+Aa-
    Zalo

    Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2017

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện giáo dục đáng chú ý như 30 điểm vẫn trượt đại học; đề xuất cải tiến Tiếng Việt; liên tiếp các vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ…

    Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện giáo dục đáng chú ý như 30 điểm vẫn trượt đại học; đề xuất cải tiến Tiếng Việt; liên tiếp các vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ.

    1. Tuyển sinh ĐH: 30 điểm vẫn trượt đại học

    Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số vấn đề nổi cộm khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, xuất hiện "mưa điểm 10" gấp hơn 40 lần năm trước, bên cạnh đó lại nổi lên việc nhiều thí sinh có điểm thi cao trên 29, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt đại học do cách xét tiêu chí phụ và cộng điểm ưu tiên. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm.

    Nhiều thí sinh đã phản ánh về việc đạt 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một trường Y vì thua tiêu chí phụ và điểm làm tròn, điểm cộng ưu tiên khu vực.

    Ảnh minh họa.

    Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, chính sách ưu tiên khu vực và vùng miền đã thực hiện trong nhiều năm và có nhiều điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Dù không đồng tình bỏ hẳn nhưng cần cân nhắc, sửa đổi để không quá bất hợp lý.

    Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. Với tỉ lệ tốt nghiệp đỗ cao như vậy, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi có nên giữ kỳ thi THPT. 

    2. Đề xuất cải tiến Tiếng Việt

    Cuối tháng 11 vừa qua, cộng đồng mạng “phát sốt” với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy-học phổ thông về cải tiến tiếng Việt, từ 38 chữ cái giảm còn 31 để loại bỏ hầu hết thiếu sót và bất cập trong ngôn ngữ Tiếng Việt, đặc biệt là về cách viết. Đáng chú ý, sau khi giảm còn lại 31 chữ cái, cách viết đã thay đổi hoàn toàn so với chữ viết hiện nay. PGS Bùi Hiền có bài viết đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ từ tháng 9 tại Hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức.

    Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng về sự kiện này, Bộ cho rằng rất trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

    3. Điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp kỷ lục

    Ngoại trừ hai cơ sở đào tạo lớn là Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đa phần các cơ sở đào tạo sư phạm còn lại đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn. Đầu vào ngành sư phạm thấp đang khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai sẽ ra sao?

    Ảnh minh họa.

    Năm nay, hai cơ sở đào tạo ngành sư phạm danh tiếng và có điểm trúng tuyển vào top cao nhất nước ta là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

    Trước thực trạng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Mặc dù hiện nay sự đãi ngộ giáo viên đã được cải thiện khá nhiều, nhưng so với mặt bằng thu nhập trong xã hội thì chưa phải là cao, áp lực từ phía xã hội đối với người giáo viên ngày càng lớn. Không ít giáo viên phải “chân ngoài dài hơn chân trong” để làm thêm kiếm sống. Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ THPT.

    4. Liên tiếp các vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ

    Ngày 5/2, trên mạng xã hội lan truyền clip “trẻ bị cô giáo mầm non lấy dép đánh vào đầu vì "bậy đùn”.

    Theo đó, cô giáo cầm dép đánh trẻ là giáo viên hợp đồng của trường Sen Vàng, Minh Khai Hà Nội.

    Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hà Nội đã có công văn yêu cầu làm rõ vụ và xử lý nghiêm vụ cô giáo cầm dép đánh vào đầu trẻ.

    Ngày 28/3, sự việc một cô giáo mầm non xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhốt học sinh 4 tuổi trong nhà vệ sinh rồi quên luôn khiến người dân xôn xao.

    Ông Đặng Văn Viện, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, hai cô giáo liên quan đến vụ việc đã được bố trí tạm thời làm công việc khác.

    Ảnh cắt từ clip bảo mẫu lớp Mầm Xanh bạo hành trẻ.

    Ngày 27/11, Bộ GD-ĐT đã vào cuộc sau khi báo chí phản ánh nhiều trẻ từ 3-5 tuổi tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12) bị chủ cơ sở và hai bảo mẫu tại đây bạo hành.

