(ĐSPL) – Nhiều bộ phim về đề tài nông thôn Việt Nam đã để lại nhiều thiện cảm với khán giả.
Đất và người
Đất và người là một bộ phim tâm lý xã hội do Nguyễn Hữu Phần và Phạm Thanh Phong đạo diễn, ra mắt năm 2002. Phim “Đất và người” với kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” giàu chất hiện thực, thể hiện cuộc đấu tranh quyết liệt trong xã hội nông thôn thời bao cấp với nhiều xung đột, mâu thuẫn quyết liệt giữa những dòng họ đang nắm ưu thế nào đó trong hệ thống chính quyền làng xã được tái hiện trong “Đất và người” hết sức thành công.
Ông Hàm và ông Phúc vốn thù hằn với nhau vì vợ ông Hàm từng có tình ý với ông Phúc, nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy mà họ không lấy được nhau. Mâu thuẫn đó kéo theo cả sự thù hằn của hai dòng họ, nhưng trớ trêu thay con cháu họ lại yêu nhau, bỏ mặc ngoài tai những lời khuyên răn của cha mẹ.
Một cảnh quay trong "Đất và người". |
Hán Văn Tình được nhiều người gọi là Quềnh sau khi bộ phim phát sóng. |
Vai diễn được yêu thích nhất trong phim có lẽ là nhân vật Chu Văn Quềnh (Do Hán Văn Tình thủ vai) và câu nói nổi tiếng “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại”. Bên cạnh đó cũng phải nhắc tới cô vợ đanh đá của cậu con ông Hàm – cô gái người thành phố về rủ dân làng “góp hụi” rồi “bùng” khiến cả làng lao đao. Cô con dâu “trời đánh” cũng chính là bài học cho ông Hàm và để chứng minh câu nói “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” luôn luôn đúng.
Ma làng
Với những nhận thức mới về nông thôn, sau thành công của “Đất và người”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hào hững làm tiếp phim “Ma làng” (ông và nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong). Khi trình chiếu trên màn ảnh VTV cuối năm 2007, “Ma làng” đã tạo ra một “cơn sốt” với khán giả phim truyền hình và nhiều cuộc trao đổi, tranh luận trên báo chí.
Kim Oanh và Trung Hiếu trong phim. |
Sau đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm tiếp phần 2 của bộ phim, lấy tên là Làng ma mười năm sau. Và “Làng Ma mười năm sau” ra đời như một câu trả lời cho số phận người nông dân trong thời kỳ chuyển đổi. Câu chuyện trong “Ma làng” đơn giản, tập trung phản ánh vấn đề cơ chế bao cấp lạc hậu, sự suy thoái đạo đức của tầng lớp cán bộ địa phương và các thủ đoạn loại bỏ những cán bộ, dân thường ngay thẳng để tập trung quyền lực, lợi ích cho cá nhân, dòng họ mình. “Làng ma - Mười năm sau” (Ma làng 2) bao quát những vấn đề rộng lớn hơn của nông thôn, nông dân trong thời kỳ đổi mới, đi sâu phân tích đời sống tâm lý xã hội của nông thôn với khát vọng làm giàu bằng mọi giá trong khi còn thiếu các điều kiện tri thức, cơ sở vật chất, trình độ nghề nghiệp…
Gió làng Kình
“Gió làng Kình” phản ánh mặt trái của các vùng quê trong thời kinh tế thị trường. Từ hiện tượng người dân đang sôi sục vì đất cát, nóng lòng trong cơn sốt làm giàu, đến chuyện sử dụng quyền dân chủ cơ sở qua tấm phiếu bầu không đúng đắn (vì những lời hứa hẹn, phỉnh nịnh mà bầu ra người trưởng thôn gian ác, hiểm độc, phá hoại cuộc sống bình yên của làng xóm).
Phim mang đến cho người xem thông điệp: Người dân, nhất là người nông dân, cần có sự tỉnh táo khi sống trong thời điểm có quá nhiều thay đổi đến với cuộc sống, làng quê của họ. Những quyết định sai lầm vì quyền lợi trước mắt sẽ mang tới những hậu quả vô cùng tai hại cho bản thân, gia đình và làng xóm.
Bí thư Tỉnh ủy
“Bí thư Tỉnh ủy” là bộ phim dài 50 tập do Hãng phim Đài truyền hình Việt Nam sản xuất. “Bí thư Tỉnh ủy” lấy nguyên mẫu cuộc đời của bí thư Kim Ngọc, nguyên bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc.
Bộ phim kể về cuộc đời thật của Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với câu chuyện khoán 10 đã làm thay đổi vận mệnh của cả đất nước. Phim Bí thư tỉnh ủy nói về một giai đoạn lịch sử của những năm 1960, thế kỷ 20, thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, và ở miền Bắc Việt Nam vừa chiến tranh, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoàn cảnh thời chiến nhiều khó khăn cộng thêm với cơ chế quan liêu bao cấp; do vậy ý thức lao động của nông dân chủ yếu chờ vào tiếng kẻng - Năng suất lao động rất thấp. Người nông dân làm nhưng vẫn không đủ ăn.
Đất phương Nam
“Đất phương Nam” là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Mỗi số phận, mỗi cảnh đời trong từng trang tiểu thuyết đã bước ra bằng xương, bằng thịt trở thành những nhân vật trong phim.
Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Giữa đất trời mênh mông nhưng các người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai; được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.
Vai An mang là mọt dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của Hùng Thuận. |
Bộ phim khắc họa những chi tiết nhỏ và đặc sắc về từng mảnh đời và số phận người dân, bao gồm cảnh cô bé chờ mẹ vào từng đêm trăng rằm, cảnh cô đào hát vở Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà rồi tự vẫn, cảnh hạnh phúc ngắn ngủi của gia đình Mười Chức, cảnh một ngọn lửa đôi đèn tân hôn tắt báo hiệu điềm không lành cho sự hy sinh sắp tới của cô dâu Út Trọng,...
An và Cò trong một cảnh quay. |
Điểm khác biệt so với truyện của Đoàn Giỏi là ở cuối phim, cả hai nhân vật An và người bạn đường Cò của cậu đều đi theo cách mạng.