế hoạch vào tháng 3/2025. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở thủ tục chính thức, mà còn phụ thuộc vào việc những nhóm nào, tỷ lệ bao nhiêu sẽ được đại diện trong chính phủ.
The Straits Times nhận định, cả Nga và Iran không dễ dàng bỏ rơi Syria và nếu có thể, sẽ giành lại ảnh hưởng của mình. Đối với Moscow, việc duy trì 2 căn cứ quân sự - một hải quân, một không quân - trên lãnh thổ Syria là điều cần thiết. Đối với Iran, việc khôi phục ảnh hưởng của họ bên trong Syria là một bước thiết yếu trong chiến lược xây dựng lại các lực lượng dân quân ủy nhiệm mà họ muốn triển khai trên khắp Trung Đông để đối đầu với Israel và Mỹ.
Công nghệ
Ở một khía cạnh tươi sáng hơn, năm 2025 đã được Liên Hợp Quốc chỉ định là năm khoa học và công nghệ lượng tử.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ. Hơn 1 nghìn tỷ USD đang được chi cho các trung tâm dữ liệu để hỗ trợ công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Xu hướng mới định hình kịch bản Mỹ tập trung xây dựng hệ sinh thái AI tự chủ, tập trung vào chuỗi cung ứng khép kín nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các khoản đầu tư lớn sẽ đổ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong AI thế hệ mới, máy học, và tự động hóa, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Mỹ sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là chip AI cao cấp và công nghệ tiên tiến, đồng thời mở rộng danh sách đen đối với các công ty Trung Quốc nhằm hạn chế việc sử dụng AI cho mục đích quân sự. Song song đó, Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ các đồng minh như EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nhằm củng cố mạng lưới công nghệ toàn cầu.
Về phía Trung Quốc, nước này được cho là sẽ đẩy mạnh nội địa hóa công nghệ để vượt qua sự phụ thuộc, nhưng vẫn phải đối mặt với khó khăn kép từ quy định trong nước và các lệnh cấm vận từ Mỹ.
Năm 2025, công nghệ sinh học - khai thác sức mạnh của khoa học sinh học để thúc đẩy sức khỏe, nông nghiệp và tính bền vững của môi trường - sẽ tiếp tục định hình lại thế giới theo những cách sâu sắc. Những đột phá như chỉnh sửa gen dựa trên CRISPR sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi, cung cấp các phương pháp điều trị cá nhân hóa cho các rối loạn di truyền cũng như tạo ra các phương pháp điều trị ung thư mới.