    Theo clip, sáng sớm, sau khi nhận trẻ, bà Linh (chủ cơ sở) đưa vào nhà cho “ăn sáng” bằng những trận đòn khiến trẻ khóc gào.

    Chủ cơ sơ mầm non đã bị công an bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi hành hạ người khác.

    5. Kiến nghị giải tán Ban phụ huynh học sinh

    Ngày 21/9, ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM) cho biết, vừa gửi đơn lên các cơ quan quản lý giáo dục đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh.

    Anh Võ Quốc Bình, ông bố ở TPHCM đã thẳng thắn từ chối khi Hội phụ huynh lớp đề xuất đóng tiền lót sàn gỗ.

    Anh Võ Quốc Bình cũng gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Hội phụ huynh (Ban đại diện cha mẹ học sinh).

    Theo anh Bình, Hội Phụ huynh học sinh thực chất không hoạt động đúng tôn chỉ qui định mà chỉ lập ra để vận động phụ thu và quyên góp của các phụ huynh khác những khoản tiền không được phép vận động.

    Hội Phụ huynh học sinh cũng không đứng về đại đa số phụ huynh học sinh mà như là cánh tay nối dài của nhà trường để tận thu.

    6. Bất ngờ kết quả xếp hạng đại học tại Việt Nam

    Lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học tại Việt Nam. Tuy vậy, kết quả mà nhóm nghiên cứu công bố chiều 7-9 đã gây ra nhiều tranh cãi khi mà một số trường đại học (ĐH) vốn đã được xã hội đánh giá là “có tiếng” và thu hút nhiều học sinh giỏi đều xếp thứ hạng thấp.

    Kết quả xếp hạng của nhóm chuyên gia gây bất ngờ khi trường ĐH Ngoại thương bị xếp hạng thứ 23. Ảnh: Như Ý.

    Các tiêu chí đánh giá xếp hạng đại học bao gồm: Thước đo xếp hạng, trọng số xếp hạng, tiêu chí đánh giá, trọng số thành phần, chỉ số đánh giá, nghiên cứu khoa học, quy mô đào tạo, chất lượng giảng dạy, chất lượng sinh viên….

    Theo tiêu chí này, một số trường ĐH top đầu như: ĐH Ngoại thương xếp thứ 23, ĐH Thương mại xếp 29, ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30, Học viện Tài chính đứng ở vị trí 40, ĐH Y Hà Nội xếp thứ 20, ĐH Dược xếp thứ 35; ĐH Y dược Hải Phòng đứng thứ 49 trong khi đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng, ít người biết đến lại trong top 10 các trường đại học ở Việt Nam.

    Nhiều ý kiến cho rằng, bảng xếp hàng không đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay như tuyên bố.

    7. Dự thảo Luật Giáo dục: Miễn học phí đến cấp THCS

    Tại tờ trình do Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký cho hay, sẽ sửa đổi một số điều, trong đó sẽ miễn học phí cho học sinh từ tiểu học đến THCS.

    Theo đó, Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.

    Giáo dục THCS được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.

    Dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp THCS trường công lập.

    8. Tranh cãi về đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện

    Đưa kiến nghị của mình lên báo chí, thầy giáo Bùi Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương là giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục, bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần được giảm đó là các... phòng giáo dục.

    Ảnh minh họa.

    Thầy Bùi Nam phân tích: Hiện, lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến THPT (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở GD) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn: Mầm non là 35.833/132.294 viên chức (chiếm 27,08%), tiểu học 35.010/363.249 (chiếm tỉ lệ 9,64%), THCS là 24.627/207.085 (chiếm 11,9%), THPT là 8.351/119.826 (chiếm gần 7%).

    Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở/Phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.

    Thầy Nam cho rằng đó là con số quá lớn và cồng kềnh, nó làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-su-kien-giao-duc-noi-bat-nam-2017-a214192.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan