+Aa-
    Zalo

    Những phi vụ "quà lót tay" khủng của các sếp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Những phi vụ đưa và nhận hối lộ bằng siêu xe và tiền tỷ cho các cựu “sếp” lớn của Việt Nam từng gây xôn xao dư luận.

    (ĐSPL) – Những phi vụ đưa và nhận hối lộ bằng siêu xe và tiền tỷ cho các cựu “sếp” lớn của Việt Nam từng gây xôn xao dư luận.
    Đại án nghìn tỷ ở Đắk Nông: Hối lộ “siêu xe” vì “thương” cán bộ Ngân hàng.
    Sáng 11/3, diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng (NH) Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông).
    Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông, từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2010, Cao Bạch Mai (SN 1949, Giám đốc công ty TNHH  TM & DV Minh Nhật) và Trần Thị Xuân (SN 1964, Giám đốc công ty TNHH TM & DV Nhật Tân) đã sử dụng các hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan giả để vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông tổng số tiền 1.943 tỷ 500 triệu đồng. Các đối tượng đã hối lộ cho Vũ Việt Hùng (SN 1957 tại tỉnh Nam Định, thường trú phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông), 1 xe ô tô trị giá hơn 3 tỷ đồng, để hợp lý hóa các điều kiện vay vốn.
     Vũ Việt Hùng đã được "cho mượn" chiếc BMW - X6 để dùng
    Khi các doanh nghiệp của Mai và Xuân mất khả năng trả nợ hơn 350 tỷ đồng, Vũ Việt Hùng đã ký khống các hợp đồng tiền gửi, ký cam kết và một số giấy tờ liên quan để giúp các đối tượng tiếp tục lừa đảo vay 580 tỷ đồng của Ngân hàng Nam Á – chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông – Sở giao dịch TP HCM.
    Trong phần trả lời thầm vấn của HĐXX, bị cáo Cao Bạch Mai (SN 1949, Giám đốc công ty TNHH TM & DV Minh Nhật) đã thừa nhận việc mua xe BMW – X6 cho Vũ Việt Hùng (nguyên giám đốc ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông), vào năm 2009 để được Vũ Việt Hùng tiếp tục cấp hạn mức tín dụng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, lý do tặng xe được Mai đưa ra là vì thấy Vũ Việt Hùng không có xe ô tô để đi, thấy thương nên mua tặng. Hành động đó hoàn toàn không phải là hối lộ.
    PMU 18 và vụ “cho mượn” 34 chiếc xe công
    Trong vụ PMU 18 đình đám một thời, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã từng ra quyết định khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ thông qua việc "cho mượn" 34 chiếc ô tô của Ban quản lý các dự án (PMU 18).
    Theo thống kê, 34 chiếc xe ô tô của PMU 18 mà Bùi Tiến Dũng đã "cho mượn" có giá trị gần 20 tỷ đồng, trong đó có chiếc xe nhập nguyên chiếc, với giá 115.000 USD để ngay sau đó đưa cho một quan chức cấp quận "mượn".
     Chiếc xe biển "lộc phát" nổi tiếng một thời của PMU 18.
    Sau khi Bùi Tiến Dũng bị triệu tập (sáng 20/1) thì ngay chiều hôm đó, hàng loạt chiếc xe của Nhà nước đã "tự động" được những người "mượn" mang trả. Trước đó (năm 1995), còn có một chiếc xe Toyota Crown 3.0 của PMU 18 mua mang biển số màu trắng để cho mượn, nhưng đến bây giờ tên của người được sử dụng món quà sang trọng này vẫn chưa được công bố.
    Vào thời điểm đó, chiếc xe loại này được coi là một tài sản "đặc biệt cao cấp", nhưng nó đã rời PMU 18 để theo chân một vị lãnh đạo lên Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, cả Bộ Giao thông vận tải và PMU 18 đều không biết nó đang nằm ở đâu, ai sử dụng? Nhiều khả năng chiếc xe đã trở thành "quà tặng" của một "VIP" nào đó và rất có thể nó đã được đổi biển số vài lần.
