Một trong những ghi nhận thảm thiết lớn nhất trong lịch sử y học thế giới là đại dịch hạch gọi là Cái Chết Đen ở thế kỉ 14, xóa sổ 60% dân số Châu Âu thời bấy giờ.
Đại dịch hạch lớn nhất trong lịch sử
Đại dịch Cái chết Đen ở Châu Âu (từ năm 1348 - 1351) là một trong những dịch bệnh kinh hoàng nhất lịch sử loài người, cướp đi sinh mạng của khoảng 25 triệu người (khoảng 30 - 60% dân số châu Âu). Dịch bệnh nguy hiểm này còn lan rộng ở nhiều nước khác.
Vào giữa thế kỷ 14, khi châu Âu còn đang trong đêm dài Trung Cổ, trình độ khoa học, y học của con người còn đang hết sức sơ khai, đại dịch hạch Cái chết Đen có tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao khiến người dân thời bấy giờ vô cùng hoang mang, lo lắng.
Tỷ lệ tử vong đối với những người mắc bệnh dịch hạch rất cao, từ 30 - 75%.
Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học thống nhất rằng cái Chết Đen có nguyên nhân là sự bùng phát của căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan thông qua loài bọ chét sống trên chuột đen. Một khi đã bị nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân được ước tính là chỉ có thể sống sót trong vòng từ 60 đến 180 ngày.
Bệnh dịch hạch trong đại dịch Cái chết đen bùng phát do chấy rận và bọ chét sống ký sinh trên cơ thể những loài gặm nhấm như chuột rồi lây lan sang người. Tuy nhiên, người dân không hề biết đến điều này.
Những hiểu lầm tai hại về bệnh dịch hạch
Cái Chết Đen lây lan nhanh tới mức giới cầm quyền và các bác sĩ không còn đủ thời gian để tìm hiểu bản chất của đại dịch. Họ thậm chí đã quay sang giả thiết rằng đại dịch này do các thế lực siêu nhiên, động đất hoặc những người vô đạo gây ra.
Cụ thể, người dân ở nhiều nước Châu Âu thời ấy đổ lỗi cho người Do Thái chính là nguyên nhân khiến đại dịch Cái chết Đen bùng phát.
Xuất phát từ chủ nghĩa bài xích người Do Thái, người dân Châu Âu đã tra tấn họ cho đến khi họ phải thừa nhận đã đổ chất độc vào nguồn nước, gây ra dịch bệnh.
Kết quả là cộng động người Do Thái ở châu Âu đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công, thảm sát trên khắp lục địa.
Hậu quả là số lượng dân Do Thái suy giảm đáng kể tại nhiều nước. Frankfurt ở Đức là một trong số những thành phố diễn ra cuộc thảm sát người Do Thái ở quy mô lớn. Theo ước tính, có thời điểm số lượng người Do Thái tại thành phố này đã giảm từ 19.000 người xuống còn có 10 người. Một số nước ở Châu Âu còn tiến hành trục xuất người Do Thái với mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Vào thời Trung cổ, do chưa tìm ra phương pháp điều trị bệnh dịch hạch nên người dân làm theo những quan niệm dân gian để phòng bệnh.
Nhiều người dân thời ấy tin rằng, để phòng ngừa bệnh dịch hạch, mỗi người cố gắng sống hạnh phúc, không có những suy nghĩ, hành động xấu xa cũng như không lạm dụng người nghèo. Thêm nữa, người dân cho rằng việc uống rượu, ăn trái cây và hạn chế tắm rửa thay quần áo cũng giúp họ phòng tránh được bệnh tật.
Hậu quả của đại dịch Cái Chết Đen
Cái Chết Đen vào thế kỷ 14 đã làm thay đổi về cơ bản cấu trúc xã hội châu Âu, một số giả thuyết cho rằng nó chính là một cú đấm mạnh vào Nhà thờ Công giáo đồng thời gây ra làn sóng khủng bố các nhóm dân thiểu số ở châu Âu như người Do Thái, người nước ngoài, người ăn xin và người bị bệnh phong. Nỗi lo sợ trước căn bệnh chết người có thể đến bất cứ lúc nào đã dẫn tới sự hình thành của trào lưu "sống gấp" trong những người sống sót.
Tại rất nhiều thành phố đông dân, tỷ lệ thiệt mạng đã vượt quá 50% dân số. Khoảng một nửa dân số Paris, tức 100.000 người, đã thiệt mạng vì cái Chết Đen, đại dịch cũng khiến dân số thành phố Firenze ở Ýgiảm từ chừng 120.000 người xuống còn 50.000 người vào năm 1338, ít nhất 60% dân số các thành phố Hamburg và Bremen đã thiệt mạng.
So với khu vực thành phố thì người dân sống ở những vùng hẻo lánh lại chịu thiệt hại ít hơn, các tu viện và giới tăng lữ lại chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề vì họ thường là người đứng ra chăm sóc các bệnh nhân của cái Chết Đen.
Tình trạng kinh tế và xã hội của châu Âu tan hoang trong đại dịch lại còn chịu ảnh hưởng từ chính sách cấm vận và thù địch lẫn nhau của các vương triều châu lục. Cụ thể là Anh và Pháp càng hãm sâu vào cuộc chiến sau này được biết đến với cái tên Chiến tranh Trăm năm. Tất cả đã khiến châu Âu vào giữa thế kỷ 14 thực sự rơi vào thảm kịch cả về kinh tế và xã hội.
Minh Khôi(T/h)