Với tâm lý phải cho con ăn nhiều bữa, các món ăn phải đủ thành phần dinh dưỡng thì con mới béo tốt, nhiều bà mẹ bỉm sữa vô tình gây hại đến sức khỏe của con.
Khi điều kiện kinh tế -xã hội ngày càng phát triển, các ông bố bà mẹ càng dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ từ khi mới lọt lòng với mong muốn con khỏe mạnh và phát triển tối ưu. Tuy nhiên khi hiện thực hoá ước mơ ấy, nhiều bà mẹ lại mắc sai lầm nghiêm trọng việc chăm sóc con cái.
Mới đây, trên một diễn đàn nuôi con của các bà mẹ bỉm sữa, bà mẹ Nguyễn Thiên Hương chia sẻ về quá trình chăm sóc cậu con trai đầu lòng. Chị Hương cho biết, hàng ngày ngoài bữa chính, bé Voi (tên gọi ở nhà) phải uống sữa, ăn váng sữa, hoa quả và bữa phụ theo lịch dày đặc. Chị Hương chia sẻ, ăn uống toàn đồ dinh dưỡng là vậy nhưng bé Voi không hề tăng cân, vì thế, chị ra sức “tẩm bổ” cho con. Đến mức, mỗi khi thấy chị cầm bát bột, thằng bé rùng mình rồi ôm mặt khóc. Chị tìm đủ mọi cách thay đổi khẩu vị cho con như, hầm xương, ninh cả con chim bồ câu,... để lấy nước nấu cháo cho con.
Không những thế, mỗi bữa chị thay đổi một món hôm thì xay thịt nấu cháo, hôm thì cá, cua, củ quả... đủ hết. Vậy mà, bé Voi vẫn còi, bụng còn yếu, bé rất dễ bị tiêu chảy. Không chỉ có vậy, ai mách loại sữa nào tốt chị cũng mua về, dù phải mua từ nước ngoài với số tiền đắt đỏ.
Ngay khi câu chuyện của chị Hương được đăng tải, nhiều bà mẹ cảm thông với chị bởi cũng áp dụng cách đó với con nhà mình mà bé không phát triển, trái lại có bé còn bị đau bụng liên tục, có dấu hiệu ợ chua, vừa ăn hết bát bột là nôn ra bằng sạch.
Muốn con béo tốt, mẹ bất chấp ép con ăn bằng được - Ảnh: Minh họa |
Chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Mình cũng thử đủ loại thức ăn, nay đổi món này mai đổi món khác cho con mà bé vẫn còi. Đã thế bé rất sợ ăn. Cứ mỗi lần đến giờ ăn là như cực hình đối với cả nhà. Mình thương con lắm”.
“Ôi, cách chăm con của bạn giống hệt mẹ chồng mình. Bữa nào bà cũng cho bé ăn đủ thứ, nào là sữa, bột, váng sữa rồi nước ép... Mỗi khi mình có ý phản đối là bà nội cháu khó chịu nên đành chấp nhận theo chế độ của bà. Bà lúc nào cũng sợ cháu đói, cứ cách 2 tiếng là phải cho cháu ăn một loại gì đó. Mình không trách gì bà cả nhưng cách bà chăm cháu làm mình xót con quá. Thằng bé bị nhồi nhét ăn đủ thứ, toàn đồ dinh dưỡng. Rồi mỗi lần bà cho cháu ăn cũng sẽ thử cháo xem vừa chưa, thổi phù phù vào thìa cháo”, chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.
Bên cạnh những bà mẹ chia sẻ về cách chăm con cũng như chị Thiên Hương thì có những bà mẹ chỉ ra điểm sai, phản đối cách chị ép con ăn như vậy. Chị Nguyễn Liên cho rằng: “Con còn nhỏ không nên ép con ăn quá nhiều thứ bởi hệ tiêu hóa của con còn yếu. Bạn cho con ăn nhiều chất dinh dưỡng, chất bổ khiến hệ tiêu hóa của con không kịp tiêu hết số thức ăn đó con đã phải nạp thêm những thức ăn khác. Ngay cả người lớn mình cũng vậy thôi, vừa ăn no xong lại ăn thêm thì bụng cứ anh ách, sao chịu được? Chính vì thế, mình không bao giờ ép con ăn mà tạo cho con thói quen ăn đúng giờ giấc, khi nào con đói con sẽ có cách đòi hỏi mọi người cho ăn như thế con sẽ thích thú với món ăn, mới biết nó ngon hay không?”.
Cùng quan điểm với chị Liên, bà mẹ bỉm sữa Minh Tuyết còn cho rằng: “Chị Hương không nên cho thêm gia vị vào món ăn của con. Khẩu vị của người lớn và trẻ nhỏ là khác nhau, chị vừa miệng nhưng với con lại là mặn, gây hại cho sức khỏe của con”.
Trước những tranh luận của các bà mẹ bỉm sữa về cách chăm con thế nào cho đúng? Có nên thực hiện một chế độ ăn dày đặc, dù con không muốn ăn cũng ép con ăn cho đủ dinh dưỡng, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (bệnh viện Nhi Trung ương) có những chia sẻ xung quanh vấn đề này. Theo bác sĩ, khi trẻ bị nhồi nhét ăn sẽ có rất nhiều hậu quả xảy ra. Về tâm lý, nhồi ăn bất chấp con thích hay không khiến trẻ sợ: Sợ việc ăn, sợ cả món ăn. Từ đó, việc ăn của trẻ thành cực hình, trẻ trở thành cỗ máy chỉ nhai và nuốt chứ không hề cảm nhận được mùi vị ngon lành của thức ăn, dẫn tới tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày và thậm chí là sang chấn tâm lý vì quá căng thẳng. Có trường hợp, trẻ nhìn thấy đồ ăn là đau quặn bụng lại.
Bác sĩ cho biết thêm, bản chất của việc nuôi con đúng hay sai, ngoài kiến thức thì tính cá thể của mỗi đứa trẻ khác nhau. Do đó, không thể áp dụng từ trẻ này sang trẻ khác một cách máy móc. Sự phát triển chuẩn nhất của một đứa trẻ được ăn uống đúng cách chính là khỏe mạnh, không mắc bệnh tật gì, chỉ số trí tuệ cao.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên khuyến khích bé dành thời gian cho những hoạt động thể chất, vui chơi. Hạn chế ngồi một chỗ và lười vận động. Tập cho bé thói quen không ăn vặt, không ăn quá khuya, không ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán hay đồ ngọt. Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn cần dạy bé cách cung cấp năng lượng cho bản thân khi đói và uống nước ngay cả khi không khát. Đặc biệt, cha mẹ không nên chiều con theo sở thích, ăn những món không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý cho trẻ đi khám định kỳ, nghe tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ dinh dưỡng cho con qua từng thời điểm, thường xuyên ghi lại các thông số về chiều cao, cân nặng của con để tiện việc theo dõi.
Phong Linh
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Phát luật số 153