    Tương tự như vậy, hai chiếc Crown 3.0 biển kiểm soát 31A-3267 và 31A-4429 mà Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến từng đi cũng là xe của PMU 18. Mãi tới tháng 5.2005, chiếc xe 31A-4429 mới hoàn thành thủ tục chuyển giao về Bộ Giao thông vận tải, còn chiếc xe 31A-3267 đã được trả lại PMU 18. Đa số những chiếc xe cho mượn đều núp dưới danh nghĩa cho cơ quan, đơn vị mượn để sử dụng vào việc công. Nhưng thực tế, nhiều xe trong số này được dành riêng cho một số cá nhân sử dụng.
     Bùi Tiến Dũng cùng các đồng phạm trong vụ PMU 18 hầu tòa.
    Liên quan tới vụ PMU 18, khi các đối tượng có dính lứu tới vụ việc bị bắt, Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng phòng kế hoạch PMU 18 đã khai trong trại giam rằng vợ Dũng, bà Lê Thị Thanh Hoà nhận hối lộ 5,77 tỷ đồng.
    Xác minh lời khai của Dũng, CQĐT đã làm rõ việc ông T.X.H, Giám đốc một công ty thiết bị xây dựng có trụ sở tại Hà Nội và một số cán bộ dưới quyền tham gia vào việc nâng khống giá thiết bị vật tư để chiếm hàng tỷ đồng trong dự án xây dựng Văn phòng Ban quản lý dự án cầu Bãi Cháy.
    T.X.H. đã chuyển 2,57 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của bà N.P.V, SN 1975, giảng viên đại học, vợ một Phó phòng PID 6 (thuộc PMU 18), và chuyển 3,2 tỷ đồng vào tài khoản của bà N.T.H., cán bộ văn phòng Dự án cầu Bãi Cháy.
    Sau đó, hai phụ nữ này rút tiền mang đến nhà đưa cho Lê Thị Thanh Hoà, vợ của Phạm Tiến Dũng. Phạm Tiến Dũng đã xác nhận việc này. Ngay sau đó, bị can Lê Thị Thanh Hoà và một số đối tượng liên quan đã bị triệu tập lên CQĐT để làm rõ.
    Bê bối của Petro Việt Nam và các sếp trả lại tiền hối lộ
    Ngày 18/11/2002, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra lệnh khởi tố vụ án hình sự số 15/ANĐT về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) và Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt - Xô (VSP); khởi  tố bị can số 140/ANĐT đối với Trần Ngọc Giao (cũng với tội danh trên) trong vụ gây thất thoát gần 3,5 triệu USD (tương đương 54,7 tỉ đồng VN) xảy ra tại Petro Việt Nam.
    Thời điểm đó, Trần Ngọc Giao đang được tỷ phú Trần Quang giao cho giữ một loạt các chức vụ: Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Interpet Việt Nam, Trưởng đại diện của Công ty Interpet Nga tại Việt Nam và làm chủ tài khoản của cả 3 công ty (do Quang thành lập) tại chi nhánh Ngân hàng Deustche của CHLB Đức tại TP.HCM.
    Trong vụ án nói trên, nhiệm vụ của Giao là trực tiếp ký các tờ séc với tư cách là "chủ tài khoản" của 3 công ty Interpet Việt Nam, Laverton, Talika để rút từ ngân hàng số tiền 4 triệu USD đưa cho "đại gia" Trần Quang sử dụng vào việc đưa hối lộ cho đường dây tham nhũng.
     Hơn 4 triệu USD được rút ra từ ngân hàng để Trần Quang sử dụng, và "địa chỉ" của một số quan chức ngành dầu khí.
