+Aa-
    Zalo

    Nhớ Bác khôn nguôi những ngày thu lịch sử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tháng Chín về, ông trời đỏng đảnh khoác áo mơ phai và nắng thôi không còn gắt gỏng nữa. Thu về, những nơi đã từng in dấu chân Bác Hồ kính yêu trở nên thân thương...

    Tháng Chín về, ông trời đỏng đảnh khoác áo mơ phai và nắng thôi không còn gắt gỏng nữa. Thu về, những nơi đã từng in dấu chân Bác Hồ kính yêu trở nên thân thương và gần gũi hơn bao giờ hết. Suốt 48 năm từ ngày Bác đi xa, nhân dân Việt Nam vẫn không nguôi nỗi nhớ Cha Già.

    Kỷ vật còn nguyên hơi ấm của Người

    Bên cạnh niềm hân hoan chào mừng Quốc khánh mùng 2/9, trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam đều có một tình cảm thiêng liêng, lắng đọng bùi ngùi, vì đây cũng chính là ngày Bác Hồ đã mãi mãi về với “thế giới người hiền”. Một ngày mà không một ai mong muốn rồi cuối cũng cũng phải đến như quy luật nghiệt ngã của cuộc đời. Theo các tài liệu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9h47' ngày 2/9/1969.

    Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích Đá Chông.

    Tuy nhiên, phải 20 năm sau ngày Bác mất, thông tin này mới chính thức được công bố rộng rãi. Trong 20 năm đó, ngày Bác mất là mùng 3/9 để tránh trùng Quốc khánh, ngày vui của cả dân tộc. Nhưng lịch sử thì nhất định phải trung thực, nên Bộ Chính trị và Trung ương đã công bố lại ngày Bác mất là mùng 2/9.

    Những câu chuyện này vẫn được các hướng dẫn viên tại khu di tích Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) thuyết minh cho hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Con số khách tham quan những ngày lễ đông gấp nhiều lần ngày thường. Dường như, ai cũng mong muốn được gần với Bác hơn, được thấy Bác hiện hữu qua từng kỷ vật, từng không gian nơi đây.

    “Khu di tích Đá Chông còn gọi là K84, trước đây gọi là K9. Khi Bác qua đời, nơi đầu tiên ướp bảo quản thi hài Bác là viện Quân y 108, cơ sở đó gọi là K75 A. Hội trường Ba Đình, nơi tổ chức lễ viếng Bác từ ngày 6-9/9/1969 gọi là K75 B. Tới khi đưa Bác lên yên nghỉ ở khu di tích Đá Chông thì gọi là K84 (tức là K75 + K9 = K84). Nơi đây có phong cảnh đẹp, địa hình phù hợp với một căn cứ an toàn khu. Sau địa điểm Đá Chông là dòng sông Đà uốn lượn, khi có biến cố xảy ra, bộ đội có thể vượt qua sông và dễ dàng lên chiến khu Tây Bắc từ Phú Thọ ở bên kia sông. Vì thế, đây là căn cứ an toàn được lựa chọn và cũng là nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chính Minh từ 1969-1975”, chị hướng dẫn viên trong tà áo dài tím, giọng nói nhẹ nhàng thuyết minh với đoàn chúng tôi như thế khi đứng trước di tích Đá Chông.

    Tại tấm bia giới thiệu về di tích lịch sử Đá Chông có nêu rõ, tháng 5/1957, Bác Hồ đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật “Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị”. Trên đường về, Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau (người dân gọi là Đá Chông).

    Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi, làm việc của Bác và Trung ương. Ngày 23/2/1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi của Bác, tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà trong khu vực Đá Chông.

    Còn theo những tư liệu từ ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác, K9 là một trong hai khu căn cứ được gọi là Nhà khách Trung ương. Đây là nơi dành cho các hội nghị của Bộ Chính trị. Khu nhà khách Trung ương ở Tam Đảo là nơi dành cho hội nghị của Quân ủy Trung ương. K9 là nơi Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, những người đồng chí gần gũi nhất, những người học trò xuất sắc nhất đã đến làm việc và nghỉ ngơi. Trong những buổi làm việc đó, nhiều vấn đề trọng đại của đất nước đã được bàn và quyết định.

    Những phiến đá sắc nhọn như chông.

    Tại tầng 1 của ngôi “Nhà sàn” đã từng diễn ra hội nghị Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần tới thăm khu Di tích vào năm 1998 đã bồi hồi xúc động chỉ cho mọi người biết chiếc ghế Bác đã từng ngồi chủ trì hội nghị Bộ Chính trị. Chiếc ghế lớn kê ở đầu bàn là nơi Bác ngồi. Phía tay phải Bác ngồi là đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí khác. Phía tay trái Bác là đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã ngồi vào chỗ ngồi trước đây và trầm ngâm nhớ tới Bác.

