(ĐSPL) – Vụ chìm phà Sewol vừa qua khiến dư luận vẫn luôn trăn trở một câu hỏi: Vì sao một con tàu lớn như vậy lại có thể bị chìm?
Theo các chuyên gia hàng hải, một số nguyên nhân có thể khiến một con tàu khổng lồ như vậy chìm xuống như chở hàng hóa hay con tàu bị lật. Khi những sự cố này xảy ra, những người điều khiển con tàu cần nhanh chóng ứng phó, sơ tán hành khách và ngăn chặn thảm họa.
Người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến con phà Sewol nghiêng và nước tràn vào khi đang trên đường từ thành phố Incheon, tây bắc Hàn Quốc, tới đảo Jeju. Tuy nhiên, nhiều hành khách sống sót cho hay, họ nghe thấy một tiếng va chạm lớn khi con tàu bắt đầu nghiêng.
“Chúng tôi chưa biết rõ toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, những âm thanh đó giống như con tàu đã đâm vào thứ gì”, Rick Comeau, phó chủ tịch Viện mô hình hàng hải ở Newport, phát biểu.
|
Đến nay, 270 người vẫn mất tích sau khi con tàu phà Sewol chìm vào sáng ngày 16/4 |
Thông thường, những con phà lớn và du thuyền thường được chia thành nhiều ngăn nhỏ bên trong. Nếu một gian buồng bị đâm thủng thì nước chỉ tràn vào chỗ đó, Comeau nói với Live Science.
Trong thảm họa Titanic năm 1912, do các buồng trong con tàu này thông với nhau nên nước đã tràn vào toàn bộ con tàu và khiến nó chìm xuống sau khi đâm phải một tảng băng. Tương tự trong vụ con tàu Costa Concordia mắc kẹt ở vùng biển ngoài khơi đảo Italia năm 2012, những cánh cửa giữa các gian phòng khi đó đều mở khiến nước tràn vào con tàu.
Các nhà điều tra đang xem xét khả năng tàu Sewol đã đổi hướng hành trình và đâm phải vật gì đó.
“Chúng tôi không biết cụ thể điều gì đã xảy ra với con phà Hàn Quốc nhưng dường như con tàu đã đâm vào thứ gì khiến nước tràn vào các buồng”, Comeau nhận định.
Nếu con tàu bị đâm thủng, tạo ra một lỗ hổng nhỏ thì thông thường, thủy thủ sẽ điều khiển con tàu chậm lại hoặc dừng di chuyển để nước không tràn quá nhiều vào thân tàu, Comeau nói và cho biết thêm, kiến trúc sư của tàu Sewol đã đưa ra một cuốn sách hướng dẫn về việc con tàu có thể chịu được trong thời gian bao lâu rồi mới chìm nếu nước tràn vào.
Một khả năng khác được đặt ra là việc chuyển hướng đột ngột có thể khiến hàng hóa trên tàu dịch chuyển sang một bên và làm thay đổi trọng tâm của con tàu. Do vậy, nó sẽ bị nghiêng sang một bên, Michael Bruno đến từ Viện Công nghệ Stevens ở Hoboken cho hay.
Đôi khi một thảm họa hàng hải không phải do lỗi kỹ thuật mà do con người gây gia, các chuyên gia nhận định.
“Một số sự cố có thể khắc phục được, có những sự cố thì không thể. Nhưng khi điều gì bất thường xảy ra, các thuyền viên cần biết khi nào tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phát đi một tín hiệu nguy hiểm và đưa mọi người lên xuồng cứu sinh”, Comeau nói. Trong trường hợp tàu phà
Hàn Quốc chìm, nhiều nhân chứng nói rằng họ được thông báo ở yên vị trí. Điều này có thể trì hoãn nỗ lực giải cứu.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-gia-thuyet-ve-vu-chim-tau-sewol-a29906.html