    Trong số tiền này, riêng Quang chiếm đoạt 2.109.443 USD (tương đương 33,3 tỉ đồng VN) và chia cho Giao 70.000 USD. Từ năm 2000 - 2001, riêng trong vụ block nhà ở 140 chỗ, Trần Quang đã chỉ đạo Trần Ngọc Giao rút số tiền 1.472.298 USD để chia nhau. Dương Quốc Hà (Phó tổng giám đốc VSP) và Trần Quang đã đến phòng làm việc của Nguyễn Quang Thường (Giám đốc Công ty PTSC) để bàn nhau việc chia số tiền này. Thường đề nghị Hà đứng ra phân chia. Tùy vai trò đóng góp của mỗi "ông trùm", Hà đề nghị chia cho riêng mình 435.000 USD, Thường 435.000 USD, Quang 430.000 USD. Trong buổi họp này, cũng từ gợi ý của Hà, Trần Quang đã tự nguyện lấy 100.000 USD từ phần tiền được chia của mình để hối lộ cho một nhân vật khác làm ở VSP. Thực tế sau đó Quang đã đưa cho Dương Quốc Hà 535.000 USD (435.000 USD của Hà + 100.000 USD cho một cán bộ của VSP); Nguyễn Quang Thường 400.000 USD; Cao Duy Chính 20.000 USD và 150 triệu đồng; Trần Ngọc Giao 70.000 USD.
    Là một người biết khá rõ "con đường đi" của hơn 4 triệu USD được rút ra từ ngân hàng để Trần Quang sử dụng, và "địa chỉ" của một số quan chức ngành dầu khí Vũng Tàu đã nhận hối lộ trong vụ án này, do đó, chỉ 6 ngày sau khi có lệnh khởi tố của Cơ quan ANĐT, biết Giao có khả năng bị bắt giữ, ngày 24/11/2002, các "ông trùm" trong đường dây tham nhũng đã vội "bật đèn xanh" để Trần Ngọc Giao trốn ra nước ngoài. Từ tháng 11/2002 - 1/2004, với số tiền "giắt lưng" kha khá mà các "đàn anh" dúi cho, Giao đã sống lang thang phiêu bạt nơi đất khách quê người, luôn thay đổi chỗ ở vì bị truy nã đặc biệt và đã qua các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines.
    Trong thời điểm này, khi biết Cơ quan ANĐT đã khởi tố vụ án "Trần Ngọc Giao và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản", hai "sếp sòng" là Nguyễn Quang Thường (lúc này đã là Phó Tổng giám đốc Petro Việt Nam - Trưởng ban Quản lý dự án khí-điện-đạm Cà Mau) và Dương Quốc Hà (Phó Tổng giám đốc phụ trách thương mại của VSP) bàn nhau trả lại tiền cho Quang để rũ bỏ trách nhiệm. Họ đã mời Quang đến phòng làm việc cũ của Thường tại Vũng Tàu để đưa tiền cho Quang.
    Tại đây, Quang được Thường trả đủ 400.000 USD, còn Hà chỉ trả 450.000 USD. Sau khi 2 "sếp sòng" trả lại số tiền trên, Dương Quốc Hà yêu cầu Quang đưa cho Hà 20.000 USD để chi phí. Ngoài ra, Quang còn biếu riêng Hà 10 lạng cao hổ cốt trị giá 100 triệu đồng và 1 sừng tê giác trị giá 20.000 USD. Từ năm 2003 - 2004, khi Nguyễn Quang Thường còn làm Phó Tổng giám đốc Petro Việt Nam, Trần Quang đã 3 lần đưa tiền hối lộ, biếu Tết cho Thường tổng cộng 50.000 USD (Thường khai có nhận số tiền này).
    Ngày 27/1/2004, khi Trần Ngọc Giao vừa từ trên máy bay bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì đã bị Cơ quan ANĐT thi hành lệnh bắt khẩn cấp. Và tại cơ quan công an, Trần Ngọc Giao đã khai nhận toàn bộ các phi vụ tham nhũng từng tham gia và tên tuổi những "sếp sòng" của ngành dầu khí mà Trần Quang đã giao cho y đưa tiền hối lộ trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng nói trên.
    M.H (tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phi-vu-qua-lot-tay-khung-cua-cac-sep-a25787.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan