Kali vốn được biết đến là một khoáng chất thiết yếu cho cơ bắp phát triển. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn thiếu đi loại khoáng chất này có thể dẫn đến một số vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn không được cung cấp đủ kali
Hay bị chuột rút và cơ bắp yếu đi
Ai cũng biết rằng, kali là loại khoáng chất quan trọng để giúp cơ bắp săn chắc, khoẻ mạnh hơn. Thế nhưng, nếu cơ thể bạn đang thiếu kali thì sẽ có hiện tượng chuột rút xuất hiện thường xuyên đi kèm với tình trạng đau cơ, thậm chí là yếu cơ.
Rối loạn nhịp tim
Nếu bạn cảm thấy tim đập thình thịch hoặc tim đập lỡ nhịp thì nên đến gặp bác sỹ càng sớm càng tốt. Mức kali thấp nghiêm trọng có thể gây rối loạn nhịp tim, và thậm chí gây ra loạn nhịp tim nếu kali giảm nghiêm trọng. Mất cân bằng điện giải kali thậm chí có thể gây tử vong, đó là lý do tại sao nó rất quan trọng.
Phù toàn thân
Việc tiêu thụ nhiều đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể làm cho mức kali trong cơ thể bị hụt đi. Bởi lẽ, những loại thực phẩm này thường chứa nhiều natri nên có thể gây ra hiện tượng phù toàn thân do muối giữ nước.
Do đó, bạn hãy cắt giảm bớt lượng thức ăn mặn để giúp cơ thể giữ được nhiều kali mà bạn đang cố gắng nạp vào.
Thường xuyên kiệt sức
Các tế bào trong cơ thể đều cần đủ lượng kali để hoạt động trơn tru, nếu cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức thì điều này cảnh báo bạn đang không cung cấp đủ kali. Ngoài ra, bạn vẫn ngủ đủ giấc đều đặn hàng ngày mà lại thường xuyên rơi vào trạng thái kiệt sức khi làm việc hay tập luyện thì nguyên nhân chủ yếu là do việc thiếu hụt kali.
Huyết áp tăng cao
Theo Ginger Hultin - người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ: “Có một số bằng chứng cho thấy nếu nồng độ natri trong cơ thể quá cao và nồng độ kali quá thấp có thể gây tăng huyết áp và dẫn đến đột quỵ”.
Quá nhiều natri trong chế độ ăn có thể làm tăng áp lực lên mạch máu và gây tăng huyết áp. Trong khi đó, kali lại có vai trò làm giảm một số tác hại của natri với tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bổ sung kali giúp thư giãn thành mạch máu, giúp giảm huyết áp.
Táo bón
Do mức kali quá thấp nên cũng có thể làm ảnh hưởng xấu đến các chức năng khác trong cơ thể và hệ thống tiêu hoá của bạn cũng không phải là ngoại lệ. Chính điều này cũng là nguyên nhân gây ra chứng táo bón, đầy hơi, chướng bụng...
Da khô hoặc mụn trứng cá
Thiếu kali có thể biểu hiện với các triệu chứng dễ phát hiện như da khô, mụn trứng cá hoặc vấn đề về tiêu hóa. Tất nhiên, những triệu chứng này có thể chỉ ra nhiều tình trạng khác nhau, vì vậy điều quan trọng là cần xét nghiệm nếu bạn nghi ngờ bị thiếu kali.
Cách bổ sung kali cho cơ thể
Cách tốt nhất để bổ sung kali cho cơ thể là thông qua chế độ ăn uống. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ có 1/10 người lớn ăn đủ số lượng rau củ và trái cây được khuyến nghị. Các loại thực phẩm có nhiều kali: Rau lá xanh, cà chua, dưa chuột, bí xanh, cà tím, bơ, bí ngô, khoai tây, cà rốt, nho khô, các sản phẩm từ sữa, thịt, gia cầm và các loại hạt...
Các sản phẩm bổ sung có thể được bác sỹ kê đơn nếu bạn đang mắc bệnh hoặc đang dùng một số loại thuốc nhất định. Hãy nhớ rằng việc bổ sung quá nhiều kali có thể gây ra các vấn đề với nhịp tim hoặc thậm chí là ngừng tim. Vì vậy, bạn nên trò chuyện với bác sỹ trước khi bổ sung kali.
Thảo Minh(T/h)