+Aa-
    Zalo

    Những cuộc chạy đua vũ trụ ở châu Á

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không chỉ Mỹ hay Nga, nhiều quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đang tập trung phát triển công nghệ hàng không, vũ trụ.

    Không chỉ Mỹ hay Nga, nhiều quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đang tập trung phát triển công nghệ hàng không, vũ trụ.

    Các quốc gia châu Á bắt đầu cuộc chạy đua không gian. Ảnh minh hoạ: Getty

    Châu Á hiện nay đang có khoảng 14 chương trình nghiên cứu không gian vũ trụ, tập trung chủ yếu tại 3 cường quốc là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Ba nước này đều công bố chiến lược thăm dò không gian trong năm 2018 và giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Hàn Quốc – đất nước vốn bị giới hạn khả năng về không gian cũng bắt đầu kế hoạch phát triển riêng.

    Trung Quốc hiện đang đứng đầu khu vực về tốc độ phát triển năng lực không gian và dự định trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á đưa con người lên Mặt Trăng trước năm 2036. Vào hồi năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nước thứ 3 trên thế giới, sau Liên Xô và Mỹ, đưa người vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy tự phát triển. Đến cuối năm 2013, phi thuyền Hằng Nga – 3 của Trung Quốc cùng thiết bị thăm dò Thỏ Ngọc cũng đã hạ cánh thành công đến Mặt Trăng. Vào tháng 1/2019, Trung Quốc lần đầu hạ cánh trên vùng tối của Mặt Trăng.

    Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào chương trình không gian. Giai đoạn đầu tiên của chương trình phần lớn diễn ra gần Trái Đất. Vào năm 2020, sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo thuộc về tàu Hằng Nga 5. Nó sẽ hạ cánh trên Mặt Trăng, thu thập mẫu vật và trở về Trái Đất.

    Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang như hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo kế hoạch phát triển đất nước thành một cường quốc vũ trụ. Về phần mình, Mỹ đã quyết định thành lập Quân chủng Vũ trụ vào tháng 6/2018 nhằm chiếm ưu thế trong không gian.

    Ấn Độ đã khởi động kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng trong vòng 20 năm tới. Từ trước tới nay, Ấn Độ đã phóng tất cả 104 vệ tinh cho 21 quốc gia, bao gồm Việt Nam và các công ty như Google, Airbus. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang cố gắng bắt kịp trong cuộc đua vũ trụ. Một số quốc gia khác cũng đang nỗ lực đưa người và thiết bị lên Mặt Trăng khiến cho cuộc cạnh tranh không gian vũ trụ tại châu Á lại càng quyết liệt.

    Hiệp ước Không gian năm 1967 được ký bởi 107 quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga đã coi không gian là lĩnh vực toàn cầu và thuộc về tất cả các nước với mục đích hoà bình. Tuy nhiên, rõ ràng không gian vũ trụ có giá trị đáng kể trong lĩnh vực quân sự và dân sự, mang đến những bản hợp đồng tỷ USD nhờ dữ liệu, định vị và điều hướng được cung cấp bởi hệ thống định vị toàn cầu dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng trong không gian. Không gian vũ trụ hiện có vai trò quan trọng với an ninh quốc gia khi việc xuất hiện ở ngoài vũ trụ chiếm lợi thế nhất định.

    Lợi ích kinh tế, thương mại và quân sự to lớn đã thúc đẩy các nước châu Á chạy đua phát triển khoa học kỹ thuật trong chương trình thăm dò không gian và công nghệ vũ trụ. Điều này phản ánh sự cân bằng trong quá trình dịch chuyển quyền lực và sự cạnh tranh trong chiến lược không gian ở châu Á. Rõ ràng, châu Á cũng là khu vực có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, tạo sự bứt phá cho quá trình hiện đại hoá lực lượng vũ trang và không gian.

    Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, các cuộc đua không gian ở châu Á có thể trở thành một cuộc chạy đua quân sự mới, nhất là trong bối cảnh khu vực chưa có sự hài hoà về mặt chính trị.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cuoc-chay-dua-vu-tru-o-chau-a-a261811.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan