Trong quý, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho LPBank 65,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ 14,7 tỷ đồng. Ngược chiều, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại ghi nhận khoản lỗ 0,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3 tỷ đồng
Trừ đi các chi phí, LPBank báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt mức 2.627 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 293% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng phần nào giúp LPBank đạt lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 lên tới gần 7.040 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022, hoàn thành 117% kế hoạch năm. Cả năm 2023, LPBank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.826 tỷ đồng, giảm gần 350 tỷ đồng so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của LPBank ở mức 382.863 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 275.430 tỷ đồng, tăng 17%. Tiền gửi khách hàng đạt 237.391 tỷ đồng, tăng 10%.
Hạng mục tài sản có khác của LPBank ghi nhận mức hơn 8.656 tỷ đồng, tăng hơn 1.660 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, các khoản lãi, phí phải thu ở mức hơn 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 888 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 21,5% so với đầu năm.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng.
Về cơ cấu nợ xấu, tính đến cuối năm 2023, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của LPBank ở mức 812,7 tỷ đồng, giảm 24%. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 69,9% lên 1.706 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 1.169 tỷ đồng, giảm 13,5% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu qua đó giảm từ 1,45% xuống 1,33%.
Năm 2023 có thể coi là một dấu mốc đặc biệt của LPBank, khi nhà băng này hoàn tất việc thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt, đồng thời có những cải tổ trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt.
Cuối năm 2022, tại cuộc họp định kỳ Hội đồng quản trị (HĐQT), ngân hàng này đã bầu ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Đến đại hội cổ đông thường niên năm 2023, vị doanh nhân đến từ Ninh Bình tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị lãnh đạo cao nhất ngân hàng này.
Trên thương trường, tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy gắn liền với Công ty CP Thaiholdings. Nên biết, thời điểm được bầu vào HĐQT LPBank vào tháng 4/2021, ông Nguyễn Đức Thụy vẫn nắm lượng cổ phần lên tới 24,97% tại Thaiholdings, và chỉ thực sự bán hết số cổ phần này vào tháng 6/2022 – tức là 6 tháng trước khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT LPBank.
Cũng cần phải nhắc đến người kế nhiệm ông Nguyễn Đức Thụy tại Thaiholdings là ông Nguyễn Văn Thuyết – em trai ông Thụy. Ông Thuyết đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings từ tháng 2/2020 cho đến tháng 4/2023 và sau đó nhường ghế cho một người Ninh Bình khác là ông Nguyễn Chí Kiên.
Ngay từ thời điểm quý IV/2020, Thaiholdings và LPBank đã phát sinh giao dịch tín dụng. Cụ thể, vào tháng 10/2020, Thaiholdings công bố Nghị quyết của HĐQT về việc vay 500 tỷ đồng tại LienVietPostBank để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm. Doanh nghiệp sẽ dùng 819.450 cổ phiếu của Công ty CP Du lịch Kim Liên phát hành (sàn OTC: Kim Lien) để làm tài sản đảm bảo.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Thaiholdings ghi nhận doanh nghiệp này đã được LPBank giải ngân 2 khoản vay trị giá 277 tỷ đồng tại Chi nhánh Thăng Long và 179 tỷ đồng tại Chi nhánh Ninh Bình.
XEM THÊM: Không thực hiện được kế hoạch năm, Bắc Á bank vẫn “sống khỏe” nhờ chứng khoán đầu tư
Hiếu Nguyễn