Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến năm học 2024 - 2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10, tăng 5732 em so với năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dự kiến không thay đổi với khoảng 60 - 62%.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) được thực hiện theo Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, theo Báo Nhà báo và Công luận.
Dựa trên quy chế của Bộ GD&ĐT, có 4 nhóm đối tượng được tuyển thẳng vào THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã công bố công khai 4 đối tượng học sinh thuộc diện được tuyển thẳng vào lớp 10 cụ thể như sau:
- Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú đã tốt nghiệp Trung học Cơ sở được tuyển thẳng vào lớp 10 của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú;
- Học sinh là người dân tộc rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9/5/2017 của Chính phủ, quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên (thuộc một trong 16 dân tộc sau: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ);
- Học sinh khuyết tật (bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng không bình thường khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn);
- Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, để được tuyển thẳng, cả 4 nhóm thí sinh trên phải là học sinh (hoặc cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của học sinh) có nơi ở thường trú tại Hà Nội và thuộc các đối tượng tuyển thẳng theo quy định.
Học sinh chỉ được tuyển thẳng vào một trường Trung học phổ thông công lập trong khu vực tuyển sinh mà học sinh (hoặc cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của học sinh) có nơi ở thường trú.
Theo cổng thông tin chính phủ, về đối tượng được cộng điểm ưu tiên, Bộ GD&ĐT giao sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10, gồm:
- Con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.
Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.
- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.