+Aa-
    Zalo

    Nhiều phụ nữ Việt “ăn quả đắng” bởi những thùng quà của “bạn trai” ngoại quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để ra mắt, các đối tượng "bạn trai ngoại quốc" có nhã ý tặng quà bằng ngoại tệ (USD) với số lượng lớn cho “bạn gái” mới quen.

    Thông qua mạng xã hội facebook, những gã trai ngoại quốc chủ động kết bạn với nhiều phụ nữ Việt. Họ tự xưng là thương nhân, kỹ sư xây dựng,… muốn nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư hoặc du lịch. Để ra mắt, các đối tượng có nhã ý tặng quà bằng ngoại tệ (USD) với số lượng lớn cho “bạn gái” mới quen.

    Truy tìm nạn nhân

    Ngày 8/3, Đại tá Phạm Văn Ngân, Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã ký văn bản thông báo truy tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

    Theo cơ quan điều tra, thời gian gần đây, một nhóm người ở Malaysia lên mạng xã hội facebook tìm phụ nữ Việt để làm quen. Sau khi kết bạn, các đối tượng “nổ” là công dân vương quốc Anh, nghề nghiệp là kỹ sư xây dựng, thương nhân hoặc nhà đầu tư đang muốn vào Việt Nam để du lịch hoặc đầu tư làm ăn lâu dài.

    Hàng loạt phụ nữ Việt bị lừa đảo từ việc tặng thùng quà chứa “đô la” của bạn trai Tây.

    Sau nhiều lần trò chuyện, những người này tỏ ra quan tâm và có nhã ý tặng quà cho “bạn gái”. Theo các đối tượng, trong thùng quà đó, ngoài các vật dụng đắt tiền, mỹ phẩm có cả ngoại tệ là USD (đô la Mỹ), với số lượng từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên, khi quà chuyển đến nơi, các đối tượng nhờ “bạn gái” cất giữ giùm chờ đến khi nào sang Việt Nam sẽ nhận lại để đầu tư hoặc tặng cho... “bạn gái”.

    Để nạn nhân tin tưởng, bọn chúng tạo ra nhiều trang web giả của công ty vận chuyển, nhắn tin bằng ứng dụng messenger rồi gửi đường link và mật khẩu đăng nhập vào trang web cho bị hại truy cập. Tinh vi hơn, nhóm lừa đảo còn tạo ra vận đơn giả (vận chuyển hàng hoá) đăng trên trang web giả công ty vận chuyển.

    Cụ thể, trong nội dung vận đơn giả, thể hiện các thông tin về gói quà: Tên, địa chỉ, số điện thoại người gửi trùng khớp với tên, địa chỉ, số điện thoại của người trên facebook giả mạo. Sau đó, bọn chúng giả danh là nhân viên vận chuyển hàng ở Malaysia trực tiếp gọi điện cho bị hại thông báo tình trạng bưu kiện hàng là gói bưu phẩm đã được gửi từ nước Anh về, chỉ việc chờ đúng người đến nhận.

    Qua điện thoại, các đối tượng thông báo bên trong gói hàng có tiền mặt là USD với số lượng lớn, không đúng quy định nên muốn nhận được bưu phẩm, bị hại phải nộp phí vận chuyển, phí hải quan, phí bảo hiểm nhận bưu phẩm. Số tiền phải nộp là từ 1.000 USD đến vài nghìn USD. Do đã truy cập vào website và kiểm tra nội dung đơn vận nên nhiều bị hại đã tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng yêu cầu mà không chút nghi ngờ.

    Lập trang web giả để lừa đảo

    Tương tự, tại Đồng Tháp, cơ quan CSĐT Công an TP.Sa Đéc đã lần lượt tiếp nhận đơn trình báo của 4 người phụ nữ về việc bị lừa tiền thông qua mạng internet và mạng điện thoại. Chị L. (ngụ TP.Sa Đéc) cho biết, một lần lên facebook, chị nhận được lời mời kết bạn của một người nước ngoài tên là James Morris. Người này cho biết đang sinh sống và làm việc tại Luân Đôn (Anh quốc).

    Những lần trò chuyện, chị L. và người tên Jame Morris thường tâm sự với nhau về gia đình, công việc. Jame Morris cũng ngỏ lời yêu thương với người phụ nữ mới quen. Trong dịp Lễ tình nhân, Morris cho biết đã gửi quà về Việt Nam tặng cho bạn gái, phần quà gồm ngoại tệ, vàng và điện thoại di động.

    Một tuần sau, chị L. nhận được điện thoại của 1 người phụ nữ tự xưng là nhân viên sân bay Nội Bài (Hà Nội). Người này yêu cầu chị L. phải nộp tiền lệ phí nhận quà là 12,3 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng. Liên tục sau đó, chị L. bị “nhân viên sân bay” yêu cầu chuyển thêm tiền vào các tài khoản ngân hàng khác nhau với nhiều lý do như: Đóng phạt do số lượng ngoại tệ lớn, trang sức có gắn đá quý; phí thuê luật sư làm thủ tục nhận quà; phí mua vé máy bay vận chuyển sang Việt Nam...

    Thấy có quá nhiều loại phí, chị L. liên lạc với James Morris thì được bạn trai trấn an nên tin tưởng và tiếp tục chuyển tiền. Chỉ trong vòng một tháng, chị L. đã 16 lần chuyển tiền vào tài khoản này với tổng số tiền là 575 triệu đồng. Nhiều lần chuyển tiền nhưng lại chưa nhận được quà như lời hứa, chị L. bắt đầu nghi ngờ nên trình báo cơ quan công an. Sau đó, James Morris đã xóa tài khoản facebook, còn số điện thoại của người phụ nữ tự xưng là “nhân viên sân bay” thì cũng ngoài vùng phủ sóng.

    Khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác

    Trung tá Nguyễn Minh Trường, Đội trưởng đội Điều tra tổng hợp, Công an TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo: “Người dân khi trao đổi thông tin qua mạng facebook, zalo, điện thoại… cần hết sức cẩn trọng. Đặc biệt là những trao đổi có liên quan đến tài sản nhằm tránh các trường hợp bị đối tượng xấu lừa gạt. Qua các vụ việc trên, người dân gặp phải những trường hợp tương tự cần nhanh chóng báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc”.

    Thanh Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-phu-nu-viet-an-qua-dang-boi-nhung-thung-qua-cua-ban-trai-ngoai-quoc-a186084.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan