Theo thông tin của Báo Sức khỏe và đời sống, ngạt mũi là một trong những biểu hiện rất hay gặp ở người mắc COVID-19. Ngạt mũi thường đi kèm chảy mũi và đau rát họng, thường xuất hiện vào ngày thứ 3 sau khi được xác định nhiễm SARS-CoV-2.
Ngạt mũi thường đi kèm chảy mũi và đau rát họng. Ngạt mũi làm cho bệnh nhân không ngủ được, thường phải há miệng ra để thở, điều này dẫn đến tình trạng khô họng và đau họng của người bệnh ngày càng nặng hơn.
Tình trạng ngạt mũi gây nhiều khó chịu và nếu để kéo dài có thể gây bội nhiễm dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi...
Để xử trí ngạt mũi, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ người bệnh có thể dùng các biện pháp như: xông hơi mũi bằng nước muối đẳng trương để làm loãng chất nhày và làm dịu kích ứng mũi; Nằm ngủ kê cao đầu…
Uống nhiều chất lỏng giúp làm loãng dịch trong hốc mũi, làm cho mũi thông thoáng và giảm ngạt. Tốt nhất là dùng nước ấm, nước gừng nóng, trà xanh hay ăn thức ăn cay cũng có tác dụng làm giảm nghẹt mũi.
Một số món ăn, thức uống giúp cải thiện tình trạng ngạt mũi:
Nước trà ấm
Trong trà có nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng đường hô hấp. Nước trà ấm có thể giúp phá vỡ chất nhầy và làm cho nó bị đẩy ra khỏi cơ thể, đồng thời mang theo một ít virus.
Trà gừng
Gừng là vị thuốc được chứng minh có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả. Nó kích thích hệ thống miễn dịch tự bảo vệ tốt hơn để chống lại các virus gây bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, cúm.
Gừng làm giảm viêm niêm mạc lót đường mũi và xoang. Tình trạng viêm này góp phần rất lớn vào việc tích tụ dịch và tắc nghẽn. Vì vậy, uống một cốc trà gừng nóng có hiệu ứng làm nóng đường hô hấp và gần như ngay lập tức giảm triệu chứng nghẹt mũi cũng như cảm giác choáng váng khi bị cảm lạnh, cảm cúm.
Trà gừng pha mật ong
Thay vì đường, hãy thêm mật ong vào trà của bạn. Một cốc trà ấm với mật ong trước khi đi ngủ có thể cải thiện giấc ngủ của bạn khi bạn mắc COVID-19, và nó cũng có đặc tính kháng khuẩn giúp cải thiện phản ứng miễn dịch.
Về tác dụng kháng khuẩn của mật ong, nhiều nghiên cứu trước đây đã lưu ý rằng mật ong có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm rất hiệu quả. Một đánh giá nghiên cứu được công bố trên tạp chí Heliyon đưa ra giả thuyết rằng khả năng giảm viêm cấp tính, giống như được thấy với COVID-19, có thể dẫn đến phản ứng nâng cao miễn dịch của cơ thể.
Súp gà
TS. Julie Miller Jones - Giáo sư danh dự về dinh dưỡng tại Đại học St Catherine (bang Minnesota, Hoa Kỳ) cho biết: Súp gà là món ăn bổ dưỡng dành cho người ốm để nhanh hồi phục. Hơn hẳn các loại đồ ăn khác chế biến từ gà, món súp này có tác dụng làm tăng lưu lượng chất nhầy và loại bỏ virus.
"Điều này có thể là do một loại axit amin nhất định, được gọi là cysteine có trong súp gà có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của chất nhầy, và chúng tôi thấy điều này đặc biệt là trong các phiên bản tự làm", TS. Jones cho biết.
Cháo trứng gà, tía tô
Trứng rất giàu protein, vitamin D và B12 và các khoáng chất như kẽm và selen... Tất cả các chất dinh dưỡng này đều có tác dụng tăng cường thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.
Tía tô là loại rau gia vị phổ biến có chứa tinh dầu. Trong Đông y, tía tô là vị thuốc phổ biến có tính ấm, vị cay, dùng trị cảm mạo, ngạt mũi, sổ mũi, đau đầu rất tốt.
Cách dùng: Nấu gạo tẻ thành cháo rồi đập lòng đỏ trứng gà vào đánh tan, cho thêm tía tô, hành và vài lát gừng quấy chín, ăn nóng giúp giải cảm, giảm đau đầu và nghẹt mũi hiệu quả.
Nước canh rau củ
Nước rau củ chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Dùng rau củ nấu với nước dùng gà để uống có thể mang lại cảm giác dễ chịu, làm dịu cơn đau họng và làm thông mũi tự nhiên.
Như Quỳnh (T/h)