(ĐSPL)- Từ 1/7/2014 sẽ có nhiều chính sách mới (được Quốc hội thông qua năm 2013) chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi quan trọng so với quy định cũ.
Đảm bảo quyền lợi của người sử dụng khi thu hồi đất
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Đây là đạo luật quan trọng với nhiều nội dung được điều chỉnh, bổ sung có liên quan đến vấn đề sử dụng đất, công khai quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
Mặt khác, Luật Đất đai năm 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động; quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử. Việc quy định hình thức đăng ký điện tử nhằm góp phần tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.
Để Luật đất đai có thể thi hành ngay từ ngày 1-7, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn như các Nghị định 43/2014/NĐ-CP, 44/2014/NĐ-CP, 45/2014/NĐ-CP và 46/2014/NĐ-CP để hướng dẫn.
Một trong những điểm đáng chú ý trong các nghị định trên là quy định cụ thể 8 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; vẫn ngoại lệ cấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất đang sử dụng có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (dưới 30m2)
Trong đó, thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh, không tranh chấp, thì chủ sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
Từ ngày 1/7/2014 sẽ bắt đầu áp dụng các quy định mới trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, sẽ siết chặt khá nhiều nội dung trong vấn đề quản lý loại hình kinh doanh, đơn cử là việc Cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo kiến thức cơ bản phải trả tiền hoặc phí, không cam kết nhận lại hàng hóa …
(Mô hình kim tự tháp: là mô hình mà ở đó thu nhập chủ yếu của người tham gia có từ việc tuyển dụng người tham gia mới; gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới.).
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước
Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 với 13 chương, 96 điều sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới. Luật Đấu thầu chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.
Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại...
Đặc biệt, từ 1/7 Luật Tiếp công dân sẽ được áp dụng trên thực tế, đây được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân.
Luật tiếp công dân mới quy định các cơ quan phải có trách nhiệm tiếp công dân một cách công khai, dân chủ tại trụ sở cơ quan, đảm bảo quyền lợi của người dân, an toàn cho người tố cáo.
Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình, trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng.
Được phép kinh doanh dịch vụ Phòng cháy chữa cháy
Điểm mới nhất của Luật phòng cháy chữa cháy là cho kinh doanh dịch vụ PCCC.
Kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện khác.
Luật cũng bổ sung quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân, sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ…Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cũ nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên
Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Đội mũ bảo hiểm rởm bị phạt
Từ 1/7, thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, lần này kể cả người sử dụng, đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi lưu thông trên đường cũng sẽ bị xử phạt.
Theo đó, người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có tem CR, không có nhãn hàng hóa...) sẽ bị cho là không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt với mức tương tự như không đội mũ bảo hiểm (từ 100.000 đến 200.000 đồng).