Trong văn bản giải trình, TPBank cho biết lợi nhuận không đạt được như kỳ vọng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa ổn định và chưa có nhiều khởi sắc, cùng với việc ngân hàng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và thực hiện các biện pháp giảm lãi, giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân với số lãi giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Trong quý, thu nhập lãi thuần của TPBank ghi nhận mức 3.996 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ đem về cho nhà băng này 114 tỷ đồng, tương ứng mức giảm tới 86%. Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đột biến 325%, lên mức 342,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng trong quý IV, TPBank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng với khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức hơn 1.970 tỷ đồng, tăng hơn 1.855 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản chi phí dự phòng tăng mạnh đã ăn mòn đáng kể khiến lãi ròng sụt giảm mạnh.
Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần của TPBank ghi nhận mức 12.424 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 15,3%, xuống còn 2.279 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt báo lãi 779,1 tỷ đồng và 855,8 tỷ đồng; tương ứng tăng 90% và 100% so với cùng kỳ.
Năm 2023, TPBank dành hơn 3.946 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với năm 2022. Sau cùng, TPBank báo lãi sau thuế cả năm 2023 ở mức 4.463 tỷ đồng, giảm 28%.
Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của TPBank ở mức 356.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối 2022, vốn điều lệ tăng ở mức hơn 22.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 27,5% trong năm 2023 và đạt 205.262 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại TPBank tăng 6,8% trong năm qua lên 208.262 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh 35% lên hơn 44.000 tỷ. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện từ 16,7% lên 21,1%.
Về chất lượng tín dụng, tại ngày 31/12/2023, dư nợ xấu của TPBank ở mức hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 210% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,84% của năm 2022 lên 2,05%.
XEM THÊM:Không thực hiện được kế hoạch năm, Bắc Á bank vẫn “sống khỏe” nhờ chứng khoán đầu tư
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 1.115 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.426 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.659 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần.
Hiếu Nguyễn