(ĐSPL) – Năm 2016 ghi nhận nhiều kỷ lục của nền kinh tế toàn cầu như giá USD lên mức cao kỷ lục 14 năm qua hay giá dầu lao dốc...
1. Tài chính thế giới "chao đảo" sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Ngày 9/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra với kết quả thắng cuộc thuộc về tỷ phú Donald Trump. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán toàn cầu nhuốm sắc đỏ và giá vàng bật tăng mạnh.
Theo đó, giá vàng tăng mạnh nhất trong hơn 5 tuần liền trước. Vàng đánh dấu mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 6/2016, khi đó, vàng tăng 8% sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nền kinh tế toàn cầu đã "chao đảo" sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ. |
Tuy nhiên, ngay sau đó, các nhà đầu tư bình tĩnh trở lại và nhìn nhận kỹ hơn về những chính sách ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Theo đó, với chính sách hướng nội, kéo việc làm trở lại nước Mỹ hay tăng mức thuế nhập khẩu lên 45% trên tất cả mặt hàng nhập vào Mỹ từ Trung Quốc được cho là sẽ khiến nền kinh tế nước này mạnh lên.
Ngay lập tức, giá USD và thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục. Tính đến cuối tháng 12.2016, USD đã đạt mức cao nhất 14 năm qua.
2. Brexit
Ngày 23/6, sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, nước Anh đã có quyết định rời khỏi EU. Kết quả này được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước.
Thị trường chứng khoán, vàng, dầu thô, tiền tệ đều biến động kỷ lục vì sự kiện này.
Cụ thể, Bảng Anh có ngày mất giá mạnh nhất lịch sử, khi giảm hơn 8% so với USD. Trong ngày, có lúc mức giảm lên tới 10%, xuống đáy 30 năm so với USD.
Các thị trường châu Âu cũng lao dốc ngay lập tức. Thậm chí, chỉ trong nửa ngày sau đó, nhiều ngân hàng đã mất đi 1/3 vốn hóa.
Thay vào đó, các nhà đầu tư chọn vàng và yen Nhật làm nơi trú ẩn khiến giá các tài sản này tăng vọt. Chỉ 1 ngày sau khi có kết quả, giá vàng có lúc tăng 100 USD/ounce còn yen Nhật cũng mạnh lên đáng kể so với USD và euro.
Hàng loạt ngân hàng trung ương tại Anh, châu Âu và Mỹ sau đó đã phải lên tiếng trấn an thị trường và cam kết bơm tiền hỗ trợ các nhà băng để đối phó với biến động.
3. Trưng cầu dân ý của Italy
Đồng euro đã giảm mạnh sau khi Thủ tướng Ý thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân. |
Ngày 4/12, cử tri Italy đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở nước này.
Đây là cải cách được Thủ tướng Matteo Renzi đề xuất nhằm tăng cường sự ổn định chính trị và giải quyết vấn đề bộ máy quan liêu ở Italy.
Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thông qua khiến ông Matteo Renzi phải tuyên bố từ chức.
Diễn biến này đẩy Italy, nền kinh tế thứ ba của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone, rơi vào bất ổn chính trị.
Ngay lập tức, đồng Euro đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong 20 tháng so với đồng USD. Bên cạnh đó, lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng tăng lên.
Cụ thể, với nợ xấu khổng lồ, ngân hàng lớn thứ ba nước này Monte dei Paschi di Siena đang cần huy động 5 tỷ Euro để tránh bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, việc huy động này khó có thể thực hiện được khi Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB không thông qua đề xuất gia hạn thời gian cho ngân hàng này.
Hiện Italy đang tìm cách gia tăng nợ cồng nhằm giải cứu Monte dei Paschi di Siena và một số ngân hàng đang gặp khó khăn khác.
4. Ấn Độ bỏ các đồng tiền mệnh giá lớn
Ngày 8/11, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố tiền giấy mệnh giá 500 và1.000 rupee – trị giá khoảng 7,5 USD và 15 USD – không còn giá trị pháp lý.
Theo thống kê, số tiền với 2 mệnh giá này chiếm khoảng 86% giá trị tiền mặt trong lưu thông ở Ấn Độ hiện nay. Ngay sau thông báo, truyền hình Ấn Độ đã phát đi hình ảnh về những dòng người xếp hàng dài ở các trạm xăng và máy rút tiền.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này của chính quyền ông Modi đưa ra nhằm hạn chế tham nhũng và tình trạng trốn thuế tại quốc gia này, khi giá trị các khoản tiền không được kê khai chiếm gần 1/4 nền kinh tế Ấn Độ.
Do đó, khi chính sách này được công bố, ngay lập tức, nhu cầu của các khách hàng giàu có với các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ Rolex, vàng… liên tục gia tăng. Điều này cho thấy người dân nước này đang cố gắng sử dụng số tiền chưa kê khai trong giai đoạn chuyển giao.
Ngay sau đó, chính phủ nước này tiếp tục phải dùng chính sách thuế để quản lý các các nhân có xu hướng mua nhiều loại hàng hóa đắt đỏ như đánh thuế cao, thậm chí những người sở hữu nhiều vàng còn được đưa vào danh sách “đen” để theo dõi.
5. Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela
Giá dầu thô giảm kỷ lục trong 2 năm gần đây đã khiến nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Với mức lạm phát lên tới khoảng 1000%, người dân nước này đang rơi vào cảnh có tiền nhưng không thể mua được gì.
Đồng nội tệ Bolivar của Venezuela đã mất giá đến nỗi mỗi lần mua hàng, người dân nước này phải dùng một số lượng lớn tờ tiền và các giao dịch chuyển sang cân tiền thay vì đếm.Tại các cửa hiệu, nhân viên thu ngân phải dùng tới những thùng lớn để đựng tiền bởi những ngăn kéo thông thường không còn đủ sức chứa.
Tình trạng khan hiếm hàng hóa, thực phẩm tại nước này khiến nhiều người Venezuela phải vượt biên giới sang Colombia để mua lương thực và nhu yếu phẩm.
Ngày 11/12, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo sẽ loại bỏ việc lưu hành đồng 100 bolivar (tương đương 4 cent tiền Mỹ trên thị trường chợ đen), đồng tiền mệnh giá lớn nhất tại Venezuela hiện nay, kể từ ngày 15/12 để đưa vào sử dụng đồng tiền có mệnh giá lớn hơn. Kế hoạch này đã gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng tiền mặt, làm bùng phát làn sóng bất ổn trên khắp cả nước, các vụ cướp bóc tại các cửa hàng, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và làm ít nhất 1 người chết.
Hiện, tình hình vẫn chưa được cải thiện, người dân nước này cảm thấy bất mãn về thực trạng xã hội với lạm phát 3 con số và thiếu lương thực trầm trọng đã ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ đương nhiệm
6. Khủng hoảng giá dầu
Cuộc khủng hoảng giá dầu (từ mức 100 USD/thùng trong năm 2014 xuống gần 25 USD/thùng vào tháng 1/2016) và giá nguyên liệu đầu vào thấp đã gây suy thoái kinh tế của nhiều nước xuất khẩu các mặt hàng hóa này như Nga, Venezuela, Brazil, gián tiếp tác động đến các nền kinh tế mới nổi và thậm chí làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Ngay cả Saudi Arabia cũng đang phải huy động mọi nguồn lực nhằm chống đỡ với việc nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh.
Nhiều nhận định bi quan cho rằng sự sụt giảm của giá hàng hóa có thể giống như vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brother hồi năm 2008, mở đầu cho cuộc đại khủng hoảng kinh tế mà đến nay thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Đến cuối năm 2016, sự thành công trong việc cắt giảm sản lượng dầu thô giữa OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Nga đã giúp giá dầu phục hồi lên trên ngưỡng 50USD/thùng.
7. Đồng Nhân dân tệ xuống thấp kỷ lục so với USD
Việc đồng USD ngày càng mạnh lên nhờ quyết định nâng lãi suất trong năm tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như chính sách của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã liên tục đe dọa đồng NDT.
Dù sử dụng nhiều biện pháp nhưng chính phủ nước này không ngăn nổi dòng tiền đang chảy khỏi đất nước. Chính phủ Trung Quốc đã can thiệp làm chậm dòng vốn rút ra bằng cách thắt chặt các biện pháp hiện tại, như kiểm soát chuyển khoản ngoại tệ, hay dựa vào các ngân hàng để khiến việc đổi tiền và đưa tiền ra nước ngoài khó khăn hơn. Tuy nhiên, người dân nước này vẫn tìm cách sở hữu ngoại tệ do lo ngại NDT tiếp tục rớt giá.
Tổng hợp