(ĐSPL)- Có thông tin giàn khoan Nam Hải số 9 đã vào vị trí và bắt đầu khoan thăm dò ở vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng chồng lấn, không được phép thăm dò, khai thác khi đang phân định.
Trên trang web của mình, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, giàn khoan Nam Hải số 9 của nước này đã vào vị trí và bắt đầu triển khai hoạt động khoan từ ngày 24/6. Dự kiến, Nam Hải số 9 sẽ kết thúc hoạt động khoan vào ngày 20/8.
Nam Hải số 9 là một trong 4 giàn khoan của Trung Quốc được triển khai ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
|
Giàn khoan Nam Hải 09 của Trung Quốc.
|
Giàn khoan Nam Hải số 9 được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc năm 1988. Hiện tại, chủ sở hữu "Nam Hải số 9" là Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Nam Hải số 9 là giàn khoan bán chìm dài 100 m, rộng 78 m. Giàn khoan này nặng 21.741 tấn, có khả năng hoạt động ở những vùng biển sâu 1.500 m. Khả năng khoan tối đa của nó là 7.600 m. Giàn khoan ngập 9 m khi di chuyển nhưng ngập sâu 25 m khi khai thác dầu. Nam Hải số 9 không thể tự di chuyển. Các đội tàu kéo sẽ đưa nó tới vị trí đã định.
Theo thiết kế, giàn khoan Nam Hải số 9 vận hành tốt trong điều kiện sức gió 110 km/h và hải lưu 4 km/h. Khả năng chống chọi tối đa của giàn khoan này là sức gió 190 km/h với hải lưu 4,8 km/h.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 26/6, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: khu vực mà giàn khoan Nam Hải 09 và tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu 719 hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định.
Theo ông Lê Hải Bình, đáng chú ý là hành động này của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam, khiến dư luận quốc tế và Việt Nam hết sức lo ngại.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, tạo không khí thuận lợi cho tiến trình đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước”, ông Bình nhấn mạnh và cho biết thêm, không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ lo ngại nếu các giàn khoan của Trung Quốc xâm phạm vùng chủ quyền của các nước.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-dong-gian-khoan-nam-hai-09-bat-dau-khoan-trai-phep-a38499.html