+Aa-
    Zalo

    Những phụ nữ chưa từng một lần được tặng hoa ngày 20/10

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Những người nữ cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội vẫn âm thầm, miệt mài với công việc dù không khí ngày 20/10 đang rộn rã khắp phố phường. Nhiều người trong số họ chưa từng một lần được ai đó tặng hoa trong ngày phụ nữ.

    (ĐSPL)- Những người nữ cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội vẫn âm thầm, miệt mài với công việc dù không khí ngày 20/10 đang rộn rã khắp phố phường. Nhiều người trong số họ chưa từng một lần được ai đó tặng hoa trong ngày phụ nữ.

    Ngày 20/10 là ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, hông thường, vào dịp này người phụ nữ sẽ được quan tâm và tôn vinh bằng những lời chúc hay những món quà ý nghĩa. Nhưng dường như với những người phụ nữ lao động tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, đó dường như là một điều xa xỉ.

    Chợ Long Biên là chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại thực phẩm, hoa quả phục vụ cho cuộc sống của người dân thủ đô. Đây cũng chính là nơi tạo công ăn việc làm cho rất nhiều phụ nữ đến từ khắp mọi miền của đất nước.

    Những người phụ nữ chưa từng được tặng hoa ngày Phụ nữ

    Công việc kéo hàng quen thuộc của những người phụ nữ tại chợ Long Biên.

    Gồng mình cho cuộc sống mưu sinh

    Tôi có mặt tại chợ đầu mối Long Biên vào lúc 23 giờ đêm, trời đã trở lạnh.  Lúc này, khi bao người đang chìm trong giấc ngủ thì những người phụ nữ tại đây vẫn đang cần mẫn với công việc hàng ngày của họ. Họ đến từ nhiều vùng quê trên cả nước như: Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa..., vì cuộc sống khó khăn, vất vả nên họ phải bám trụ tại chợ đầu mối Long Biên để kiếm tiền trang trải cho gia đình.

    Màn sương đã phủ dày, với những chiếc áo mỏng trong dáng người nhỏ bé họ thoăn thoắt bốc hàng, kéo xe, gánh hàng thuê… chỉ mong sao kiếm được đủ tiền để trang trải cho cuộc sống hàng ngày và lo cho gia đình ở quê.

    Cô Nguyễn Thị Xuyến (45 tuổi) quê ở Vĩnh Phúc, làm nghề kéo xe chia sẻ: “Tôi làm thuê ở chợ Long Biên đã hơn 10 năm rồi. Nhà hoàn cảnh khó khăn phải nuôi các con ăn học nên phải lên đây làm thuê. Một năm, trừ khi vào mùa vụ thì tôi mới về quê làm ruộng, thời gian còn lại tôi lên đây gánh hàng, kéo hàng thuê cho người ta. Hàng ngày tôi phải làm việc từ 21h – 4h sáng”. “Vậy thời gian nghỉ ngơi của cô là vào lúc nào?”, cô nhanh nhảu đáp: “Khi đi làm về vào mỗi buổi sáng tôi phải tranh thủ giặt giũ, nấu cơm, ăn vội ăn vàng để tranh thủ ngủ mấy tiếng vào buổi chiều và tối lại bắt đầu công việc”, vừa nói, cô vừa bốc hàng lên xe để kéo thuê.

    Làm việc vất vả như vậy, nhưng tiền công mà họ được trả chẳng đáng là bao. Cô Xuyến cho hay, hàng ngày phải kéo những chuyến hàng từ 20 – 80 kg, mỗi chuyến hàng chị được trả từ 20.000 – 80.000 đồng, tùy vào khối lượng hàng. Vì khối lượng công việc phải phụ thuộc vào chủ hàng nên việc kéo hàng thuê của cô cũng không mấy ổn định. Tính bình quân, mỗi ngày thu nhập của cô được khoảng 100.000 – 150.000 đồng. Với số tiền kiếm được từ việc gánh hàng thuê, hàng tháng, ngoài ăn uống, trả tiền phòng trọ mất 1,5 triệu đồng, số còn lại cô gửi cho con trai đang học đại hoc tại Hà Nội. Nhà của cô ở quê đang phải nhờ một người em trông hộ, vì chồng cô cũng đang đi làm ăn trong miền Nam. Tuy bố mẹ đều đi làm ăn xa, nhưng hai cậu con trai của chị đều rất ngoan ngoãn và học giỏi. Người con trai đầu của cô hiện đã đi bộ đội, cậu thứ 2 thì đang học đại học tại Hà Nội. Đây là nguồn động lực rất lớn để vợ chồng cô có thể yên tâm làm việc.

    Theo quan sát, những nữ “cửu vạn” ở chợ Long Biên có độ tuổi trong khoảng 30-50 tuổi. Vì gánh nặng công việc, cuộc sống nên thoáng nhìn khuôn mặt khắc khổ của họ trông già hơn tuổi rất nhiều.

    Tại chợ Long Biên lúc này đã bắt đầu nhộn nhịp và đông đúc hơn. Những người phụ nữ gánh hàng, kéo hàng lại vội vã, hối hả với công việc như thường ngày của mình. Tôi ghé chân vào một quán xôi ven cổng chợ, để có thể quan sát được nỗi vất vả của những người phụ nữ “cửu vạn” tại đây.

    Dường như, những người phụ nữ tảo tần này, họ không còn để ý tới cảnh vật xung quanh, mỗi người một việc, ai ai chăm chú với công việc của mình. Tại quán xôi, tôi đã có dịp trò chuyện với cô Liên (48 tuổi, quê Nam Định) là người đã bán xôi ở chợ đầu mối Long Biên được hơn 14 năm. Cô Liên chia sẻ: “Hàng ngày, cô bán xôi ở đây từ 23 giờ đêm đến sáng hôm sau. Một ngày, cô chỉ được nghỉ ngơi từ 3-4 tiếng buổi chiều, chồng cô cũng chỉ làm lao động tự do. Thu nhập mỗi ngày được khoảng từ 200.000 – 300.000 đồng”.

    Cô cho biết, vài năm trước đây thời buổi kinh tế chưa khó khăn như bây giờ thì thu nhập mỗi ngày từ việc bán xôi được 500.000 – 600.000 đồng. Giờ kinh tế khó khăn, giá cả đắt đỏ vợ chồng cô phải cố gắng tiết kiệm thì mới đủ tiền ăn học cho cậu con trai hiện đang là sinh viên năm 3 đại học Mở. Khi tôi hỏi về những người phụ nữ gánh hàng, kéo hàng thuê tại chợ Long Biên, cô Liên nhanh nhảu đáp: “Những người phụ nữ kéo hàng thuê tại chợ Long Biên hầu như là những người quê ở các tỉnh lân cận Hà Nội lên đây làm thêm. Họ đều là những người đã có gia đình nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn nên họ phải lên đây kiếm sống. Để có được một xe kéo hàng trong chợ đầu mối Long Biên, họ phải mua với mức giá 2 triệu đồng/xe và hàng tháng họ phải mất 150.000 đồng/tháng là tiền gửi xe tại chợ”

    Đang trò chuyện với cô Liên, một người phụ nữ với nước da ngăm đen, dáng người nhanh nhẹn bước vào quán trên tay là những thùng giấy bìa và túi nilon, gọi một hộp xôi giá 10.000 đồng. Theo cô Liên cho biết, người phụ nữ đó là cô Hằng (43 tuổi) quê ở Thái Bình, làm nghề nhặt ve chai, giấy vụn tại chợ Long Biên. Cô Hằng chia sẻ: “Vợ chồng cô đều làm nghề này ở chợ Long Biên, đã lên đây mưu sinh được hơn 5 năm. Vợ chồng cô cùng 2 cậu con trai hiện đang thuê một căn phòng 15m2 gia một triệu đồng tại đường Phúc Tân (một xóm bãi ngoài đê sông Hồng). Một ngày vợ chồng cô thu nhập được khoảng 150.000 đồng. Với số tiền ít ỏi ấy, cô phải chắt bóp chi tiêu mới đủ tiền cho hai cậu con trai đang tuổi ăn học”.

    Những người phụ nữ chưa từng được tặng hoa ngày Phụ nữ

    Cô Xuyến (áo vàng) vẫn cần mẫn với công việc mà không hề biết ngày 20/10 đang tới gần.

    Điều ước ngày 20/10 giản đơn

    Trong khi nhiều chị em phụ nữ hân hoan, tràn ngập trong hoa, quà tặng và những lời chúc tụng thì vẫn còn không ít những phụ nữ không biết đến ngày 20/10 là gì, bởi lẽ họ còn phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Với họ, hoa, quà tặng trong dịp này dường như là điều quá xa xỉ.

    Tại chợ Long Biên, khi được tôi hỏi về ngày 20/10, cô Xuyến, cô Liên, cô Hằng và dường như cũng như rất nhiều người phụ nữ lao động khác tại chợ Long Biên cho biết, họ chưa từng được một lần tặng hoa ngày phụ nữ. Song với họ, điều đó không quan trọng bằng mong muốn có thu nhập ổn định để cuộc sống bớt đi khó khăn vất vả, những đứa con của họ sẽ luôn ngoan ngoãn, học giỏi để làm chỗ dựa tình thần và động lực để vượt qua những khó khăn, vất vả và có tương lai tươi sáng hơn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phu-nu-chua-tung-mot-lan-duoc-tang-hoa-ngay-2010-a56132.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan