Bánh chưng nếp nương, thịt trâu hun khói hay xôi nếp ngũ sắc…. là những món ăn làm nức lòng du khách gần xa khi đặt chân đến vùng đất Điện Biên Phủ lịch sử.
Ngày nay, Điện Biên không chỉ được biết đến với cái tên “chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu”, những di tích lịch sử quân sự mà nơi đây còn mê đắm khách phương xa bởi văn hóa ẩm thực đặc sắc, nổi bật của cộng đồng người dân tộc.
Các món ăn của người dân tộc ở Điện Biên được chế biến rất cầu kỳ, nhất là nghệ thuật gia giảm các loại gia vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc. Cách trang trí cũng như hương vị thơm nồng của những nguyên liệu chế biến đều được trồng ở vùng núi rừng Tây Bắc, nơi không khí hòa quyện với thực vật xanh tươi, nơi mọi thứ mang đậm những dấu ấn của sự trong lành và tinh khiết.
Bánh chưng nếp nương lá riềng
Kết tinh từ những mảnh đất màu mỡ của núi rừng Tây Bắc, lúa nếp nương Điện Biên mang trong mình vị dẻo và hương thơm rất khó quên. Là đặc sản trứ danh của miền Tây Bắc, những hạt gạo trắng tròn, dẻo thơm, mang hương vị đậm đà.
Điểm đặc biệt ở đây là bánh được gói bằng lá riềng chứ không phải lá dong như truyền thống. Bánh có màu xanh mướt tự nhiên từ trong ra ngoài do gạo được làm từ gạo nếp nương ngâm nước cốt lá riềng. Bánh rất dẻo, nhân bánh được làm từ thịt lợn sạch thái miếng to bản, mỡ không béo, được bọc trong lớp đỗ xanh đồ nhừ, giã nhuyễn tạo cho vị bánh ngon và có mùi thơm đặc trưng.
Khâu chế biến được tiến hành một cách chỉn chu, tỉ mẩn từ cách làm lá, lạt cho đến gạo, thịt, đỗ và cách luộc. Mặc dù gói vo nhưng bánh lại vuông, chắc và rất chặt tay không phải độn lá nhiều như ngoài hàng, trước và sau khi bóc trọng lượng bánh vẫn không thay đổi. Các nguyên liệu cũng như cách làm bánh vô cùng công phu, tất cả đều theo công thức gia truyền không đâu có. Bởi vậy, bánh chưng được rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, từ hình thức cho tới chất lượng, mùi vị.
Xôi nếp nương ngũ sắc
Được “uống nước” của núi rừng, cộng với khí hậu đặc trưng của Tây Bắc nên lúa nếp nương Điện Biên thơm, mềm, dẻo, ngọt hơn hẳn các loại gạo nếp khác. Với nguyên liệu ngon như vậy thì tất nhiên sẽ làm ra món xôi nếp khó cưỡng. Xôi nếp nương Điện Biên có vị ngọt, dẻo, thơm lừng trong từng hạt và dù có bị nguội thì hạt xôi cũng không hề bị cứng khi ăn.
Người Thái thường đồ xôi bằng chõ gỗ đặc biệt và phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay rồi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, cho xôi dẻo lâu. Từng vốc xôi căng mẩy, hạt đều tăm tắp mà khi xòe tay ra vẫn không bị dính. Hít hà cái hương thơm đặc trưng của núi rừng, rồi dùng kèm với thịt nướng, cá nướng… thực khách mới thưởng thức được đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Bên cạnh xôi trắng, người ta còn tạo màu sắc sặc sỡ cho xôi bằng cách lấy các loại cây rừng để tạo màu vàng, tím, xanh, đỏ giúp món xôi trở nên hấp dẫn hơn. Vo từng nắm xôi lại trên tay và nhẩn nha thưởng thức mới có thể cảm nhận hết được hương vị dẻo thơm của loại xôi nếp nương này.
Thịt trâu gác bếp
Trong số các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc tại Điện Biên, chắc chắn thịt trâu gác bếp là một trong những món đáng để thưởng thức nhất.
Từng thớ thịt đỏ au sau khi được tẩm ướp được ướp với ớt, muối, gừng, nước lá rừng và lá mắc khén, sau đó treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản, khi muốn ăn chỉ cần nướng sơ qua một chút trên than hồng là đủ làm cho thịt mềm. Miếng thịt trâu nhìn bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng bên trong vẫn giữ được màu hồng hào, tươi đỏ, vị ngọt đậm đà của thịt.
Thịt trâu gác bếp không chỉ là đặc sản Điện Biên mà còn là đặc sản tây bắc. Mỗi dịp có khách đến nhà chơi, những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng, chủ nhà lại mang món ăn này ra để thiết đãi khách khứa.
Thịt lợn bản
Đến với Tây Bắc, ngoài những đặc sản như Thịt trâu Thịt bò gác bếp thì thịt lợn bản là món ăn mang đậm hương vị như chính nghĩa tình của người bản địa nơi miền sơn cước.
Lợn bản vốn là một trong những loài lợn rừng hoang dại. sang trọng quá trình săn bắt và thuần hóa người dân tộc Tây Bắc đã đưa lợn bản thành nguồn nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày. để phục vụ nhu cầu thực phẩm, qua nhiều thập kỷ, cỗ lá lợn bản trở nên tín ngưỡng và nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực miền núi Tây Bắc.
Không giống như giống lợn nuôi thông thường, lợn bản thường rất nhỏ, trọng lượng chỉ trên dưới 50kg. Tại một số nơi, lợn bản còn được nuôi như vật nuôi bởi chúng rất ưa sạch sẽ.
Do được chăn thả tự nhiên, chỉ ăn cỏ, măng tre và các loại rau củ nên lợn bản là da đen dày, mỡ mỏng, thịt chắc rất thơm ngon.
Sâu chít Điện Biên
Sâu chít vừa là đặc sản Điện Biên vô cùng nổi tiếng vừa là một trong những vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền, được coi như là đông trùng hạ thảo của Việt Nam.
Là một loại sâu màu trắng sữa, căng mọng và rất ngon lành. Sâu chít nằm trong thân cây chít và khiến cho cây không thể ra hoa. Vì thế, người ta bắt sâu bằng cách chẻ đôi thân cây chít ra. Sâu chít khi được bắt về sẽ được thả trong một chậu rượu nhạt để giúp cho sâu không bị biến đổi. Loại sâu này có thể đem nấu cháo hoặc ngâm rượu. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe lại rất ngon nên sâu chít là một món đặc sản cực kì nổi tiếng và tiêu thụ rất mạnh ở vùng xuôi.
Pa pỉnh (cá nướng)
Với sự pha trộn khéo léo và kết hợp giữa các loại gia vị độc đáo, món cá nướng là món ăn mang đậm hương vị Tây Bắc.
Họ thường dùng những con cá chép, trôi, trắm… mổ lưng, xoa muối rồi tẩm ớt tươi, mắc khén, để ngấm gia vị rồi đặt lên than hồng. Khi đã chín vàng, con cá được gỡ ra nguyên vẹn, không vỡ nát và dậy mùi gia vị bên trong. Thực khách sẽ cảm nhận được vị cay của ớt, mắc khén, vị ngọt béo của ớt cùng hương thơm của rau thơm, hành… vô cùng hấp dẫn không lẫn với bất cứ món cá nào từng thưởng thức trước đó. Pa pỉnh tộp ngon nhất khi ăn với xôi nếp ta.
Măng đắng
Măng rừng được người Điện Biên hái về sau những buổi đi làm nương rẫy, đây là đặc sản Điện Biên truyền thống mà người dân thường sử dụng trong mỗi bữa cơm thường ngày.
Măng đắng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như hầm xương, nướng, luộc, xào hay chỉ đơn giản là măng đắng chấm với chẩm chéo (thứ nước chấm độc đáo đặc trưng của người Thái). Phần non bên trong có vị đăng đắng, giòn, và ngọt thơm. Ban đầu, khi mới thưởng thức sẽ thấy có vị đắng, nhưng càng ăn lại càng thấy ngọt mát. Nhất là khi thưởng thức cùng những món ăn dân tộc như: cá nướng, thịt nướng... thì món ăn lại càng trở nên đậm đà hơn.
Đối với nhiều người lên Điện Biên lại thích món măng đắng nướng vì nó vẫn còn giữ được nguyên vị đắng, chát. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần phải ngâm muối để khử hết vị đắng, cái ngon ở măng đắng Điện Biên chính là vị đắng khó quên. Dù thưởng thức theo cách nào, món măng đắng cũng sẽ khiến cho rất nhiều người phải mê mẩn.
Với những hương vị thuần túy, mộc mạc, nét đặc trưng trong từng món ăn đã góp phần tô điểm cho bức tranh muôn màu của ẩm thực văn hóa Điện Biên. Những năm qua, ẩm thực Điện Biên dù không quá phong phú nhưng cũng đủ khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi hương vị của nó.
Nguyễn Hà(T/h)