Ngày 1/2/2023, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ Tài chính, bộ Công Thương, bộ Tư pháp và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),… góp ý việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như vận hành của chuỗi cung ứng xăng dầu.
Trong đơn kiến nghị, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết sở hữu hơn 50% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (gần 9.000 cửa hàng). Theo nhóm này, qua thời gian thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 có nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp,
“Điều này dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu”, đơn kiến nghị nêu rõ.
Cụ thể, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng vẫn phải duy trì kinh doanh.
Thêm vào đó, theo quy định, hiện doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi, nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.
Nhóm các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Trước đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023,Thủ tướng Phạm Minh Chính giao bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả, tạo năng lực sản xuất mới.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống, gây bất ổn thị trường; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bộ Công thương Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.
Hiếu Nguyễn