+Aa-
    Zalo

    Những doanh nhân tuổi Hợi nổi danh trên thương trường Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều doanh nhân tuổi Hợi đã và đang tạo ra dấu ấn trên thương trường, nắm trong tay khối tài sản nghìn tỷ, góp phần vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

    Nhiều doanh nhân tuổi Hợi đã và đang tạo ra dấu ấn trên thương trường, nắm trong tay khối tài sản nghìn tỷ, góp phần vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

    Ông Lê Đăng Dũng (1959, Kỷ Hợi)

    Thiếu tướng Lê Đăng Dũng hiện đang giữ chức vụ Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

    Sau thời gian dài học tập tại Đại học Kỹ thuật điện thuộc Đại học tổng hợp Leningrad (Liên Xô), Thiếu tướng Lê Đăng Dũng Trở về nước năm 1983, ông được điều động công tác về Phân viện tác chiến điện tử, Viện Kỹ thuật quân sự.

    Sau đó, ông tiếp tục sang Úc. Chính nhịp sống thay đổi rất nhanh tại Úc đã khiến ông Lê Đăng Dũng thay đổi quan niệm: “Khi ấy, tôi lái xe đi đưa KFC, thấy nhịp sống xã hội ở đất nước này thay đổi rất nhanh, lần đầu tiên, tôi tiếp xúc với những chuyện liên quan tới kinh doanh, tài chính. Từ đây, tôi dần dần không còn hứng thú với môi trường nghiên cứu nữa, thích làm một công việc khác giao tiếp xã hội nhiều hơn, có công việc tự do hơn thay vì trở thành một viên chức”.

    Trở về nước năm 1996, ông Lê Đăng Dũng gia nhập Viettel ở tuổi 36. Từ đó đến nay, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã có hơn 20 năm gắn bó với Viettel.

    Viettel hiện là một trong những tập đoàn lớn nhất cả nước với doanh thu năm 2018 lên đến 234.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên đến 37.600 tỷ đồng. Số liệu đến hết năm 2017 cho thấy vốn chủ sở hữu của Viettel ở mức khổng lồ: trên 127.000 tỷ đồng (tương đương 5,4 tỷ USD).

    Ông Trương Gia Bình (1959, Kỷ Hợi)

    Ông Trương Gia Bình được biết đến là một trong những đại gia đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi FPT lên sàn vào cuối năm 2006 và mức giá của mã cổ phiếu này tại thời điểm đó lên tới 400.000 đồng.

    Ông Bình có học vấn cao, từng xuất thân là nhà giáo. Ông tốt nghiệp khoa Toán cơ, ĐH Tổng hợp Moscow năm 1979, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại đây vào năm 1982 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư năm 1991.

    Trước khi cùng một số người bạn sáng lập nên FPT, ông Trương Gia Bình từng có thời gian công tác tại Viện cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam và công tác tại các viện nghiên cứu tại Nga và Đức.

    Hiện tại, ông Trương Gia Bình vẫn đang là “linh hồn” của FPT với vai trò Chủ tịch HĐQT. Tại công ty có vốn hoá thị trường gần 26.000 tỷ đồng này, ông Trương Gia Bình là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 43,2 triệu cổ phiếu FPT, chiếm tỷ lệ 7,05% vốn điều lệ.

    Bà Lê Thị Băng Tâm (1947, Đinh Hợi)

    bà Lê Thị Băng Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Ngân hàng HDBank.

    Trước khi bước chân vào thương trường, bà Băng Tâm từng trải qua nhiều năm công tác tại các cơ quan Nhà nước. Cụ thể, bà là giảng viên Trường ĐH Tài chính kế toán Hà Nội trong giai đoạn 1969 - 1974. Từ năm 1974 tới năm 1982, bà Tâm là cán bộ, rồi Phó Trưởng phòng Vụ Cân đối tài chính, Bộ Tài chính.

    Từ năm 1982 đến năm 1989 bà theo học quản lý kinh tế tại trường ĐH Leningrat, Liên Xô. Sau này, bà Tâm tiếp tục trở lại Liên Xô để làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ. Giai đoạn 1989 – 1995, bà làm Phó cục trưởng, Cục trưởng rồi Tổng Giám đốc Kho Bạc Nhà nước Trung ương.

    Từ năm 1995 đến năm 2005, bà Lê Thị Băng Tâm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính. Giai đoạn 2006 – 2008 làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

    Khá bất ngờ khi sau đó, bà Băng Tâm quyết định bước vào thương trường. Bà trở thành thànhviên HĐQT, rồi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Năm 2017, tại Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Băng Tâm được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay bà Mai Kiều Liên.

    Vinamilk hiện là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa lên đến 237.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD. Vốn chủ sở hữu ở mức khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD.

    Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2018 của Vinamilk nhận doanh thu thuần tăng 5% lên mức 13.004 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng tới 10%, đạt 6.162 tỷ đồng.

    Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (1971, Tân Hợi)

    Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được mệnh danh là “vua cà phê” Việt. Danh tiếng của ông Vũ gắn liền với thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Doanh nghiệp này được thành lập từ 1996 và đăng ký kinh doanh vào năm 2006. Hiện tại, ông Vũ đang là người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên.

    Công ty này hoạt động trong 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising). Theo số liệu tài chính được công bố trong một thông cáo mới đây, lợi nhuận của Trung Nguyên đạt đỉnh vào năm 2014 với gần 1300 tỷ đồng và sau đó bắt đầu đi xuống.

    Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Đặng Lê Nguyên Vũ được nhắc đến trong vụ lùm xùm tranh chấp tại Trung Nguyên và hôn nhân với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhiều hơn là hoạt động kinh doanh cà phê. Những mâu thuẫn giữa cặp vợ chồng Vũ-Thảo bắt đầu từ giai đoạn 2014-2015 và đến nay vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Bà Thảo bị bãi nhiệm các vị trí tại Trung Nguyên vào năm 2015.

    Bà Thảo cho rằng ông Vũ đã bị thao túng, sức khỏe và tâm lý không bình thường. Cuối tháng 9.2018, TAND Cấp cao tại TPHCM đã khôi phục tư cách Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên trong kết luận tại vụ án “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty”. Tuy nhiên, Trung Nguyên đã lập tức ra văn bản mới để bãi nhiệm chức vụ này của bà Thảo. Tranh chấp lại tiếp tục kéo dài tại Trung Nguyên.

    Ông Nguyễn Bá Dương (1959, Kỷ Hợi)

    Năm 2002, ông Nguyễn Bá Dương đã sáng lập Xí nghiệp xây dựng Cotec. Năm 2004, công ty được cổ phần hoá và đổi tên thành Coteccons với vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng.

    Hiện tại, Coteccons đã một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu cả nước. Tổng tài sản của công ty đạt gần 16.000 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 27.000 tỷ đồng năm 2017, lợi nhuận trước thuế trên 2.000 tỷ đồng.

    Ông Nguyễn Bá Dương hiện sở hữu trên 3,8 triệu cổ phiếu CTD, chiếm 4,9% vốn điều lệ Coteccons, trị giá khoảng 613 tỷ đồng.

    Ông Vũ Văn Tiền (1959, Kỷ Hợi)

    Sau gần 10 năm làm việc tại Tổng công ty vật tư nông nghiệp, đến năm 1992, ông Vũ Văn Tiền đã thành lập Tập đoàn Geleximco. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép xuất nhập khẩu trực tiếp.

    Tập đoàn này nổi danh với những dự án như KĐT mới dầu khí - Geleximco, tổng vốn đầu tư 10.322 tỷ đồng; dự án Cống hoá Mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng (1.016 tỷ đồng); KĐT mới Lê Trọng Tấn (3.000 tỷ đồng)

    Ông Tô Như Toàn (1971, Tân Hợi)

    Với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Invest, ông Tô Như Toàn đang sở hữu 40 triệu cổ phiếu công ty. Giá trị tài sản của ông Tô Như Toàn tại Văn Phú vào khoảng 1.694 tỷ đồng, là một trong những đại gia nghìn tỷ trên sàn chứng khoán Việt Nam.

    Ông Toàn vốn là 1 kiến trúc sư và khá kín tiếng trong giới kinh doanh.

    Ông Nguyễn Xuân Phú (1971, Tân Hợi)

    Là Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú được biết đến nhiều hơn khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam. Từng khởi nghiệp khi trong tay chỉ có 50 triệu đồng, nhưng sau 17 năm ông Phú nhanh chóng lọt vào danh sách người giàu và nắm trong tay doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng nằm trong top 5 của thị trường.

    Ngoài mảng đồ gia dụng, công ty của ông Phú còn tham gia đầu tư tài chính, cổ phiếu và khởi nghiệp. Không tiết lộ chi tiết về các chỉ tiêu tài chính, nhưng báo cáo của công ty cho thấy doanh thu Sunhouse dao động quanh mức 1.500 - 2.000 tỷ đồng.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-doanh-nhan-tuoi-hoi-noi-danh-tren-thuong-truong-viet-nam-a262284.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan