(ĐSPL) - Trong quá trình tác nghiệp, theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, mỗi bệnh viện như Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Bình Dân... có khoảng hơn chục đối tượng chuyên “ăn nằm”, lảng vảng tìm cách lọt vào trong khuôn viên để hành nghề. Chúng có cả một ngàn lẻ một chiêu để qua mặt camera, bảo vệ...
Những kẻ “thách thức pháp luật”
Trong những ngày ở bệnh viện, PV biết được một băng nhóm khoảng hơn chục đối tượng chuyên thực hiện các phi vụ này trước cổng bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh), chủ yếu là những đối tượng lang thang, nghiện ngập, xăm hình... Theo tìm hiểu thì các đối tượng này biết rõ đường đi lối lại và thông thuộc bệnh viện như lòng bàn tay. Ví như, giờ cao điểm buổi sáng thì bệnh viện nào cũng có đông người bệnh đến thăm khám, điều trị nhưng sẽ chọn nơi nào lỏng lẻo, không có camera quan sát để dàn cảnh hành động. Chiêu trò nói trên cũng được các đối tượng này thực hiện ở bệnh viện Bình Dân, nơi chưa gắn camera. Thậm chí, kể cả những nơi có gắn camera quan sát cũng không làm gì được, ví như tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chúng hoạt động buổi sáng. Đến trưa, lúc khoảng 10 – 11h, chúng kéo đến bệnh viện Ung Bướu để tiếp tục hành động. Đây cũng là thời điểm tại bệnh viện này có nhiều xe cơm từ thiện đến phát. Chúng trà trộn vào bệnh nhân, xin suất cơm từ thiện.
Đối tượng này khi đi hành nghề còn dẫn theo một cô con gái khoảng 18 tuổi, xinh đẹp, đài các, nhìn vào không ai có thể nghi ngờ nhưng chính người mẹ này lại dẫn đi học, hành nghề đạo chích (ảnh công an cung cấp). |
“Nói xin cơm, chứ thực ra chúng lao vào chỉ nhằm mục đích gây hỗn loạn. Trong tình huống lộn xộn đó, chúng ra tay để móc túi, trộm cắp tài sản. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm là chúng tản đi hết, đến gần trưa là chúng tụ tập rất đông, khoảng mười mấy tên. Chúng tôi biết mặt nhưng không làm gì được. Chúng tôi có gọi điện cho công an phường nhưng không thấy ai ra. Gọi vào số điện thoại nóng về tệ nạn xã hội của sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP.HCM thì họ nói, sẽ gọi cho đội chống tệ nạn xã hội của địa phương. Sau đó, một nhân viên chống tệ nạn đi ra, đảo vài vòng cũng về chứ không làm gì được”, ông Nguyễn Văn Cấn, thành viên tổ Bảo vệ dân phố trước cổng bệnh viện Ung Bướu nói. Trong lúc PV đang “nằm vùng” tại đây, thì được một thổ địa chỉ cho nơi mà các “đạo chích” đồn trú. Thực chất không quá khó để phát hiện các đối tượng này, nếu không đi nơi khác hoạt động thì ngày nào chúng cũng lảng vảng trước cổng bệnh viện, nhiều nhất là ngồi dưới chân cầu đi bộ” (ngang qua đường Nơ Trang Long, phường 7), thổ địa này cho biết. Điển hình như tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (đường Trần Hưng Đạo, phường 1, Q.5, TP.HCM), lúc nào cũng có khoảng trên chục đối tượng chia nhau hành động, đặc biệt là vào buổi sáng, khi người bệnh đến đây đông nhất.
“Buổi sáng bệnh viện kẹt cứng người, nhất là những nơi như lấy số thứ tự, đóng tiền, quầy thuốc... không còn chỗ để đi lại. Thậm chí, có camera cũng không thể quan sát được, vì toàn thấy đầu người chen chúc nhau. Cho nên khi bọn chúng ra tay cũng không thể quan sát được”, ông Huỳnh Ngọc Thành, Đội trưởng đội Bảo vệ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết.
Trộm đủ kiểu...
Tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, có thể điểm những cái tên như Trần Ngọc Sang (nữ, SN 1984, trú tại Mạc Đĩnh Chi, TP.Rạch Giá, Kiên Giang); Huỳnh Thị Hường (SN 1975, trú tại TP.Long Xuyên, An Giang); Trần Thị Yến (SN 1970, tạm trú 670/87/31 Đoàn Văn Bơ, phường 16, Q.4. TP.HCM). Rồi Nguyễn Thị Lan (SN 1960), Trần Thị Xí (SN 1964)... Đây là những đối tượng đã “bám” bệnh viện mấy năm nay từng bị phát hiện và xử phạt, sau lại tiếp tục hoạt động. Những người làm công tác bảo vệ ở đây cho biết, đây là những đối tượng rất lì lợm và quen mặt.
