+Aa-
    Zalo

    Những phận đời bèo dạt mây trôi bước ra từ “cù lao xuất ngoại” miền Tây

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn 10 năm qua, ở cù lao “mía ngọt” này có hơn một ngàn cô gái lên đường làm dâu xứ lạ. Ước mong đổi đời, phụ giúp gia đình vượt qua khốn khó là mục đích chính.

    Hơn 10 năm qua, ở cù lao “mía ngọt” này có hơn một ngàn cô gái lên đường làm dâu xứ lạ. Ước mong đổi đời, phụ giúp gia đình vượt qua khốn khó là mục đích chính của những cuộc hôn nhân vượt biên giới, không tình yêu. Số phận của họ phó thác cho may rủi, như “bèo dạt mây trôi”...

    Phong trào lấy chồng ngoại

    Ngày ngày đón nhận phù sa từ dòng Hậu Giang, cù lao Tân Lộc nằm ở cửa ngõ phía Bắc TP Cần Thơ. Vùng đất này nổi tiếng nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi cây mía. Vì vậy, cù lao còn có tên gọi là “hòn đảo ngọt”.

    Từ khi các chủ nấu đường bị phá sản, rất nhiều người rơi vào cảnh nợ nần. Đất quê không nuôi sống nổi người quê, những cô gái ở đây chọn cách lấy chồng ngoại quốc để đổi đời và phụ giúp gia đình.

    Một thập niên trở lại đây, vùng đất này còn có tên gọi khác như “đảo Đài Loan” hay “cù lao Hàn Quốc”. Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn một nghìn trường hợp lấy chồng ngoại tại cù lao Tân Lộc. Đằng sau con số này là những câu chuyện buồn vui theo con nước.

    Phà là phương tiện duy nhất giúp người dân cù lao Tân Lộc vào đất liền. Trên những chuyến phà này, hơn 10 năm nay, những cặp đôi rể ngoại, gái làng dắt nhau rời quê hương xa xứ.

    Bởi không có đất đai, không công ăn việc làm, những cô gái lớn lên chọn hướng lấy chồng ngoại quốc để thoát khỏi “lũy dừa bến nước”, thoát cảnh xách ba lô lên thành phố làm công nhân hoặc đầu quân cho các quán cà phê đèn mờ. Để đổi đời, hôn nhân có thể không xuất phát từ tình yêu.

    Bước ra từ những ngôi nhà bồng bênh trên sông nước, các cô gái ôm ấp giấc mộng đổi đời.

    Chúng tôi may mắn gặp được vợ chồng Lê Thị Lan A. (23 tuổi) trong một dịp trở về Việt Nam thăm gia đình. Lan A. là cô dâu ngoại hiếm hoi may mắn vì được gia đình chồng “mở cửa” cho “sổ lồng” về quê thăm cha mẹ vài lần trong năm.

    Lan A. tâm sự: “Học hết cấp 3, thấy cảnh nhà không có gì, ba mẹ toàn phải đi làm mướn nên em quyết định sẽ kiếm một tấm chồng ngoại quốc. Mục đích duy nhất lúc ấy là làm sao kiếm được một khoản tiền phụ giúp ba mẹ đỡ khổ”.

    Ở xứ người, chênh lệch giới tính rất lớn khiến nhiều người đàn ông không thể lấy vợ. Con gái Việt Nam vốn có truyền thống chịu thương chịu khó, biết cam chịu nên chàng rể nào cũng muốn “rinh” được một cô.

    Căn nhà của bà Nguyễn Thị Út nằm trên một gò đất nổi, quay mặt ra bờ dừa nước xanh um. Trên cánh võng đong đưa ban chiều, bà Út tươi cười kể: “12 năm trước, tui đã cho đứa con gái duy nhất của mình lấy chồng Đài Loan. Lúc đó không nghĩ được gì cả, mục đích trước mắt là có chút tiền cưới từ nhà trai để trang trải cuộc sống. Con gái cũng đỡ phải đi tha phương cầu thực làm mướn”. Lấy chồng được hơn một năm, cô gái sinh một bé gái sau đó gửi về cho bà Út nuôi. Mỗi tháng đều đặn gửi về 400 ngàn tiền Đài Loan”.

