Vụ nổ Tunguska giống như một vụ án mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản nhưng không cách nào tìm ra bằng chứng cuối cùng chứng minh.
Ảnh chụp năm 1929 cảnh tượng “chết chóc” trong rừng Tunguska dù đã 21 năm sau vụ nổ. |
Vào khoảng 7h17 sáng 30/5/1908, những cư dân thưa thớt ở vùng Krasnoyarsk Krai tỉnh giấc nhìn thấy một cột ánh sáng xanh chói loà như mặt trời di chuyển ngang bầu trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nổ kinh khủng, những cơn chấn động di chuyển ngang qua khu vực đã xé vỡ cửa kính, khiến người đi bộ ngã nhào trên mặt đất.
Vụ nổ với công suất ước tính gấp 1000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshmia đã xoá sổ cả một khu rừng hoang sơ hẻo lánh thuộc Siberia.
Tháng 3/1927 đoàn thám hiểm của Kulik tới vùng Wanawara và ngày 13/4 họ phát hiện một khu vực lớn phủ đầy những thân cây mục rữa. Một vụ nổ lớn rõ ràng đã san bằng trên 80 triệu cây cối trên khu vực rộng trên 1.300km2. Chỉ có vùng trung tâm của vụ nổ trong “rừng Tunguska” thì cây cối vẫn đứng thẳng, chỉ có cành và vỏ vây bị cháy xém.
Mặc dù đã tìm kiếm trong một khu vực rộng lớn, nhóm của Kulik không thể tìm thấy bất cứ hố thiên thạch lớn nào, ngoài những hố tròn nhỏ có thể do những mảnh vỡ của thiên thạch tạo ra. Tuy vậy không một vật liệu thiên thạch nào được phát hiện. Kulik cho rằng vụ nổ có thể đã xảy ra trong bầu khí quyển, gây ra những quả cầu lửa và sự hủy diệt với khu vực mặt đất bên dưới. Những mảnh vỡ thiên thạch có thể bị vùi trong lớp đất đầm lầy, vốn quá mềm để có thể giữ được hình thái điển hình của một hố thiên thạch.
Năm 1934, các nhà khoa học Xô viết công bố một loạt giả thuyết khác nhau trong nghiên cứu của Kulik. Họ cho rằng một sao chổi, chứ không phải thiên thạch, đã tấn công Tunguska. Do sao chổi có thành phần chủ yếu là băng, nên nước đã bay hơi hoàn toàn sau khi va chạm và không còn dấu vết nào để lại.
Giả thiết sao chổi đã tấn công Tunguska. Ảnh: Getty |
Tiếp đó, sau vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên tại Nhật Bản năm 1945, các kỹ sư Liên Xô và nhà văn khoa học viễn tưởng Aleksander Kasantsews đã đưa ra một cách giải thích kỳ lạ liên quan đến một vụ nổ hạt nhân từ những thành phần nguồn gốc ngoài hành tinh. Ngoài cảnh tượng hủy diệt giống như ở Hiroshima và Nagasaki, các nhà khoa học còn nhận thấy những xáo trộn về địa từ trường được ghi nhận tại trạm quan sát ở Irkutsk tương tự với một vụ nổ hạt nhân.
Trong cuộc thám hiểm năm 1958, một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện một số dấu vết rất nhỏ còn sót lại về chất silicate và magnetite ở khu vực. Kết quả phân tích cho thấy chúng có tỷ lệ nickel rất cao - một đặc tính của đá sao băng. Cuối cùng, giả thuyết về sao băng có vẻ chính xác.
Một bài viết công bố trên tạp chí Nature năm 1973 nhận định một hố đen đâm lao vào Trái Đất gây ra vụ nổ. Giả thuyết này nhanh chóng bị những người khác bác bỏ. Natalia Artemieva bình luận rằng các ý tưởng như thế chỉ đơn giản là sản phẩm phụ của tâm lý con người hay nói cách khác là "con người ta thích những thứ bí mật". Nhưng, Artemieva cũng chỉ trích giới khoa học cần phải phần nào chịu trách nhiệm, vì đã để thời gian trôi qua quá lâu mới tiến hành phân tích địa điểm xảy ra vụ nổ.
Các nhà khoa học cũng lo ngại về các khối thiên thạch to lớn có khả năng hủy diệt Trái Đất - giống như trường hợp thiên thạch Chicxulub hầu như đã tiêu diệt giống loài khủng long gần 70 triệu năm về trước. Đến năm 2013, một nhóm nhà nghiên cứu - do tiến sĩ Victor Kvasnytsya Viện Khoa học Quốc gia Ukraina (NASU) dẫn đầu - phân tích các mẫu đá vi mô thu thập được từ nơi xảy ra vụ nổ. Các mẩu đá có nguồn gốc từ sao băng.
100 năm sau, một khu rừng mới đang mọc lên tại nơi từng xảy ra vụ nổ Tunguska, ảnh chụp năm 2008. Ảnh: Getty Images |
Đáng chú ý là các mẫu vật mà họ phân tích được lấy từ lớp than bùn có từ năm 1908. Các mẫu vật có dấu vết một loại khoáng chất carbon gọi là lonsdaleite - thành tố có cấu trúc tinh thể hầu như giống với kim cương. Người ta tin rằng khoáng chất đặc biệt này được hình thành khi một cấu trúc có chứa graphite, chẳng hạn như sao băng, đâm lao vào Trái Đất.
