Thời gian gần đây, cái tên nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng luôn được gắn với những vụ hành quyết dã man, những cuộc đấu súng dữ dội và biểu hiện cho tư tưởng cực đoan của Hồi giáo.
Sự tàn bạo của IS: Đâu là nguyên nhân?
Khó có từ nào miêu tả hết sự độc ác, tàn bạo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng với các vụ hành hình trong thời gian vừa qua, họa chăng chỉ có thể là “vô nhân tính”. Các clip đăng tải trên nhiều trang mạng tạo cho người xem cảm giác rùng mình, kinh sợ khi các cái tên như James Foley của Mỹ, Steven Sotloff của Anh, kỹ sư người Nga hay hàng nghìn người khác được xướng lên bởi thành phần thánh chiến. Đó là còn chưa kể đến hàng nghìn người không theo Đạo Hồi ở Syria và Iraq đã bị sát hại, phụ nữ và trẻ em bị bắt làm nô lệ. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tàn bạo của IS ngày nay?
Theo nhà thần kinh học Ian Robertson, người đã có nhiều nghiên cứu về ISIS, lý do thứ nhất, khá đơn giản, đó là tàn ác sinh ra tàn ác. Sự nhẫn tâm, hiếu chiến và vô cảm thường phát sinh ở những người bị đối xử cay nghiệt. Điều này là không thiếu trong các thành phần cực đoan của IS, khi các chiến binh thuộc dòng Sunni này luôn phải sẵn sàng cho các cuộc giao tranh với các phần tử Shiite.
Thứ hai, đó là tính tự nguyện hy sinh trong một nhóm. Theo lý giải của ông Robertson, lương tâm của một người khó có thể tồn tại trong một nhóm thánh chiến khổng lồ, khi những người trong nhóm tự coi mình là một khối. Từ đó, những hoạt động man rợ, tàn ác sẽ được coi là do nhóm làm chứ không chỉ đơn thuần là một người trong nhóm thực hiện.
|
PGS.TS. Phạm Quang Minh. |
Theo TS. Đỗ Đức Định, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, trong Đạo Hồi, lực lượng theo cái Đạo Hồi quá khích, dòng thánh chiến không đông, nhưng nó lại sẵn sang chết vì đạo, tử vì đạo. Cho nên nó là một lực lượng ngay cả người dân Đạo Hồi rất bất an. Nó gây ra tư tưởng rất lo lắng, mất an ninh. Thực tế, bản thân nó đã gây ra những hiện tượng chém giết rất tàn bạo. Cho nên, sự phát triển của IS là đỉnh cao của Đạo Hồi quá khích.
Bên cạnh đó, IS đã thành công trong việc khiến các phần tử thành chiến của mình đều coi những phần tử ngoài nhóm là vật thể, có nghĩa là nếu không phải Đạo Hồi thì sẽ có những hành động quá khích. Ngoài ra, 2 yếu tố để trả thù và do lãnh đạo cũng đóng một phần không nhỏ vào sự tàn ác và vô nhân tính của IS ngày nay.
Như vậy, 5 yếu tố kể trên cộng với nguồn tài chính dồi dào và ổn định đã khiến Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng trở thành nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
PGS.TS. Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học – Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Một là họ có khả năng kiểm soát được cái nguồn dầu mở ở các quốc gia mà đang bị khủng hoảng sâu sắc. Thứ hai là tại các quốc gia đó, không có một lực lượng nào có đủ khả năng để ngăn chặn. Và thứ ba, các nước phương Tây thấy rằng việc có đưa quân đội vào cũng rất khó có thể nhằm vãn hồi được tình hình. Đấy chính là một trong những cái nguy cơ, tôi có thể nói, đe dọa sâu sắc tới tình hình ổn định, không những ở khu vực Trung Đông và Châu Phi mà bây giờ có khả năng đe dọa tới khu vực Liên minh Châu Âu."
