+Aa-
    Zalo

    Điều tra nội dung tố cáo việc lập lời khai khống vụ "cướp gỗ huê"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Qua vụ án "cướp gỗ huê", dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng năng lực của các điều tra viên quá yếu kém hay nó bắt nguồn từ một động cơ có chủ ý?

    (ĐSPL) - Trong thời gian gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng tại Quảng Bình đã thừa nhận để xảy ra 3 vụ án oan sai. Tất cả các vụ án này, đều bắt nguồn từ sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của chính CQĐT. Dư luận cho rằng, vụ án “cướp gỗ huê” gây chấn động tại địa phương này cũng nằm trong chuỗi hệ thống ấy. Nhiều câu hỏi được đặt ra, phải chăng năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn của các điều tra viên quá yếu kém hay nó bắt nguồn từ một động cơ có chủ ý?

    Chúng tôi đã phản ánh ở những bài viết trước, khi nhận được đơn kêu oan của các "bị can" trong vụ án "cướp gỗ huê", phóng viên báo ĐS&PL đã về làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình. Trong hồ sơ vụ án, có một chi tiết được các điều tra viên lý giải không hề thuyết phục. Sự thật khách quan là có việc nhóm của Toàn và Hiệu gặp nhau giao tiền mua bán gỗ.

    Toàn thừa nhận có lấy từ nhóm của Hiệu 390 triệu; việc giao nhận này có nhiều người chứng kiến. Để buộc các “bị can” có hành vi cướp tài sản, bác hành vi mua bán trên, bản kết luận điều tra cho rằng, số tiền này là do nhóm của Hiệu mang biếu tặng Toàn(!?).

    Hồ sơ liên quan đến vụ án nghi vấn có oan sai

    Phản bác lại lập luận này, ông Trần Trường Phi, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình thẳng thắn: “Các bị can này đều có hoàn cảnh khó khăn, họ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để cho Toàn. Tất cả các bị can đều khai, số tiền này họ vay mượn, góp lại để mua số gỗ huê trên (khoảng 400kg - PV)”. Đồng quan điểm với ông Phi, ông Ngô Văn Xảo, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh này chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tôi đã có văn bản đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, cần xem lại toàn bộ diễn biến của vụ việc. Tôi không dám nói đến những nguyên nhân khác, nhưng ở đây phải nói, CQĐT chưa làm hết trách nhiệm của mình”.

    Theo quy định tố tụng, khi CQĐT muốn làm việc với các bị can, bị hại và những người liên quan phải có giấy triệu tập. Tuy nhiên, theo ông Xảo tiết lộ: “Các điều tra viên chỉ dùng điện thoại cá nhân để liên lạc làm việc. Trong hồ sơ vụ án thể hiện rất rõ, không có giấy triệu tập. Khi đọc lời trình bày của các “bị hại”, đều có một điểm chung rất lạ lùng. Tất cả mười mấy bản lời khai giống y hệt nhau như có sự sắp đặt sẵn”.

    Còn "bị can" Nguyễn Văn Dũng khẳng định: “Họ (các điều tra viên – PV) hẹn chúng tôi đến quán cà phê ngồi nói chuyện. Gần tan cuộc, họ đưa cho chúng tôi mấy bản tờ khai giấy trắng (chưa viết gì) rồi nói: Nếu anh em bận công việc thì cứ ký vào đây rồi về, có gì bọn mình viết vào cho, không sao đâu. Vì nghĩ không có tội và cũng chưa lúc nào bị công an bắt, nên cứ thế bọn tôi ký vào. Sau này có người hỏi, tại sao không đi cướp mà lại nhận tội cướp thì chúng tôi mới ngỡ ngàng. Khi biết việc, tất cả anh em chúng tôi đều có đơn khiếu nại gửi CQĐT và nhiều cấp ngành nhưng không nhận được trả lời”. 

    Nguyễn Văn Dũng cho biết, đã bị ép ký vào nhiều bản khai khống

    Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao CQĐT lại khởi tố các bị can trong khi họ không có tội, Nguyễn Văn Hiệu trình bày: Sau khi nhóm của Hiệu mua xong của nhóm Toàn đã bán số gỗ trên cho anh Phạm Hải, có một điều tra viên tên S. đã tìm gặp trưởng nhóm Nguyễn Văn Hiệu, đề nghị mọi người chung chi một số tiền lớn.

    Hiệu khẳng định, vị điều tra viên này cho hay, nếu mọi người chịu chi ra số tiền đó thì sẽ cho êm, nếu không sẽ làm vụ này thành án. Do số tiền yêu cầu quá lớn nên các thành viên trong nhóm của Hiệu đã không đồng ý. Mặc dù tất cả các bị can đều tái khẳng định nội dung này là hoàn toàn sự thật, nhưng chúng tôi đang tiếp tục cho điều tra, kiểm chứng nội dung tố cáo này.

    Có thể khẳng định, đây là vụ án chỉ có chủ thể (các bị can) của tội phạm, còn các yếu tố khác mập mờ, không rõ ràng. Về khách thể bị xâm hại ở đây, theo thẩm phán Hoàng Đại Anh (người thụ lý vụ án này tại tòa sơ thẩm và cũng là người ký trả hồ sơ) là không đạt. Tài sản được pháp luật bảo vệ trong vụ án này là tài nguyên rừng do VQG Phong Nha – Kẻ Bàng quản lý chứ không phải là tài sản của nhóm Phạm Văn Toàn. Theo ông Anh, các đối tượng trong nhóm của Hiệu cũng như nhóm của Toàn chỉ bị xử lý hành chính bởi hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng.

    Cũng theo thẩm phán Anh, CQĐT chưa thể hiện được việc định giá tài sản bị thiệt hại. Đây là điều kiện cần trong một tội danh cấu thành vật chất. Hơn nữa, số tài sản “nghi bị thiệt hại” (là vật chứng của vụ án) không hề thu giữ được. Lẽ ra CQĐT phải tìm mọi cách thu hồi lại số tài sản này (đã bán cho ông Phạm Hải) và toàn bộ số tiền các nhóm giao nhận mua bán số gỗ huê trên.

    Sau khi báo ĐS&PL đăng tải bài viết đầu tiên, trích nguyên văn lời phát biểu của ông Trần Trường Phi, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình, ông này đã liên lạc với phóng viên thực hiện bài viết để trình bày, làm rõ thêm nội dung ông đã cung cấp. Một lần nữa, ông Phi tái khẳng định, những quan điểm của ông về vụ án này. Tuy nhiên, về chi tiết các bị can đã ký vào bản cung khống (giấy trắng), ông cho rằng, đây mới là nội dung tố cáo của các bị can. Hiện các cơ quan chức năng đang cho xác minh, làm rõ nội dung tố cáo này.  

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-tra-noi-dung-to-cao-viec-lap-loi-khai-khong-vu-cuop-go-hue-a31106.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cơ quan chức năng 'chối' về sự xuất hiện của trùm gỗ sưa

    Cơ quan chức năng 'chối' về sự xuất hiện của trùm gỗ sưa

    Sự xuất hiện một cách bất thường của trùm gỗ sưa Hùng “mía”, có biểu hiện khuynh loát mọi công việc trục vớt gốc sưa “khủng” tại suối Troóc, đang khiến dư luận bức xúc, bàn tán xôn xao. Trong khi đó, cơ quan chức năng 'chối' về sự xuất hiện của trùm gỗ sưa.