Vấn đề chính ở đây, theo Kvasnytsya, là các nhà nghiên cứu đã dành quá nhiều thời gian tìm kiếm những tảng đá to và "điều cần thiết là phải đi tìm những mẩu rất nhỏ" - chẳng hạn như những mẩu mà nhóm của ông đã nghiên cứu.
Nhưng câu chuyện về Tunguska vẫn chưa kết thúc. Ngay cả bây giờ, một số nhà nghiên cứu khác đã đưa ra ý kiến rằng chúng ta đã bỏ lỡ mất một manh mối hiển nhiên có thể giúp giải thích mọi chuyện. Vào năm 2007, một nhóm nhà khoa học Italy cho rằng một hồ nước nằm cách đó 8km về phía Tây-Bắc của trung tâm vụ nổ có thể là một miệng hố được tạo ra từ tác động của nó. Theo họ, Hồ Cheko không hề được ghi nhận trong các bản đồ trước khi xảy ra vụ việc.
Giáo sư Luca Gasperini, Đại học Bologna (Italy) - người đã tới hồ này vào cuối thập niên 1990 - cho rằng khó có thể giải thích được nguồn gốc của hồ nước này bằng cách nào khác: "Nay chúng tôi tin chắc rằng nó được hình thành do tác động của vụ nổ, không phải là từ chính Tunguska mà là từ một mảnh văng ra từ khối thiên thạch trong vụ nổ". Gasperini tin chắc một mảnh thiên thạch lớn nằm sâu 10 mét bên dưới đáy hồ bị vùi dưới lớp trầm tích.
Mặc dù giả thuyết của Gasperini bị nhiều người chỉ trích gay gắt nhưng ông vẫn hy vọng rằng rồi ai đó sẽ tìm kiếm được từ đáy hồ những dấu vết còn sót lại cho thấy nguồn gốc sao băng. Ý tưởng cho rằng Hồ Cheko được tạo thành do ảnh hưởng của vụ nổ không phải là ý tưởng được nhiều người tán thưởng. Giáo sư Gareth Collins cũng không tán thành ý tưởng của Gasperini.
Các thiên thạch được tin là va vào Trái đất ngày càng thường xuyên hơn. Ảnh: Getty |
Vào năm 2008, Collins cùng các đồng nghiệp công bố lời bác bỏ ý tưởng này, trong đó nêu rằng "các cây trưởng thành không bị ảnh hưởng gì" ở gần với hồ, lẽ ra đã bị xóa sổ nếu như có một khối đá lớn rơi xuống ở khu vực gần đó. Bất kể các chi tiết thu được cho đến nay là gì, cho đến nay ảnh hưởng của sự kiện Tunguska là điều người ta vẫn cảm nhận được.
Ngày nay, các nhà thiên văn học theo dõi bầu trời bằng những kính viễn vọng cực mạnh để tìm kiếm dấu hiệu về những khối đá có thể gây ra sự kiện tương tự nhằm đánh giá mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho con người.
Vào năm 2013, tại Chelyabinsk (Nga), một thiên thạch tương đối nhỏ, rộng chừng 19 mét đã gây ra sự gián đoạn. Điều này khiến các nhà nghiên cứu như Gareth Collins ngạc nhiên. Các mô hình của Collins dự đoán nó không gây ra thiệt hại nhiều như mức trên thực tế đã diễn ra: "Thách thức ở đây là tiến trình phá vỡ khối thiên thạch trong bầu khí quyển, từ việc giảm tốc, làm nó bốc hơi cho tới việc chuyển năng lượng của nó vào không trung, là một tiến trình rất phức tạp. Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn về nó để có thể dự đoán tốt hơn về những hậu quả mà các sự kiện tương tự có thể gây ra trong tương lai".
Trước đây, người ta từng tin rằng các khối thiên thạch to cỡ như khối Chelyabinsk sẽ xuất hiện khoảng 100 năm một lần, trong lúc những sự kiện ở quy mô như Tunguska được cho là chỉ xảy ra một lần trong cả nghìn năm. Các con số dự đoán này nay đã được điều chỉnh. Thiên thạch cỡ như Chelyabinsk có thể xảy ra thường xuyên hơn, khoảng 10 năm một lần, còn cỡ như Tunguska có thể xảy ra khoảng 100-200 năm một lần. Thật không may là chúng ta đang và sẽ vẫn chưa có khả năng chống cự lại những sự kiện tương tự, Kvasnytsya nói.
Nếu như có một vụ nổ tương tự như Tunguska xảy ra phía trên một thành phố đông dân thì nó sẽ khiến hàng ngàn, nếu không nói là hàng triệu người thiệt mạng, tùy thuộc vào việc nó sẽ tấn công vào địa điểm cụ thể nào. Nhưng không phải tin tức chỉ toàn tin xấu. Bởi vì Collins cho rằng khả năng xảy ra tình huống đó là vô cùng thấp đặc biệt là khi xem xét tới việc Trái Đất hầu như được nước bao phủ. "Khi sự kiện tương tự như Tunguska lại xảy ra thì khả năng là nó sẽ tấn công vào nơi hầu như không có người ở". Có thể, chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra lời đáp cho câu hỏi sự kiện Tunguska do sao băng hay sao chổi gây ra.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)