Việc tiểu thuyết Kim Dung bị chuyển thể quá liên tục khiến nhiều tác phẩm kém chất lượng xuất hiện.
Suốt sự nghiệp văn chương dài 17 năm, Kim Dung chỉ viết có 14 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Thế nhưng có đến vài chục bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm của ông. Khi ấy, mỗi bản dựng lại đều nhanh chóng trở thành hiện tượng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Tuy nhiên không phải tác phẩm nào cũng thành công, có những phiên bản cải biên quá đà khiến khán giả phẫn nộ, phản ứng dữ dội.
Lộc Đỉnh Ký (2020)
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của "võ lâm minh chủ" văn đàn võ hiệp Trung Quốc Kim Dung, Lộc đỉnh ký 2020 được kỳ vọng khi quy tụ dàn diễn viên trẻ thực lực gồm Trương Nhất Sơn, Đường Nghệ Hân cùng ê-kíp làm phim tên tuổi.
Tuy nhiên, ngay sau khi lên sóng những tập đầu tiên, bộ phim bị khán giả chê bai thậm tệ, từ diễn xuất của diễn viên đến tình tiết cải biên, cách dàn dựng... đâu đâu cũng đầy "sạn". Trên trang đánh giá Douban, bộ phim chỉ được chấm 2.7/10 điểm. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là bản phim thảm họa và tệ nhất trong tổng số 7 lần chuyển thể Lộc đỉnh ký trên màn ảnh.
Nội dung không chỉ lộn xộn và bị đẩy nhanh quá mức mà nam chính Vi Tiểu Bảo (Trương Nhất Sơn) cũng là tâm điểm bị chỉ trích. Vốn là một nam diễn viên có diễn xuất ổn nhưng Trương Nhất Sơn trong Lộc đỉnh ký lại quá tệ, khoa trương và làm lố, còn bị netizen ví giống khỉ. Ngoài Trương Nhất Sơn, nhiều diễn viên cũng bị đánh giá diễn xuất khoa trương.
Vai Khang Hy của Trương Thiên Dương cũng không có khí chất đế vương, còn bị chê là chẳng khác gì một thái giám cả. Kiến Ninh (Đường Nghệ Hân) từ công chúa dễ thương thành ngốc nghếch với màn ăn trộm trứng chim. Hải thái giám (Điền Vũ) thâm độc trở thành kẻ kỳ dị với gương mặt trắng bệch, tay cầm chậu hoa và thường co giật khi dùng thuốc quá liều.
Thiên long bát bộ (2013)
Phiên bản Thiên long bát bộ (2013) hứng chịu không ít lời chê bai từ phía khán giả vì bị cải biên quá mức thành ngôn tình sến sẩm, kỹ xảo giả tạo. Ngay từ giai đoạn khởi quay, bộ phim đã bị khán giả phản đối khi chọn diễn viên kém sức nặng như Chung Hán Lương, Kim Kibum, Trương Mông, cũng như tạo hình màu mè, lòe loẹt và hở hang của các nhân vật.
Nhất là nam diễn viên Hàn Quốc Kim Ki Bum trong vai Đoàn Dự. Anh chàng có khuôn mặt điển trai nhưng không hợp với phim cổ trang Trung Quốc, diễn xuất khoa trương, tạo hình lòe loẹt. Trương Mông cũng bị chê không đủ đẹp để đóng "thần tiên tỷ tỷ". Bộ phim còn bị khán giả "ghét bỏ" vì khâu tạo hình kỳ quặc dù được kỳ công xây dựng bởi nhà thiết kế trang phục phim từng được đề cử Oscar Hề Chung Văn.
Khi lên sóng, Thiên long bát bộ 2013 gây nhiều tranh cãi. Một bộ phận khán giả nhận xét bộ phim dù có cải biên nhưng cơ bản vẫn tôn trọng nguyên tác, được làm theo kiểu võ hiệp thần tượng, kỹ xảo hấp dẫn hút khán giả trẻ. Một số khác lại chê phim thêm thắt nhiều tình tiết "ngôn tình" như cảnh Đoàn Dự "khóa môi" Chung Linh và Mộc Uyển Thanh, Mộ Dung Phục hôn Vương Ngữ Yên dưới nước, Kiều Phong bán khỏa thân...
Tân Thần điêu đại hiệp (2014)
Phiên bản này thu hút nhiều sự chú ý của khán giả vì được "xào nấu" bởi biên kịch Vu Chính - người nổi tiếng với những cải biên "khó tin". Vu Chính đã phát triển tuyến nhân vật phụ như cặp Lâm Triều Anh và Vương Trùng Dương, tình tay ba giữa Lý Mạc Sầu - Lục Triển Nguyên - Hà Nguyên Quân, ngay cả Hoàng Dược Sư và Mai Siêu Phong cũng có một chuyện tình sư đồ.
Từ nội dung tới tính cách nhân vật của Thần điêu đại hiệp 2014 đều có sự thay đổi không nhỏ so với tiểu thuyết gốc và các phiên bản cũ. Tiểu Long Nữ vui tươi hơn, gần gũi hơn với đồ đệ, hay làm nũng và đôi khi có chút đanh đá. Dương Quá cũng phong lưu, phóng khoáng hơn. Phim có nhiều cảnh Dương Quá - Tiểu Long Nữ chuyện trò yêu đương.
Vì có nhiều thay đổi như vậy, Thần điêu đại hiệp 2014 bị không ít khán giả chỉ trích là "phá hủy nguyên tác". Đặc biệt, Tiểu Long Nữ do Trần Nghiên Hy thủ vai bị chê không đủ xinh đẹp, thiếu khí chất, tạo hình xấu, thậm chí bị gán biệt danh "cô cô đùi gà", "Tiểu Long Nữ xấu nhất lịch sử".
Hiệp Khách Hành (2017)
Ấp ủ chế tác tới 3 năm nhưng Hiệp Khách Hành phiên bản 2017 vẫn không đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả, thậm chí bị đánh giá là thua xa bản cũ năm 2002 (nam chính là Ngô Kiện) cả về nội dung, võ thuật và nhạc phim.
Tân Hiệp khách hành vẫn dựa trên mạch truyện chính nhưng có nhiều thay đổi về tình tiết so với nguyên tác và bản cũ để tạo sự mới mẻ. Tuy vậy một số nhân vật như Thạch Trung Ngọc, Sử Tiểu Thúy bị "xào xáo" hơi quá khiến tính cách, hình tượng nhân vật trở nên thiếu logic. Khán giả còn chê phim thiếu không khí võ hiệp, kỹ xảo kém khiến cảnh phim trông giả và lộ dấu vết cắt ghép hình, ngoại hình của nam chính Thái Nghi Đạt không phù hợp với hình tượng nhân vật...
Tân Tiếu ngạo giang hồ (2013)
Dưới khả năng "phóng tác bất chấp đổi trắng thay đen" của Vu Chính, Tân Tiếu ngạo giang hồ hứng chịu sự công kích nặng nề từ người xem cho đến các chuyên gia phê bình ngay khi lên sóng.
Tiếu ngạo giang hồ tái hiện chuyện tình yêu nam nữ, đặc biệt là mối quan hệ éo le giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh. Nếu như trong tiểu thuyết gốc, Doanh Doanh mới là nhân vật nữ chính, thì sang đến tay Vu Chính, nội dung bị đảo lộn 180 độ. Đông Phương Bất Bại - vốn được biết đến với hình tượng đồng tính nam đã được đẩy lên làm nữ chính, chuyển giới hoàn toàn thành nữ.
Kết phim còn bị nhận xét nhái lại Họa bì 2 khi Đông Phương Bất Bại trả lại trái tim để cứu Nhậm Doanh Doanh. Không ít người sau khi xem xong thậm chí còn gọi bản Tiếu ngạo giang hồ này là "phim võ hiệp kiểu Quỳnh Dao" .
Tân Tiếu ngạo giang hồ (2018)
Đứa con tinh thần của đạo diễn Kim Sân bị chỉ trích là "thảm họa cải biên" vì "trẻ hóa" một tác phẩm võ hiệp thành phiên bản thanh xuân để nhắm đến giới trẻ. Tiếu ngạo giang hồ vẫn xoay quanh những ân oán giang hồ, âm mưu tranh đoạt bí kíp võ công giữa các môn phái.
Tuy nhiên tình tiết, cách dẫn dắt diễn biến đều được đoàn phim cải biên khác bản gốc, bị chê là "một đống lộn xộn". Bộ phim giảm nhẹ yếu tố võ hiệp, đẩy mạnh việc phá án nhưng lại thiếu logic, các cảnh đấu võ chỉ lướt qua, thiếu cảm giác chân thực.
Điều khiến khán giả phản ứng dữ dội nhất là Tiếu ngạo giang hồ 2018 chọn diễn viên quá tệ, vừa không đủ nhan sắc vừa yếu kém về khả năng diễn xuất. Nam chính Đinh Quán Sâm (sinh năm 1993) có khuôn mặt non choẹt, diễn đơ, không hề phù hợp với nhân vật trong tiểu thuyết. Các diễn viên trẻ khác cũng bị chê diễn tệ không kém vì còn non kinh nghiệm.
Thu Hà (T/h)