+Aa-
    Zalo

    Những lễ hội Xuân cầu tài cầu lộc cầu may dịp Tết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đi hội Xuân được coi là thú vui và là nét đẹp văn hóa của cha ông từ xưa đến nay để tưởng nhớ cội nguồn, cầu chúc may mắn hay đơn giản để gặp gỡ giao duyên.

    (ĐSPL) - Tháng Giêng là thời điểm có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng là lúc người dân đi lễ để tưởng nhớ cội nguồn, cầu chúc may mắn cho năm mới. 

    Đi hội Xuân được coi là thú vui và là nét đẹp văn hóa của cha ông từ xưa đến nay. Có những lễ hội để tưởng nhớ cội nguồn, những lễ hội để cầu chúc may mắn, hay đơn giản để gặp gỡ giao duyên. Tất cả đều làm nên sự độc đáo rất riêng của từng địa điểm.

    Lễ hội chùa Hương, Hà Nội

    Đây được xem là lễ hội có lượng du khách đông nhất và kéo dài nhất của nước ta. Lễ hội chùa Hương bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch, kéo dài đến tháng 3 âm lịch.

    Rất đông du khách đến với lễ hội chùa Hương. 

    Du khách từ mọi miền đất nước nô nức về đây trẩy hội chùa Hương. Ngay từ bến thuyền, hàng ngàn chiếc thuyền đã đợi sẵn, nhẹ nhàng xuôi dòng suối Yến đưa du khách tham quan các thắng cảnh như: động Hương Tích, đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn… Các nghi lễ được thực hiện đơn giản nhưng không kém phần trang trọng, khói hương tại các đền thờ nghi ngút không lúc nào ngơi. Những ngày đầu xuân du khách về đây ngoài việc vãn cảnh chùa thì đây còn là nơi để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình, cầu mong may mắn, an lành cho một năm sắp tới.

    Hội chợ Viềng, Nam Định

    Phiên chợ chỉ họp mỗi năm một lần, "bán điều rủi, mua sự may" đã trở thành nét văn hóa đẹp của vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định). Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Vì vậy, từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, người dân Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... đổ về chợ Viềng như mắc cửi để mong có lộc cho cả năm.

    Người dân đến với chợ Viềng để "mua may bán rủi". 

    Thật ra Viềng không phải là tên riêng một chợ mà có tới 4,5 khu chợ thuộc hai chợ cùng tên Viềng của Nam Định, cùng họp một phiên vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng. Đó là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Ấy thế là thành chợ Viềng “2 chợ, 1 phiên” cho cả năm.
    Theo lời người già giải thích, chợ Viềng Phủ có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời (còn gọi là chợ âm phủ). Đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ. Vì vậy, ngay từ 19h tối mùng 7, các bãi đỗ xe ở Viềng Phủ đã chứa đầy các ô tô, xe máy đến từ Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội...

    Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

    Lễ hội Yên Tử là một lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

    Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương.

    Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước cùng các quý đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước về dự, thắp nén Tâm hương dâng lên lễ Phật, tri ân công Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các Tổ Thiền Trúc Lâm, các bậc tiền bối hiền nhân suốt đời phụng đạo, vì nước, vì dân và vãng cảnh non thiêng, sơn thủy hữu tình. 

    Hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.

    Lễ hội đền Gióng, Hà Nội

    Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Lễ khai hội Gióng diễn ra tại Khu di tích đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

    Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, Tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

    Hội Lim, Bắc Ninh

    Đã đi vào rất nhiều tác phẩm thơ ca, Hội Lim luôn là điểm chú ý của du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

    Lễ hội Lim đã trở nên quen thuộc và gần gũi đối với rất nhiều người dân từ khắp các tỉnh thành. 

    Vào 8h sáng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.

    Lễ hội đền Trần, Nam Định

    Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

    Lễ hội khai ấn đền Trần.

    Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.

    Lễ hội Bà chúa Kho, Bắc Ninh

    Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay Bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Đền Bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”.

    Rất nhiều người đổ về xin lộc Bà Chúa Kho, với hi vọng một năm mới sẽ làm ăn thuận lợi may mắn.

    Theo truyền thuyết, Bà chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076. Khi Bà qua đời, mộ của bà được đưa về thôn Quả Cảm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) nơi bà sinh ra.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-le-hoi-xuan-cau-tai-cau-loc-cau-may-dip-tet-a83813.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan