Đạo luật Jourdan ký năm 1798 của Pháp từng quy định: "Bất kỳ người Pháp nào cũng là một người lính và có nghĩa vụ bảo vệ đất nước". Tuy nhiên, gần hai thế kỷ sau, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac cuối cùng quyết định từ bỏ quy định này, thay thế nó bằng "Ngày Quốc phòng và Quyền công dân", một ngày để người trẻ tìm hiểu về các giá trị của Cộng hòa diễn ra mỗi năm một lần.
Việc bãi bỏ nghĩa vụ quân sự vào năm 1997 thực tế không nhận được quá nhiều sự ủng hộ ở Pháp. Đối với một số người, hành động đó còn đi ngược lại với lịch sử. Một số người khác thì cho rằng điều quan trọng là thừa nhận sự sụp đổ của đất nước trong các vấn đề thế giới.
Nhưng phần còn lại của châu Âu đã đi theo con đường giống Pháp. Trên khắp lục địa, nhiều quốc gia đã quyết định kết thúc nghĩa vụ quân sự. Những nhà lập pháp mong muốn đội ngũ nhân sự của họ được lấp đầy bởi những người chuyên nghiệp. Với việc, không có xung đột nào mới ở phía Tây Balkan trong gần nửa thế kỷ qua, những đội quân hùng hậu gồm hàng trăm nghìn quân dự bị không chỉ lỗi thời mà còn bị coi là tốn kém.
Vương quốc Anh đã loại bỏ nghĩa vụ quân sự vào năm 1963 và Bỉ cũng đã làm điều này vào năm 1992. Trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2011, một khu vực rộng lớn của châu Âu đã không áp dụng quy định nghĩa vụ quân sự quốc gia. Chỉ có Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Cyprus, Hy Lạp, Áo và Thụy Sĩ là chưa bao giờ từ bỏ nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, một số quy tắc về vấn đề này đã được nới lỏng. Như vào năm 2006, Vienna giảm thời gian nghĩa vụ quân sự xuống chỉ còn sáu tháng.
Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 là cú sốc đầu tiên khiến một số chính phủ châu Âu phải suy nghĩ lại về nghĩa vụ quân sự. Theo đó, Ukraine đã áp dụng lại nghĩa vụ quân sự vào năm 2014, động thái này đã cho phép Kyiv tích lũy một đội quân lớn gồm các chuyên gia và lực lượng dự bị trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.
Vào năm 2015, Lithuania đã đưa trở lại một phần nghĩa vụ quân sự (sau khi kết thúc vào năm 2008) và Na Uy trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ. Hai năm sau đó, Thụy Điển đã áp dụng lại quy định này. Còn Pháp cũng đã bắt đầu theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, được giới thiệu trở lại vào năm 2019.
Bộ Quốc phòng Lithuania đã khởi động một nghiên cứu về việc nhập ngũ đầy đủ vào tháng 1/2022, một tháng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Hoạt động của Nga đã thúc đẩy các nước châu Âu thực hiện các hành động của họ về vấn đề nghĩa vụ quân sự.
Trong đó, đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Latvia đã thông báo nam giới từ 18-27 tuổi sẽ phải hoàn thành 11 tháng nghĩa vụ quân sự. Dự luật, sẽ cần được thông qua quốc hội, dự kiến sẽ được giới thiệu vào năm sau.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cho biết: "Người Latvia cần hiểu rằng để tồn tại, chúng ta chỉ cần tăng tỷ lệ công dân đã được huấn luyện quân sự và sẵn sàng tham gia chiến đấu. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ Latvia bị tấn công tuỳ tiện".
Không chỉ Lativa, nhiều quốc gia khác dự kiến cũng sẽ thực hiện các bước đi tương tự. Vào tháng 4, Bộ Quốc phòng Hà Lan được cho là đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu về việc giới thiệu chế độ nghĩa vụ quân sự theo phong cách Scandinavia do lo ngại rằng 1/4 các vị trí quân sự của nước này hiện chưa được lấp đầy.Trong khi đó, Ba Lan đã giới thiệu một hệ thống mới về "nghĩa vụ quân sự tự nguyện có trả lương" từ tháng 3.
Tại Romania - nơi đã từ chối việc tái áp dụng nghĩa vụ quân sự cách đây vài năm, Bộ Quốc phòng đã trình một dự thảo luật yêu cầu các công dân sống ở nước ngoài phải trở về nước trong vòng 15 ngày để nhập ngũ trong trường hợp khẩn cấp hoặc có chiến tranh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia không cân nhắc lại vấn đề nghĩa vụ quân sự của họ. Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa đã bác bỏ việc đưa trở lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tương tự tại Tây Ban Nha, Italy và Bỉ, không có nhiều cuộc tranh luận được đưa ra về vấn đề này. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm nay bởi ấn phẩm La Dernière Heure của Bỉ cho thấy 60% người được hỏi không sẵn sàng cầm vũ khí và chiến đấu.
Ở Đức, các chính trị gia cho rằng nghĩa vụ quân sự nên được áp dụng trở lại. Ông Carsten Linnemann, phó lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ, hiện là một đảng đối lập, cho biết vào tháng 3 rằng việc áp dụng nghĩa vụ quân sự trở lại có thể "thực sự tốt" cho xã hội. Ông Wolfgang Hellmich, một nghị sĩ của đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), đảng cầm quyền, cũng đã kêu gọi một cuộc tranh luận "khẩn cấp" đề thảo luận về vấn đề trên.
Ông Joachim Krause, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kiel, giải thích: "Có một số chính trị gia đã yêu cầu một năm hoạt động xã hội chung vớitất cả nam và nữ, điều đó có nghĩa là nghĩa vụ quân sự sẽ được đưa ra như một lựa chọn. Tuy nhiên, trong giới quân sự, không có ranh giới rõ ràng. Một mặt, có những người ủng hộ dự thảo, cho rằng Đức cần thêm quân. Mặt khác, lại có ý kiến cho rằng những người lính được biên chế không còn đủ khả năng để xử lý các công nghệ phức tạp của các cuộc xung đột hiện đại".
Bên cạnh lòng yêu nước, sự đoàn kết dân tộc và tìm việc làm cho những thanh niên thất nghiệp, một mối quan tâm khác được đặt ra là liệu người châu Âu có sẵn sàng đối mặt với những nguy hiểm mới hay không.
Từ năm 1999 đến năm 2021, chi tiêu quốc phòng chung của EU chỉ tăng 20%. Con số này tương đối nhỏ khi so với mức tăng 66% của Mỹ, 292% của Nga và 592% của Trung Quốc, trong cùng kỳ.
Đối với các quốc gia gần Nga, mối đe dọa do Moscow gây ra dễ nhận thấy hơn. Tuy nhiên, quân đội khắp châu Âu đang phải vật lộn với vấn đề biên chế. Ví dụ, quân đội Hà Lan hiện có khoảng 9.000 vị trí trống, chiếm khoảng 1/4 tổng số vị trí.
Minh Hạnh (Theo Euro News)