    Ngôi nhà lá dừa rách xơ xác của vợ chồng bà Út cũng được gia đình chàng rể thay bằng căn nhà xây, tuy không lớn nhưng khang trang, sạch đẹp. Bà Út thật thà cho biết, con gái ở bên ấy gửi tiền về sắm sửa từ cái chén cái bát, nói chung lo tất tần tật.

    Ngày con gái bước theo chồng về xứ xa ngái bên kia, bà buồn đến rơi nước mắt. Sau đó cũng nguôi ngoai dần, với lại con gửi tiền về đều đặn cho cha mẹ hưởng thụ nên không thấy buồn nữa. Câu chuyện nhà bà Út nhanh chóng lan tỏa, người dân cù lao Tân Lộc tin rằng, lấy chồng ngoại quốc sẽ được đổi đời.

    Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Trệt, có tới 3 cô em vợ dắt tay nhau lấy chồng Hàn Quốc. Tất cả đều dựa vào mai mối. Ngày trước chưa có mai mối về làng, con gái muốn tìm chồng ngoại phải lên thành phố gia nhập vào đường dây “chào đòn” (đứng xếp hàng cho trai ngoại quốc nhìn mặt tuyển chọn).

    Có trường hợp, người đi chấm không phải là chú rể mà chỉ là đại diện, chấm xong rồi đưa sang bên kia ông chủ không thuận thế là bị đẩy đi. Sau này dịch vụ nở rộ, để cạnh tranh nhau, bà mai lùng về từng nhà chèo kéo, mời gọi.

    Anh Trệt chạy xe ôm nhưng không phải hôm nào cũng đủ bữa cơm, những khoản chi tiêu, mua sắm đều cậy nhờ vào 3 cô em vợ gửi tiền về cho. Thậm chí chiếc điện thoại anh đang dùng cũng là hàng từ Hàn Quốc gửi về.

    Ở đây, cô nào đi lấy chồng ngoại đều một lòng hướng vế cố hương, đau đáu với gia cảnh nghèo nàn của cha mẹ. Người ở nhà hễ buột miệng than về điều gì là các cô đều đáp ứng mà chẳng biết bên ấy họ làm gì ra tiền, sống sướng khổ thế nào.

    Gia đình bà Út có con gái lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc).

    "Bèo dạt mây trôi"

    Chị Nguyễn Thị Kim Trang có lẽ là người phụ nữ bất hạnh nhất ở xóm cù lao này. Trước đây, chị Trang đã có một đời chồng ở cạnh nhà nhưng hôn nhân đổ vỡ nhanh chóng bởi những trận say xỉn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của ông chồng. Nhớ lại cuộc hôn nhân ấy, chị Trang bảo đó còn hơn là địa ngục.

    “Ổng nhậu từ sáng tới chiều mới khật khưỡng mò về. Vừa vào nhà, ổng liền túm cái đầu mình táng sưng húp một nửa mặt. Có lần đánh vào mang tai làm chảy máu, tôi choáng váng phải đi bệnh viện cấp cứu và bị vỡ màng nhĩ” - chị Trang sụt sịt kể.

    Hôn nhân tan vỡ, chị Trang sống một mình trong căn nhà tình thương được các nhà hảo tâm xây tặng. Bà mai về làng hỏi chị có muốn lấy chồng Hàn Quốc không? Chị gạt phận mình sang một bên, đứng ra lo liệu cho cô em gái lấy người đàn ông Hàn Quốc với mong muốn, cô em sẽ có cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn mình. Tuy nhiên, em gái chị Trang không có việc làm, nhà chồng cũng chẳng khá giả gì nên không có tiền gửi về quê.

    Ông Bảy, ba chị Trang buồn rầu: “Con nhà người ta gửi tiền về cất nhà còn con gái tui thì không được như vậy. Nó chỉ ở nhà phụ thuộc vào chồng, không đi làm thì lấy tiền đâu ra. Con gái nghèo nhưng hạnh phúc vì được chồng thương yêu nên tui cũng bớt lo”.

    Bẵng đi thời gian, người ta lại hỏi chị Trang về việc “xuất ngoại”. Gần 50 tuổi, không con cái, ngày ngày thui thủi trong căn nhà bên cạnh rạch dừa, chị Trang đang phân vân thì vợ chồng ông bà Bảy từ chối ngay. Bà Bảy nói: “Tui nói nó ở vậy, không đi đâu hết. Một đứa đi đã nhớ muốn chết rồi”.

    Hơn chục năm qua, việc lấy chồng ngoại quốc vẫn diễn ra âm ỉ ở cù lao Tân Lộc. Bên cạnh giấc mơ đổi đời của các thiếu nữ là tình duyên lỡ làng của biết bao chàng trai. Trai lớn lấy vợ vốn dĩ là điều giản đơn quá đỗi bình thường từ xa xưa ở nơi này, nhưng bây giờ trở thành xa xôi, khó khăn trắc trở. Thanh niên phải sang tận xứ khác tán gái hoặc đi làm công nhân trên thành phố mới kiếm được vợ.

    Ngày con gái lên xe hoa về xứ Kim Chi, bà Hưu Thanh Hương từng reo vui trong lòng. Nhưng rồi đến lượt 3 người con trai đến tuổi lấy vợ, niềm vui của bà nhường chỗ cho những nỗi lo.

    Bà Hương cho biết: “Bây giờ cưới xin ở đây toàn đi theo giá ngoại quốc. Lễ cưới phải là vàng cây, tính ra tiền là mấy chục triệu. Nhà tôi 3 thằng con trai đã ngấp nghé 30 tuổi hết rồi. Mình làm mướn thì lấy đâu ra vàng cây mà đi hỏi vợ”.

    Anh Tấn (33 tuổi), là con trai trưởng của bà Hương có tiếng chịu thương chịu khó, hiền lành nhưng lương công nhân ở quê chỉ có 3 triệu/tháng nên chưa chắt chiu đủ cho một lễ cưới. Một đám cưới dù đơn sơ nhưng có vẻ đang là gánh nặng với người đàn ông này. Dự định của anh Tấn trong năm nay là sẽ đi tới những vùng sâu vùng xa, đến nơi nào người ta thách cưới rẻ nhất để kiếm một cô vợ.

    Đi liền với những cuộc hôn nhân ngoại quốc là hệ lụy đã được lường trước, đó là sự tan vỡ gia đình, bất hạnh trong cuộc sống của những nàng dâu xa xứ. Nguyên nhân một phần do khác biệt về văn hóa, tập quán bản địa nhưng phần lớn chính là danh phận của các nàng dâu không được coi trọng. Họ bị ruồng bỏ, đánh đập, bị khinh miệt dẫn đến vỡ mộng, bế tắc. Không ít trường hợp đã uất nghẹn tự kết liễu cuộc đời.

    Một cặp rể ngoại, dâu Việt ở cù lao Tân Lộc (ảnh chỉ mang tính minh họa).

    Giờ đây, ở “cù lao lấy chồng ngoại” đã có nhiều hơn những đứa con lai, đây là kết quả của những cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Về Việt Nam, những đứa trẻ sinh sống với ông bà, còn mẹ chúng lên thành phố làm thuê làm mướn hoặc quay trở lại nước ngoài làm ăn.

    Có những đứa trẻ về quê ngoại học không mang theo bất cứ giấy tờ gì. Nhà trường tạo điều kiện cho học nhưng không thể làm được học bạ do các em vẫn mang quốc tịch nước ngoài. Không có học bạ, những đứa trẻ này sẽ không được chuyển lên cấp học tiếp theo, dù đã đủ tuổi.

    Ông Phan Văn Sách, cán bộ tư pháp phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết: “UBND phường đã có kiến nghị với Sở Tư pháp TP Cần Thơ hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cháu làm các thủ tục pháp lý để đến trường sao cho phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

    Ngọc Hoa - Cát Tường

    (Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 15)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phan-doi-beo-dat-may-troi-buoc-ra-tu-cu-lao-xuat-ngoai-mien-tay-a270729.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan