+Aa-
    Zalo

    Những cặp anh em ruột ở Hoàng Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có nhiều cặp anh em cùng sinh ra trong một gia đình vẫn luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, kiên trì bám biển để đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

    Trong số những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta, có không ít những cặp đôi là anh em sinh ra trong một gia đình.

    Tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương, họ vẫn luôn cùng đồng đội đoàn kết, nỗ lực vượt mọi khó khăn, kiên trì bám biển Hoàng Sa để đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

    Những cặp anh em ruột ở Hoàng Sa
    Hai anh em Vũ Văn Ngọc (phải) và Vũ Văn Kiên trên tàu CSB 8003 giữa biển Hoàng Sa. (ảnh: My Lăng)

    Có lẽ được ở gần nhau nhất phải kể đến cặp đôi anh em Trung úy QNCN Vũ Văn Kiên, Nhân viên cơ khí boong tàu CSB 8003. Kiên có anh trai là Trung tá Vũ Văn Ngọc, Trợ lý Phòng Quan hệ Quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Hai anh em Kiên - Ngọc đều quê ở xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng. Thật bất ngờ vì trong chuyến công tác này, do điều động của cấp trên nên hai anh em đã ở trên cùng một con tàu đi làm nhiệm vụ chuyến đầu tiên tại Hoàng Sa.

    Kiên kể, biết được hai anh em đi cùng tàu, ban đầu gia đình bố mẹ cũng có phần lo lắng cho sức khỏe và hiểm nguy có thể xảy ra nhưng sau một thời gian qua tin tức và xem hình ảnh hai anh em trên báo, ti vi, thấy hai con khỏe, công tác tốt nên cũng cảm thấy an tâm hơn nhiều. Trong suốt chuyến công tác thời gian 26 ngày trên biển, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách nhưng cán bộ, chiến sĩ trên con tàu CSB 8003 vẫn không hề nao núng, luôn cố gắng vượt qua.

    Vừa là đồng đội nhưng cũng là anh em trong một gia đình, hai anh em Ngọc- Kiên vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn riêng vừa động viên nhau gác lại chuyện riêng tư để cùng tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vũ Văn Kiên nhận xét về anh trai mình có tính cách điềm đạm, ít nói, khiêm tốn, biết lo lắng, chỉ bảo cho em trong cuộc sống, công việc.

    Kiên bảo, hôm kết thúc đợt công tác, tàu CSB 8003 trở về Đà Nẵng, anh Ngọc lại quay ra Hà Nội tiếp tục làm việc, còn Kiên ở lại cùng con tàu để chuẩn bị tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ. Anh Ngọc đã kéo Kiên ra một góc và dặn dò em trai ở lại phải hết sức cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó đã làm Kiên rất cảm động bởi sự quan tâm, chu đáo của anh trai dành cho người em của mình. Đây là kỷ niệm đáng nhớ của Kiên trong cuộc đời quân ngũ của mình.

    Còn với Đại úy QNCN Phạm Đức Hạnh, Nhân viên Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thì cũng đã lâu lắm rồi anh em chẳng được gặp nhau, kể cả khi ở trên biển. Anh trai cả của Hạnh là Phạm Tuấn Hưng, thuyền phó tàu Kiểm ngư 786.

    Anh em Hưng- Hạnh sinh ra và lớn lên ở xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, Nam Định. Gia đình riêng của anh Hưng ở Hải Phòng còn gia đình Hạnh ở Hà Nội. Hôm ở Đà Nẵng, Hạnh gọi điện về gia đình ở quê hỏi thăm sức khỏe thì nghe bố mẹ bảo anh Hưng cũng đi làm nhiệm vụ ngoài đó.

    Lúc ấy Hạnh mới chỉ biết là anh trai mình cũng có mặt trên vùng biển đảo thiêng liêng này nhưng không biết số hiệu tàu của anh. Trong một lần biên đội tàu chấp pháp Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981, Hạnh đã chụp ảnh tàu con Kiểm ngư 786 bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp.

    Mấy hôm sau có một phóng viên chuyển sang tàu CSB 8003 nói chuyện thì Hạnh mới biết đó chính là tàu của anh trai mình. Mặc dầu không gặp được nhau nhưng trong tâm khảm của mình, Hạnh luôn cảm thấy một niềm vinh dự, tự hào luôn trào dâng khi gia đình anh có hai người con công tác ở hai lực lượng khác nhau nhưng đang thực hiện chung một nhiệm vụ cao cả trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Trường hợp của Thượng úy Đỗ Tám Sơn, Chủ nhiệm Quân y Vùng Cảnh sát biển 1 và Trung úy QNCN Lê Văn Cường, nhân viên Cơ điện tàu CSB 8003 lại có nét tương đối giống nhau. Cả Sơn và Cường trong chuyến đi biển này đều ở trên tàu CSB 8003. Em trai Sơn là Đỗ Thành Lâm, còn em trai Cường là Lê Đức Nam, cả hai đều là kiểm ngư viên của tàu Kiểm ngư 951.

    Anh em Sơn- Lâm quê ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Còn Cường- Nam thì sinh ra ở Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình. Cả bốn gia đình trên đều ở tại thành phố Hải Phòng. Trước khi xuất phát ra Hoàng Sa, hai cặp anh em đã gặp nhau trên quân cảng Đà Nẵng. Các anh đã gọi điện về quê. Biết được thông tin về gia đình, vợ con ở quê nhà đều khỏe và được nghe bố mẹ động viên các con tiếp nối truyền thống quê hương, gia đình, hãy yên tâm lên đường khiến các anh ai nấy đều vui và yên tâm ra khơi làm nhiệm vụ.

    Có lẽ ngày 23/6 vừa qua là một ngày đáng nhớ của Sơn và Cường khi hai anh biết tin tàu Kiểm ngư 951 bị 7 tàu Trung Quốc bao vây và đâm húc bị hư hỏng nặng. Sơn và Cường rất nóng ruột, lo lắng cho hai người em trai cùng các kiểm ngư viên bên đó. Khi tàu CSB 8003 tiếp cận tàu Kiểm ngư 951 để hỗ trợ và đưa các phóng viên sang tác nghiệp, dù chỉ nằm cách nhau có mấy thân tàu nhưng Sơn và Cường không thể nào sang thăm em được.

    Sơn đã gọi điện thoại sang hỏi thăm tình hình và động viên em cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn Cường, khi biết tàu Kiểm ngư 951 không bị thiệt hại về người, anh cũng yên tâm hơn và cầu mong cho anh em bên đó luôn vững tin, vượt qua mọi hiểm nguy để tiếp tục bám biển quê hương.

    Giữa mênh mông vùng biển Hoàng Sa, tình đồng đội, tình anh em sâu nặng đã giúp những người con đất Việt gắn kết lại với nhau và tạo thành sức mạnh, niềm tin để vượt qua mọi sóng gió, hiểm nguy, quyết tâm cùng nhau giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cap-anh-em-ruot-o-hoang-sa-a38579.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan