Đưa thông tin trẻ em lên mạng phải được sự đồng ý; Nghiêm cấm bán rượu, bia cho trẻ em; Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa; Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 6/2017.
Đưa thông tin trẻ em lên mạng phải được sự đồng ý
Liên quan đến Quyền bí mật đời sống riêng tư, Luật quy Trẻ em định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Nghiêm cấm bán rượu, bia cho trẻ em
Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 của Quốc hội có hiệu lực từ 1/6 quy định: Nghiêm cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em;
Trẻ em có các quyền được pháp luật bảo đảm và bảo vệ như: quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi...
Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa
Theo thông tư số 12 được Bộ GTVT ban hành về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (bằng lái) cơ giới đường bộ, việc đổi bằng lái in trên giấy bìa sang bằng lái làm bằng thẻ nhựa (vật liệu PET) được "khuyến khích" thực hiện trước ngày 31/12/2020.
Đồng thời, thông tư mới của Bộ GTVT cũng bỏ lộ trình đổi bằng lái xe không thời hạn A1, A2, A3 trước ngày 31/12/2020 như quy định của thông tư số 58 năm 2015 do Bộ GTVT ban hành.
Như vậy, việc ấn định thời hạn buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ.
Theo đó, người có bằng lái xe có thời hạn chỉ thực hiện việc đổi bằng lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng; người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe.
Thông tư 12/2017 có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 và thay thế Thông tư 58/2015.
Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp
Từ ngày 01/6/2017, Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:
- 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
- 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014.
(Mức đóng hiện nay là 1.0 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hoặc trên mức lương cơ sở).
Giá viện phí mới cho người không có bảo hiểm y tế
Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện.
Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị dự kiến có mức tăng giá cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.
Mức tăng này rất lớn với người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị kỹ thuật cao như ung thư.
Mức viện phí mới với người chưa có thẻ BHYT sẽ áp dụng từ ngày 1/6/2017.
Quy chuẩn khối lượng kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng nghề
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017) quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.
Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải đảm bảo các kỹ năng sau:
- Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
- Kỹ năng nhận thức, nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề bằng việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp cơ bản, công cụ, tài liệu và thông tin.
- Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của ngành, nghề đào tạo trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế; đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.
Tổng hợp