Ở 17 trường hợp tử vong do nhiễm virus corona tại Trung Quốc đã có một số điểm trùng hợp nhất định. Trong đó, không phải bệnh nhân nào cũng sốt, thậm chí là không triệu chứng.
Theo Hãng tin AFP, kể từ khi Trung Quốc công bố dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra ngày 31/12, tính tới sáng nay (24/1) căn bệnh này đã lây sang 830 người và 25 người đã chết. Trong đó có 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Qua rà soát cho thấy một số điểm chung nhất định ở các bệnh nhân như đa số là người lớn tuổi, có sẵn bệnh trong người... Dưới đây là các điểm đáng chú ý từ 17 trường hợp đầu tiên tử vong vì viêm phổi cấp.
Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân tử vong là 73
Theo thông tin chi tiết do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố ngày 23/1, 17 người đã chết có độ tuổi từ 48-89. Trong đó, chỉ 2 người chưa tới 60 tuổi, độ tuổi trung bình của những bệnh nhân tử vong là 73.
Trong số những người đã được ra viện có nhiều người bệnh trẻ tuổi, trong đó có một thanh niên 35 tuổi ở Thâm Quyến và một bé trai 10 tuổi bị lây bệnh sau khi tới thăm bà con ở Vũ Hán.
Những bệnh nhân tử vong do virus corona thường cao tuổi. |
Các bệnh nhân có sẵn bệnh trong người
Nhiều người trong số các bệnh nhân tử vong đều đã mang bệnh sẵn trong người, như tiểu đường và cao huyết áp, trước khi nhiễm phải virus corona.
Chẳng hạn, một cụ ông 86 tuổi nhập viện ngày 9/1 vì viêm phổi cấp cũng đã từng phẫu thuật 4 năm trước để điều trị ung thư ruột kết. Ông cụ cũng bị cao huyết áp và tiểu đường.
Một trường hợp khác là một cụ bà 80 tuổi cũng bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường trong 20 năm qua.
Không phải mọi bệnh nhân đều sốt
Theo báo cáo của NHC, không phải tất cả những người đã chết sau khi nhiễm virút corona mới đều phát sốt khi nhập viện.
Chẳng hạn, một người đàn ông 66 tuổi có họ là Luo được ghi nhận "chủ yếu ho khan" nhưng không sốt trong ngày 22/12. Khoảng hơn một tuần sau người này có triệu chứng thở gấp và tới giữa tháng 1 ông Luo phải dùng máy trợ thở.
"Một vấn đề lo ngại lớn là quy mô mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do chủng virút này gây ra. Rõ ràng là một số người đang bị nhiễm bệnh và đang lây nhiễm cho người khác trong khi chỉ có những triệu chứng biểu hiện không đáng kể hoặc thậm chí là không có biểu hiện bệnh nào cả. Tình trạng này có thể sẽ giấu đi những số liệu thực về số người bị nhiễm bệnh và mức độ lây nhiễm từ người sang người của bệnh", tiến sĩ Jeremy Farrar, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Wellcome Trust (London, Anh) nhận định.
Ở một diễn biến khác, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, đến ngày 24/1 (tức 30 Tết Nguyên đán), tại số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan có 4 trường hợp, Nhật Bản 1 trường hợp, Hàn Quốc 1 trường hợp, Mỹ 1 ca.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, bộ Y tế Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam, chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế giám sát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, không để lây lan rộng.
Hiện tất cả các cửa khẩu đã thực hiện giám sát tất cả hành khách đến từ vùng có dịch bằng máy đo thân nhiệt từ xa, thực hiện phát tờ rơi truyền thông, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng phòng cách ly, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế chuẩn bị các trang thiết bị, thuốc, hóa chất khu vực cách ly, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng cao hơn một mức so với thực tế tình hình dịch.
Sáng 24/1, bộ Y tế tổ chức họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi với sự tham gia của các bộ, ngành, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh hàng đầu thế giới để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới. Sau cuộc họp, bộ Y tế sẽ có thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh.
Nguyễn Phượng (T/h)