Thận được ví như nhà máy lọc và xử lý chất độc cho cơ thể. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ các chất độc tồn đọng trong máu và giúp các chất trong hệ tuần hoàn ổn định về nồng độ. Chưa kể, thận còn tham gia vào một số hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, xương và ổn định huyết áp.
Khi chức năng thận bị ảnh hưởng sẽ gây ra các biến chứng sức khỏe mạn tính. Bệnh thận mạn tính được coi là biến chứng y khoa nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên toàn cầu có hơn 85 triệu người mắc bệnh thận và dự báo tới năm 2040, sẽ có hơn 5 triệu bệnh nhân suy thận tử vong do không được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cho rằng những con số trên là hậu quả của việc thiếu kiến thức về bệnh thận và việc chủ động phòng tránh bệnh là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Những đặc điểm của người có thận khỏe mạnh
Thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất
Tập thể dục thường xuyên có lợi cho toàn bộ cơ thể cũng như đảm bảo sức khỏe của thận. Tập thể dục tăng sức mạnh và chức năng cơ bắp, đồng thời giảm huyết áp và cholesterol. Việc tập thể dục thường xuyên, phù hợp với điều kiện sức khỏe cũng giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thận.
Uống đủ nước
Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể và cơ thể luôn cần nước để có thể hoạt động bình thường. Việc tiêu thụ đủ nước còn giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu, giảm nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính và là cách làm hiệu quả nhất để tránh sỏi thận.
Nếu bạn muốn thận luôn khỏe mạnh, hãy uống đủ lượng nước được khuyến nghị mỗi ngày.
Không hút thuốc lá
Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể phá hủy các mạch máu, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim và cả thận. Ngoài ra, các chất độc hại trong thuốc lá còn gây độc cho thận, làm tăng tới 50% nguy cơ ung thư thận, bàng quang.
Nói không với căng thẳng
Việc sống tích cực, không căng thẳng không chỉ quan trọng với sức khỏe tổng thể mà còn với sức khỏe 2 quả thận. Căng thẳng kéo dài có thể tác động tới huyết áp, nhịp tim, mỡ máu, đường huyết và cả bệnh tim mạch. Tất cả các yếu tố này đều có thể dẫn tới tổn thương thận.
Không sử dụng thuốc bừa bãi
Sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây tổn thương thận, kể cả các loại thuốc đó là thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng, thảo dược. Việc sử dụng thuốc phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa và dùng theo đúng chỉ địch. Có rất nhiều trường hợp bị suy teo thận do dùng quá nhiều thuốc giảm đau.
Ăn uống lành mạnh
Thận đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng và khỏe mạnh. Tuy nhiên, chế độ ăn uống kém khoa học có thể góp phần dẫn tới huyết áp cao, béo phì, tiểu đường và các rối loạn khác. Tất cả những yếu tố này dần dần có thể gây hại cho thận. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chế độ ăn nhiều protein động vật và ít rau, trái cây làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.
Chính vì thế, việc duy trì dinh dưỡng hợp lý là điều quan trọng để bảo vệ thận không bị tổn thương. Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như rau và ngũ cốc, đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng ngăn ngừa các bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh tim. Một số loại trái cây như nam việt quất, nho hoặc hạt như đậu phộng có nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất thực vật có lợi cho thận mà bạn nên thêm vào chế độ ăn.
Dấu hiệu bệnh thận dễ nhận biết
Đau thắt lưng
Những người bị thiếu thận hay thận hư, thận yếu có thể thường xuyên cảm thấy đau lưng, vì thực chất thận của chúng ta nằm ở phía trên vùng thắt lưng, nếu thận không tốt thì thắt lưng rất dễ bị đau nhức.
Ở một số người, đau lưng không phải do thận hư mà là do căng cơ thắt lưng do mệt mỏi, cảm giác đau lưng này rất giống với tình trạng thận hư, do đó để xác định thận yếu cần tổng hợp thêm các triệu chứng khác.
Mất ngủ và có nhiều mộng mị
Bệnh nhân thận yếu thường có thể bị rơi vào trạng thái mất ngủ, thậm chí có khi ngủ say cũng dễ bị mộng mị, mơ nhiều giấc mơ trong đêm. Nên dùng nước ấm ngâm chân trước khi đi ngủ, khoảng 10 phút sẽ thấy người ra mồ hôi nhẹ, lúc này khí huyết lưu thông tốt hơn có lợi cho việc đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Đừng suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ trước khi đi ngủ, và để não bộ thư giãn cũng là một cách.
Ớn lạnh tay chân
"Ớn lạnh" là chỉ cảm giác sợ lạnh, sợ gió, còn "lạnh chân tay" là chỉ triệu chứng tê buốt chân tay, thậm chí đến khuỷu tay, đầu gối.
"Chân tay lạnh" thường kèm theo các triệu chứng của thận dương hư như đau thắt lưng và đầu gối, mệt mỏi, thiếu sinh lực, lười nói, miệng nhạt nhưng không khát.
Da khô và ngứa
Da khô và ngứa cũng là dấu hiệu của bệnh về khoáng chất và xương. Vì thận đảm nhận vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp xương chắc khỏe và hoạt động để duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu. Khi mắc bệnh thận, thận không còn khả năng giữ cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu
Nếu bạn cảm thấy thường xuyên mắc tiểu, đặc biệt vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi các bộ lọc của thận bị hư hỏng, làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Tiểu máu
Khi thận gặp vấn đề, trong quá trình lọc máu chúng sẽ không thể giữ được hết những tế bào máu trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc các tế bào máu có thể bị “rò rỉ” ra ngoài theo đường nước tiểu. Ngoài việc báo hiệu bệnh thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Chóng mặt và ù tai
Người bị hoa mắt, ù tai cũng có thể là do thận yếu, do thận không tốt sẽ khiến năng lượng của chúng ta không đủ, từ đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt.
Khuyến cáo bạn rằng nếu các triệu chứng như vậy xảy ra, cần phải hết sức chú ý. Thận yếu nếu để lâu không được điều trị, tinh thần của con người sẽ rất kém, có thể ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống bình thường.
Cảm thấy khó thở
Thận có chức năng "hãm khí", do thận thiếu khí nên không hấp thụ được khí sẽ gây khó thở, thở ra nhiều mà hít vào ít gây khó thở tự do, trường hợp nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như thở khò khè tăng lên, có thể ra mồ hôi lạnh.
Gây mất khẩu vị, chán ăn
Một dấu hiệu bệnh thận rất chung chung và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác là tình trạng mất vị giác, chán ăn. Khi gặp phải tình trạng này có thể do thận đã bị suy giảm chức năng, gây ra tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể.
Cơ bắp thường xuyên bị chuột rút
Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu diễn ra không bình thường sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải. Khi gặp phải tình trạng này, cơ thể sẽ dễ bị hạ canxi, không kiểm soát được phốt pho,… gây ra tình trạng chuột rút cơ.
Như Quỳnh (T/h)