    Lịch sử không bao giờ bị lãng quên

    Chúng tôi không chọn phương tiện xe điện mà đi bộ từ cổng di tích men theo đường quanh hồ để tham quan. Những cây sếu, cây gạo được đánh số, ghi biển thể hiện sự trường tồn theo thời gian, cỏ xanh mát hai bên đường, bài nhạc rộn ràng phát ra từ những chiếc loa đặt dọc lối đi khiến ta nhớ lại khí thế hào hùng của những năm kháng chiến oanh liệt.

    Nhìn những vườn cây trĩu quả càng thấy, dù không có tiếng súng nhưng trên mặt trận sản xuất và xây dựng kinh tế hôm nay vẫn là phẩm chất đáng nể của Bộ đội Cụ Hồ.

    Trước khi đến với khu vực Đá Chông, chúng tôi đã được hướng dẫn tới thắp hương Bác ở nhà Tưởng niệm, thăm khu nhà bảo quản thi hài Bác, đến nơi Bác làm việc, khu nhà bếp và nhiều hạng mục khác, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của Người. Đặc biệt, khu nhà là nơi bảo quản thi hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gồm nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Hướng dẫn viên mặc quân phục và áo dài đứng dọc các địa điểm tham quan, hướng dẫn ân cần các đồng bào về bên Bác đi lại thuận tiện hơn.

    Khu di tích Đá Chông nằm cách Thủ đô Hà Nội chỉ chừng 70km, bởi thế, đây là một trong những điểm tham quan lý tưởng cho du khách mỗi dịp cuối tuần. Nhân dân Việt Nam về bên Bác không phân biệt tuổi tác, giới tính, thậm chí, đây còn là nơi du khách nước ngoài tìm đến. Tất cả tìm đến nơi đây để tận mắt thấy và cảm nhận những kỷ niệm về vị Lãnh tụ vĩ đại, được thấm vào tâm trí những bài học lịch sử quý báu.

    Trong dòng người đến với K9 hôm ấy, tôi quan sát thấy có rất đông các em học sinh, kể cả ở bậc tiểu học. Các em về đây, cùng thầy cô và bạn bè lắng tai nghe những lời thuyết minh nhẹ nhàng, sâu lắng của hướng dẫn viên. Có thể những bài học lịch sử chưa thật sự ngấm, có thể chiến tranh vẫn còn là điều xa lạ đối với lứa tuổi, vì “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”; nhưng có một điều chắc chắn, Bác Hồ đã thật gần gũi với những gương mặt trẻ thơ, đôi mắt to tròn.

    Cảm động nhất là các bác cựu chiến binh, thanh niên xung phong, những anh Bộ đội Cụ Hồ đi qua cuộc chiến oai hùng năm xưa, có người gửi lại một phần thân thể, nhưng về với Bác Hồ, họ luôn trọn vẹn tình cảm từ trái tim mình. Tôi đã thấy có những cặp vợ chồng già dìu nhau trên bậc thềm bước lên nhà Tưởng niệm Bác Hồ. Tình đồng chí, tình cảm vợ chồng quá nửa đời người vẫn thật nồng ấm. Chứng kiến những người con của mình với tình cảm son sắt, những phẩm chất cao đẹp như thế, chắc hẳn nơi “thế giới người hiền”, Bác đã vui.

    Trong số hàng trăm em nhỏ có mặt ở K9 – Đá Chông hôm đó, tôi đã bắt chuyện với một em bé trong đoàn từ Phú Thọ sang. Được biết, các em đều đạt thành tích tốt trong năm học nên được đoàn trường tổ chức một ngày Chủ nhật thăm cụm di tích Đá Chông. Cô bé lanh lẹn, xinh xắn tên Thủy, học lớp 5 hồn nhiên nói liến thoắng với các bạn: “Hình như Bác Hồ đang đi lại ở đâu đây; chắc ngày xưa Bác đã tưới cái cây này; chắc chỗ này Bác Hồ ngồi nghỉ sau khi làm việc; chắc Bác cũng thích ngồi ở đường dọc bờ sông Đà và nhìn sang bên kia là Phú Thọ nhà mình”...

    Bác đã đi xa, nhưng “muôn vàn tình thân yêu” mà Bác để lại, đến hôm nay vẫn ấm áp trong triệu trái tim người Việt Nam khắp mọi miền, khắp năm châu. Để mỗi lúc nghĩ về Bác, trong lòng ai cũng trong sáng hơn!       

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nho-bac-khon-nguoi-nhung-ngay-thu-lich-su-a200750.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vẹn nguyên Lời thề Độc lập

    Vẹn nguyên Lời thề Độc lập

    Thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của nhiều nền độc lập với thể chế dân chủ cộng hòa, nhưng không có nền dân chủ cộng hòa nào suốt quá trình phát triển của mình....