Sau nhiều lần bị đề nghị rời khỏi khu vực bệnh viện thì họ lại tìm cách hóa trang để đột nhập vào bệnh viện. Ví như đội nón rộng vành, đeo kính đen, bịt khẩu trang, mặc áo khoác... nên rất khó phát hiện. Thậm chí, khi yêu cầu tháo khẩu trang, kính đeo... thì mới hay là những đối tượng nói trên khi đó đang mặc áo khoác màu vàng. Tuy nhiên, vừa mới đuổi ra cổng A thì chúng ra ngoài, mặc áo khoác màu xanh lẻn vào cổng B, mà lực lượng bảo vệ không tài nào phát hiện được. Ngoài những cách hóa trang nói trên, bọn chúng thường đóng giả người bệnh. Một cán bộ điều tra cho hay, chúng sẵn sàng bỏ ra mấy chục ngàn để mua sổ, đóng tiền khám và không quên cầm theo phim chụp, y như đang đi khám bệnh... để đánh lạc hướng sự chú ý. Thậm chí có đối tượng đạo chích nữ khi hành nghề còn vác cả... bụng bầu đi ăn cắp.
Ba đối tượng (ngoài, bên phải) ngồi trước cổng bệnh viện Ung Bướu chờ thời điểm xe cơm từ thiện đến để hoạt động. |
Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho những người làm nhiệm vụ, kể cả lực lượng công an. Vì khi bắt được tội phạm, những người bị hại không dám tố cáo, làm chứng... do đó các đối tượng này thường chối bay chối biến. Thậm chí còn... ăn vạ theo kiểu lồng lộn, làm mình làm mẩy, hoặc tự đấm vào bụng đang mang thai... làm cho nhiều người ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Công Thanh, Phụ trách đội Bảo vệ bệnh viện Bình Dân cho biết: “Sau khi bị “điểm danh” hoặc bị tóm lần trước, chúng đóng luôn là người mua sổ, lấy số thứ tự vào khám bệnh luôn. Dù biết, nhưng chúng tôi không thể mời họ ra được, vì trên tay có sổ khám bệnh, số thứ tự. Lúc đó chỉ có cử người trực và theo dõi thôi. Còn nếu các đối tượng đó “lọt” vào mà không ai phát hiện, thì chúng sẽ ngồi quan sát, tìm lúc ra tay”.
Có trường hợp khi vào hành nghề lại mang theo con nhỏ. Điển hình như đối tượng Nguyễn Thị Lan (SN 1960) mang theo một con nhỏ nhưng trong tích tắc đã “chôm” ngay chiếc vòng đeo tay của một người đi khám bệnh. Tương tự, tại bệnh viện Bình Dân (Điện Biên Phủ, Q.3) cũng có hàng loạt cái tên chuyên hành nghề đạo chích và trộm cắp tài sản. Điển hình như Hoàng Thị Lạc (SN 1966, tạm trú tại 034, Lô T, chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, Q.10). Lạc là một chuyên gia móc túi.
Hay Trần Ngọc Long (SN 1984, ngụ tại 170/21/15 Bến Vân Đồn, phường 6, Q.4) lại chuyên trộm cắp tài sản. Còn đó, Huỳnh Minh Phương (SN 1970, HKTT tại xã Mong Thị A, Châu Thành, Kiên Giang) chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Theo ghi nhận của PV, đa phần những tay đạo chích này là “giang hồ” tứ xứ tụ hội về TP.HCM kiếm ăn. Một số đối tượng từ miền Trung, miền Bắc vào như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Ninh Thuận hay từ miền Tây lên như An Giang, Kiên Giang... và một số đối tượng ngụ tại TP.HCM lâu năm.
Trong đó, có những đối tượng là cha con, mẹ con như Nguyễn Văn Thọ và con Nguyễn Văn Hùng (có HKTT tại Nhơn Phú, huyện An Nhơn, Bình Định), cùng hành nghề móc túi. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn rất trẻ, như Nguyễn Văn Hùng vừa nhắc trên chỉ sinh năm 2001, Nguyễn Văn Hùng (hay còn gọi là Hùng “bê đê”) ở Hải Phòng, tạm trú Q. Tân Phú (SN 1986) hay Liêu Thị Lan Châu (SN 1988)...
Tuy nhiên, điều đáng nói là những đối tượng này hành nghề rất điêu luyện. Chị H. (ngụ Đồng Nai), kể lại, chị đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM khám bệnh mặc chiếc quần Jeans (hay còn gọi quần bò) sát người. Chị nhét chiếc điện thoại vào sâu trong túi quần phía trước, mà chị tả là mình lấy ra còn khó khăn. Vậy mà chỉ trong tích tắc, các đối tượng nói trên không biết bằng cách nào mà lấy được... đến nỗi chị không hề hay biết.
“Ngoài một số đối tượng nghiện ngập, HIV, thành phần vô liêm sỉ hành xử theo kiểu bất cần đời thì còn lại là những gương mặt quen thuộc, song lại luôn tìm cách che giấu thân phận đến nỗi, có người đi khám bệnh còn nhận ra. Nhưng không hiểu lý do gì mà cứ sau khi bị bắt chúng lại tràn vào hoạt động. Thậm chí có khi bị bắt buổi sáng thì chiều lại thấy mặt chúng ở đây rồi. Nếu như cơ quan chức năng giải quyết được những tên này thì tình trạng móc túi, rạch giỏ, trộm cắp, xin đểu trong bệnh viện… chắc chắn sẽ giảm”, ông Thành cho biết. |
CHÍ THANH
[mecloud]sFOAyB8F2j[/mecloud]