Phòng tránh dị ứng hải sản
Hải sản là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng phổ biến nhất. Đây cũng là một trong những loại dị ứng nguy hiểm nhất, có khả năng làm tăng số lượng người nhập viện cấp cứu do dị ứng thức ăn cao hơn với các loại dị ứng khác.
Trong hải sản chứa rất nhiều protein bổ dưỡng nhưng cũng có một số protein “lạ”. Khi ăn vào cơ thể các protein “lạ” này đóng vai trò là kháng nguyên, làm kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra phản ứng dị ứng. Ngoài ra, khi ăn phải những loại hải sản có nồng độ histamin cao thì tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị dị ứng. Dị ứng hải sản xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng bất thường với protein của một số loại hải sản. Tình trạng này gồm nhiều loại khác nhau, ví dụ như dị ứng hàu, dị ứng tôm, cá, cua, mực, sò… Đôi khi, các triệu chứng dị ứng hải sản có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nên bạn sẽ cần có biện pháp can thiệp kịp thời ngay khi cơ thể có biểu hiện bất thường sau khi ăn hải sản.
Theo BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), trước khi đi du lịch, mọi người nên mang theo thuốc chữa dị ứng để phòng ngừa rủi ro.
Đối với tình trạng dị ứng nhẹ như ngứa, phát ban… bác sĩ khuyến nghị bạn dùng thuốc kháng histamine như Benadryl theo chỉ dẫn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu việc dùng thuốc dị ứng không cải thiện triệu chứng thì cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, tránh rủi ro đáng tiếc.
Ngoài ra, đối với những người bị dị ứng tôm, tốt nhất không nên ăn tôm biển cũng như các loại động vật có vỏ khác vì nguy cơ dị ứng rất khó tránh.
Phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch
Khi đi du lịch đến những vùng đất mới, chúng ta thường thưởng thức món ăn mới. Nhưng do không hợp nên nhiều người dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Hơn nữa, việc chế biến các món ăn nếu không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng dễ gây ra ngộ độc. Vậy, cần làm gì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Khi đi du lịch, việc ăn chín, uống sôi luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Do đó, nên tránh xa những món dù được giới thiệu là ngon, bổ hay hấp dẫn như các món gỏi, món sống đều là loại thức ăn không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ chứa mầm bệnh cao. Ngoài ra, không nên ăn uống tùy tiện như trên bờ biển hay quán vỉa hè ven đường, mà nên chọn những nhà hàng hợp vệ sinh, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có nguồn nước sạch, thiết bị khử trùng, thực phẩm tươi sống, không có ruồi, muỗi, có dụng cụ chống bụi, bảo quản sạch sẽ. Riêng đối với các loại hoa quả khi ăn phải chú ý rửa sạch, gọt vỏ để tránh bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.
Nhận biết, tránh ăn phải nấm độc
Thời gian này, nhiều gia đình đi du lịch muốn cùng nhau trải nghiệm những hoạt động trong cuộc sống đời thường, thay vì chỉ đi tham quan và chụp ảnh. Ví dụ như hoạt động hái nấm. Nhiều khu vực như Đà Lạt trở thành điểm hút du lịch nhờ có hoạt động này. Rất có thể kỳ nghỉ dài ngày tới đây, các gia đình sẽ cùng nhau trải nghiệm.
Điều đáng lưu tâm là nhiều gia đình sẽ dùng nấm để chế biến thành các món ăn luôn. Lúc này, bạn cần phân biệt nấm ăn được và nấm độc (nấm không ăn được), tránh những rủi ro không đáng có. Bởi trong thực tế, không thiếu những trường hợp tử vong do ăn phải nấm lạ, nấm hái được trong rừng.
PGS.TS. Hoàng Công Minh (Trung tâm Phòng chống nhiễm độc, Học viện Quân y) cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau. Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.
Thùy Dung (t/h)