Tên lửa Storm Shadow / SCALP-EG có tầm bắn tới 500km của Anh và Pháp
Tên lửa hành trình tàng hình Storm Shadow là sản phẩm chung được phát triển giữa Anh và Pháp. Phiên bản dành cho Quân đội Pháp được sản xuất với tên gọi SCALP-EG. Dòng tên lửa hành trình không đối đất này trang bị đầu đạn với ngòi nổ điện tử có tên gọi BROACH nặng 450kg. Đầu đạn đa dụng này có khả năng tấn công nhiều dạng mục tiêu khác nhau, kể cả các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất hay trong các boong-ke kiên cố.
Tên lửa Storm Shadow/ SCALP-EG thuộc chuẩn NATO với khả năng không cần cập nhật thông tin từ máy bay mang phóng nên chúng được tích hợp lên các máy bay tiêm kích-bom Su-24 chuẩn Liên Xô với một vài sửa đổi về hệ thống treo vũ khí, báo Quân đội nhanh dân thông tin.
Phiên bản tiêu chuẩn của tên lửa Storm Shadow/ SCALP-EG có tầm bắn tới 500km nhưng phiên bản xuất khẩu chỉ có tầm bắn khoảng 250km.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, tên lửa Storm Shadow/ SCALP-EG được sử dụng rộng rãi. Hồi tháng 5/2024, Bộ Quốc phòng Nga thông tin, tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 đã đánh chặn thành công tên lửa Storm Shadow. Các sĩ quan phòng không Nga đánh giá đây là mẫu vũ khí nguy hiểm, có khả năng bay ở độ cao cực thấp, bám theo địa hình nên việc phát hiện và ngăn chặn chúng rất khó khăn.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn ATACMS của Mỹ
Trong năm 2023, AFU đã nhận được tên lửa đạn đạo thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) do Mỹ cung cấp. Phiên bản chuyển giao cho phía Ukraine là Block-1 mang đầu đạn chùm, chứa khoảng 950 đầu đạn con M74.
ATACMS được thiết kế để tiêu diệt radar, phá hủy sân bay, xe bọc thép hạng nhẹ và sinh lực đối phương nhờ các đầu đạn con M74 sử dụng mảnh văng làm từ hợp kim vonfram. Mỗi đạn con M74 có tầm sát thương khoảng 15m. Tên lửa ATACMS có quỹ đạo bay đạn đạo phức tạp và hệ thống dẫn đường phức hợp có sai số lệch mục tiêu rất thấp.
Cùng với đó, Ukraine còn được chuyển giao phiên bản ATACMS Block 1A với tầm bắn lên tới 300km, nhưng bị cắt giảm khối lượng đầu đạn. Mỗi tên lửa ATACMS Block 1A mang đầu đạn chùm với 275 đầu đạn con. Các phiên bản tên lửa ATACMS phù hợp để trang bị trên xe phóng của tổ hợp pháo phản lực HIMARS hay M270 có khả năng cơ động cao, khó bị phản pháo.
ATACMS được sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong hậu tuyến và từng bị tổ hợp phòng không Buk-M3 Viking của Nga bắn hạ nhiều lần.
Tên lửa Taurus KEPD-350 của Đức
Kể từ năm 2023, Ukraine đã nhiều lần đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình không đối đất tầm xa KEPD-150/350 TAURUS do Đức và Thụy Điển hợp tác phát triển. Tuy nhiên, Berlin luôn từ chối.
Vào tháng 5/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố nguyên nhân tại sao không thể cung cấp tên lửa TAURUS cho AFU vì phía Ukraine sẽ không thể tự lập trình đường bay TAURUS. Quá trình này cần có sự tham gia của các chuyên gia quân sự Đức, nhưng Berlin sẽ không cử quân nhân sang lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi cung cấp TAURUS vẫn tiếp tục được vận động ở chính Berlin. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Liên bang (Bundestag) Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann kêu gọi nước này nên cung cấp tên lửa cho Ukraine sau khi AFU nhận máy bay chiến đấu F-16.
Tên lửa TAURUS được coi là vũ khí tương xứng với dòng tên lửa Storm Shadow\SCALP. Dòng tên lửa này bắt đầu được trang bị cho Quân đội Đức từ năm 2004. TAURUS trang bị đầu đạn xuyên phá MEPHISTO nặng 481kg, bao gồm đầu đạn xuyên chướng ngại vật và đầu đạn xuyên phá nối tiếp. Tên lửa có khả năng bay ở độ cao thấp 30m, bám sát địa hình. Hành trình bay kết hợp với hình dáng khí động học và lớp sơn phủ tàng hình khiến việc phát hiện và đánh chặn TAURUS không dễ dàng. Ngoài phiên bản mang đầu đạn xuyên phá, phiên bản TAURUS M được trang đầu đạn chùm.
“Bộ đôi sát thủ” F-16 và JASSM
Ukraine đã nhiều lần vận động Mỹ cung cấp dòng tên lửa hành trình không đối đất tầm xa AGM-158 JASSM do máy bay chiến đấu F-16 không có khả năng mang tên lửa Storm Shadow\SCALP.
Khi các đơn vị F-16 đầu tiên được cung cấp cho Ukraine, Kiev và Washington bắt đầu thảo luận lại về việc cung cấp tên lửa tấn công JASSM. Tờ Politico dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ đăng tải, Washington rất cởi mở với ý tưởng chuyển JASSM cho Kiev.
Quá trình phát triển tên lửa JASSM bắt đầu vào năm 1995 và được chấp nhận vào biên chế Quân đội Mỹ từ năm 2003. JASSM nổi tiếng có độ chính xác cao nhờ hệ thống dẫn đường phức hợp kết hợp giữa quán tính có hiệu chỉnh GPS và cảm biến quang-hồng ngoại chủ động, so ảnh mục tiêu ở pha cuối. Tầm bắn của JASSM phiên bản tiêu chuẩn là 370km. JASSM được trang bị đầu đạn xuyên phá WDU-42/B nặng khoảng 450kg. Mỗi máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang theo hai tên lửa ở mấu treo nằm ở gốc cánh.
Tạp chí National Interest đánh giá, tên lửa - “đạn tàng hình” JASSM có thể cung cấp cho Kiev “tiềm năng tấn công đáng kể”.
Thông tin từ Tuổi Trẻ, mới đây, tối 17/11 (theo giờ địa phương), báo New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tấn công các binh sĩ Nga ở vùng Kursk trong vài ngày tới.
Ngoài ra, ATACMS còn nhắm mục tiêu đến các trại tập trung của binh sĩ, các kho chứa thiết bị quân sự, các kho đạn dược, các trung tâm hậu cần và những tuyến đường tiếp tế nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Phản hồi về thông tin Washington cho phép Kiev sử dụng ATACMS để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo quyết định này của Mỹ có thể làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột, đẩy các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức bước vào một cuộc chiến tranh trực diện với Matxcơva.
Tổng thống Nga cũng tuyên bố Matxcơva sẽ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho các đồng minh thân Nga trên thế giới, để từ đó tấn công vào những trung tâm cung cấp vũ khí của các quốc gia khác đặt tại Ukraine.