Con người có những nỗi sợ hãi rất kỳ lạ như sợ độ cao, sợ soi gương, sợ ánh sáng,...
Con người luôn tự hào là “chủ nhân của trái đất” nhưng nhiều khi, những người chủ lại luôn sợ hãi những thứ rất thông thường ở xung quanh mình...
Chứng sợ độ cao
Sợ độ cao là một chứng tương đối phổ biến trong nhân loại và chỉ khác nhau ở chỗ... lên đến độ cao nào thì xuất hiện nỗi sợ mà thôi. Ước tính có khoảng 2 - 5\% dân số có biểu hiện sợ hãi khi lên cao và nữ thì bị nhiều gấp đôi nam. Người mắc chứng này luôn có biểu hiện triệu chứng khi lên cao, kể cả khi lên các tòa nhà cao tầng hoặc trên máy bay hay ở độ cao đã có các phương tiện bảo vệ. Ở người bị chứng sợ độ cao, triệu chứng xuất hiện khi lên cao, khi ở trên cao nhìn xuống phía dưới và thậm chí ngay cả khi ở dưới nhìn lên những tòa nhà, tòa tháp hoặc những vật có độ cao lớn. Khi đó, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, cảm giác sợ hãi và mất tự chủ. Các tai nạn có thể xảy ra nếu bệnh nhân không được bảo vệ hoặc đưa xuống phía dưới.
Bệnh sợ đi máy bay do sợ độ cao. |
Chứng sợ độ cao có thể có một số nguyên nhân cụ thể như ở người đã từng bị ngã từ trên cao xuống. Những người này luôn bị ám ảnh bởi những gì họ đã trải qua nên rất sợ mỗi khi lên cao. Một nguyên nhân khác nữa là do khả năng giữ thăng bằng thông qua cơ chế mắt - tiền đình của một số người không được duy trì khi lên cao nên bệnh nhân dễ bị chóng mặt, mất thăng bằng và ngã xuống. Tuy vậy, đại đa số các trường hợp sợ độ cao không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Những bệnh nhân này sợ độ cao tới mức không bao giờ dám trèo thang, lên những cầu thang không có tay vịn và không cả dám đi... máy bay.
Điều trị chứng sợ độ cao chủ yếu bằng các biện pháp tâm lý hoặc cho bệnh nhân tập luyện quen dần với các độ cao khác nhau. Nên có biện pháp bảo vệ, phòng tránh tai nạn cho những người bị chứng sợ độ cao khi cần.
Chứng sợ... không gian hẹp
Chứng sợ không gian hẹp hay sợ phòng kín là những triệu chứng xuất hiện khi ở trong những không gian hẹp và kín như cầu thang máy, phòng không có cửa sổ, trong hang tối và thậm chí cả khi mặc quần áo trùm kín đầu. Khi ở trong những không gian này, người bệnh luôn có cảm giác ngột ngạt, bị cầm tù không có lối thoát và bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn hoảng loạn.
Ước tính có khoảng 5 - 7\% dân số thế giới bị mắc chứng sợ không gian kín và hẹp nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số đó cần phải điều trị thực sự.
Nguyên nhân của chứng sợ không gian kín hẹp có thể là do tổn thương hạch hạnh nhân, một bộ phận có tác dụng xử lý những cảm xúc của não bộ. Bên cạnh đó, những tình trạng có từ nhỏ như trẻ bị nhốt trong phòng, bị bỏ trong hộp kín, bị kẹt trong cầu thang máy, bị rơi xuống giếng mà không biết bơi... cũng là những ám ảnh khiến trẻ luôn có cảm giác sợ những không gian kín hẹp khi lớn lên. Nhiều trường hợp, chứng sợ không gian hẹp không có nguyên nhân rõ ràng và được qui cho là do những rối loạn tâm lý bẩm sinh.
Điều trị chứng sợ không gian hẹp bằng liệu pháp tâm lý hoặc cho bệnh nhân tập quen dần với những không gian nhỏ hẹp, giải tỏa nỗi sợ hãi căng thẳng khi ở trong những không gian này.
Chứng sợ... thức ăn
Thực phẩm nuôi sống con người nhưng có rất nhiều người lại mắc chứng sợ... thức ăn. Đây là những người có tiền sử dị ứng thức ăn (tôm, cua, nhộng ong, nhộng tằm...); đã hoặc đang mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, rối loạn hấp thu; người ăn kiêng lâu ngày; người theo các tôn giáo có kiêng kỵ một số loại thực phẩm nhất định; người bị các bệnh về não nên sợ thực phẩm và người sợ ăn do... tâm căn. Biểu hiện của chứng sợ này là khi bệnh nhân trông thấy, ngửi thấy hoặc nghe nói đến một loại (hoặc nhiều loại) thức ăn nào đó là nôn nao khó chịu, nôn mửa, chóng mặt, cảm giác kinh tởm, sợ hãi. Điều trị bao gồm các biện pháp như tập ăn lại những thức ăn đã kiêng kị và các liệu pháp tâm lý để bệnh nhân quen với thức ăn.
Chứng sợ... gương soi
Chứng sợ gương soi là những cảm giác sợ hãi, hoảng loạn xuất hiện khi soi gương hoặc khi soi mình vào những vật giống gương (mặt nước, bề mặt kim loại sáng bóng...).
Người bệnh luôn thấy bất an và luôn tưởng tượng ra cảnh họ có thể bị những thế lực... siêu nhiên siêu phàm có trong gương làm hại. Họ cũng tin rằng đánh vỡ gương luôn là một điềm rất xấu do ảnh hưởng đến đời sống tâm linh.
Chứng sợ... ánh sáng
Chứng sợ ánh sáng (photophobia) là cảm giác sợ hãi của người bệnh khi tiếp xúc với ánh sáng chủ yếu do tác động của ánh sáng gây các triệu chứng khó chịu, chói, đau ở hai mắt. Chứng sợ ánh sáng có nguyên nhân là do một số bệnh lý của mắt và hệ thống thần kinh và trong nhiều trường hợp, chứng này không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Một số người do bẩm sinh đã có khả năng tiếp nhận và nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, do tổn thương giác mạc, đáy mắt hoặc do đồng tử mất khả năng co nhỏ lại khi gặp ánh sáng mạnh để hạn chế ánh sáng vào mắt;
Ở người bị chứng bạch tạng, thiếu các hạt sắc tố ở mống mắt (phần lòng đen) nên không thể ngăn cản ánh sáng vào mắt; Tăng độ nhạy cảm quá mức của các tế bào đáy mắt; Tăng quá mức các xung dẫn truyền thần kinh và độ cảm thụ ánh sáng của não bộ... Người bị chứng sợ ánh sáng nên điều trị tốt các nguyên nhân gây bệnh (nếu có) và dự phòng bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như ở trong phòng tối, đeo kính đen, trùm đầu khi phải đi ra ngoài. Cũng có thể uống các thuốc như lutein, zeaxanthin... để làm giảm độ nhạy cảm với ánh sáng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Và nhiều chứng sợ khác...
Ngoài các chứng sợ kể trên còn vô vàn những chứng sợ rất vô lý mà con người gặp phải như sợ nấu ăn, sợ côn trùng, sợ băng qua đường, sợ vật nuôi (chó, mèo, trâu, bò, ngựa...), sợ cá, sợ nước và thậm chí sợ cả búp bê! Chứng sợ hãi dù ít dù nhiều đều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, vì vậy phải biết chế ngự những cảm giác sợ hãi đó.