Đó là còn chưa kể tới mỗi tháng có tới hơn 1.000 người nước ngoài đổ về Syria và Iraq để gia nhập IS, đi tìm cái gọi là “chân lý sống” của mình. Từ hơn 80 quốc gia khác nhau, đến nay đã có khoảng 15.000 người nước ngoài trong lực lượng của IS và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
|
TS. Trần Việt Thái. |
Theo ý kiến của TS. Trần Việt Thái - Phó viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao: “Cái nguy cơ thứ nhất là nếu các thành phần này tham gia chiến đấu ở IS trong một thời gian thì họ cải tạo sang đạo Hồi và đa phần là họ trở nên rất cực đoan. Cái nguyên nhân thứ hai là bản thân những người này mang đến IS rất nhiều những phương tiện đặc biệt là máy tính, laptop, iphone và IS hiện nay rất thành thạo sử dụng các mạng lưới này làm công cụ tuyên truyền và họ dùng cái đó để đi tuyên truyền tử vì đạo ở các nước phương Tây. Ngoài ra, họ có thể tạo ra các nguy cơ bất ổn vì họ tiếp tay cho các lực lượng IS để hiểu rõ hơn cuộc sống của nước phương Tây, Mỹ.”
Tàn ác là vậy, dã man là vậy, song IS còn được cung cấp thêm nhiều vũ khí, trang thiết bị hiện đại. Theo thông báo mới nhất từ tình báo Đức, IS hiện nắm trong tay hệ thống tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không xách tay khá hiện đại. Với thiết bị này, các phần tử thánh chiến hoàn toàn có thể bắn hạ cả một máy bay dân sự vô tình bay ngang qua vùng lãnh thổ của nhóm này.
Thế giới và cuộc chiến chống IS
Vậy phải làm gì để chống lại Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng? Người ta thường nói, “đánh rắn phải đánh dập đầu”. Đó cũng là tư tưởng của những nhà cầm quân trong Liên minh do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng tiêu diệt những phần tử đứng đầu IS được cho là ở Syria và Iraq. Sau khi tiêu tốn một lượng lớn tiền của và bom đạn mà không đạt được mục đích, Liên minh này lại đang rục rịch thành lập lực lượng bộ binh, với sự tham gia của một số quốc gia. Đó là về quân sự. Bên cạnh đó, thế giới còn phải lo lắng đến số lượng khổng lồ người phương Tây đang hàng ngày, hàng giờ gia nhập IS.
TS. Trần Việt Thái - Phó viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao chia sẻ: “Trước hết là các biện pháp liên quan tới tuyên truyền giáo dục. Phải làm rõ cho người dân, cho công chúng hiểu, bản chất của IS là cái gì để họ không tham gia. Cái thứ hai là chúng ta phải có các biện pháp về hành chính, kiểm soát vấn đề về hộ chiếu, kiểm soát về xuất nhập cảnh, hay kiểm soát từ nơi cư trú. Cái nhóm thứ ba nữa là nếu họ đã đi rồi, sang bên kia rồi thì phải phối hợp hợp tác quốc tế từng bước kêu họ trở về, hoặc có biện pháp mạnh nếu cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đại Phượng - Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế: "Và cuộc chiến này, rõ ràng kẻ thù được nhận diện, nhưng mà kẻ thù không nằm trên một lãnh thổ mà kẻ thù rải rác trên nhiều lãnh thổ của nhiều quốc gia. Cho nên cuộc chiến chống lại lực lượng này cũng không phải là dễ dàng và không nhanh chóng."
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết chính là sự đoàn kết, nhất trí của cộng đồng quốc tế. Hiện lực lượng người Kurd tại Syria và Iraq đang được huấn luyện để đối phó với Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS.
Lý thuyết là như vậy, song ngay chính trong nội bộ quốc tế còn chưa thống nhất được phương thức cũng như người lãnh đạo chống IS thì khó có thể nói, cuộc chiến này sẽ sớm đi đến hồi kết.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết: “Dĩ nhiên chúng tôi sẽ hợp tác và cung cấp đầy đủ cho các lực lượng chống lại IS, từ việc huấn luyện, cung cấp trang thiết bị hay vũ khí. Và chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị các chuyên gia kỹ thuật để nắm bắt diễn biến cuộc chiến. Nhưng tôi tin rằng, lãnh đạo cuộc chiến chống IS phải là lực lượng của Iraq, người Kurd ở Syria chứ không phải ai khác".
Đến thời điểm này, bên cạnh các chiến dịch không kích và triển khai bộ binh, có thể nói, mấu chốt của cuộc chiến chống Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng chính là sự đoàn kết, nhất trí của lãnh đạo các quốc gia tham gia Liên minh. Ngoài ra, sự vào cuộc của Nga, của Trung Quốc hay các chiến lược chiến tranh khác có thể sẽ là điều cần thiết trong thời gian tới, nhằm mục đích tiêu diệt hoàn toàn mầm mống của IS trên khắp thế giới.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhom-nha-nuoc-hoi-giao-is-cuc-doan-va-tan-bao-a67620.html