Nguồn tin từ báo Lao động, ngày 8/8, ông Trần Vũ Phong - Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - cho biết đang chỉ đạo chính quyền địa phương xác minh thông tin nhiều người dân trên địa bàn nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc cưới.
Khoảng 11h ngày 6/8, một đám cưới diễn ra ở Nhà văn hoá thôn Tùng Giang, xã Quảng Châu. Đám cưới này mời hơn 500 khách, phần đông là người dân trong thôn và bạn bè của gia chủ hai bên.
Mâm cỗ cưới gồm các món: gà, bò, dê, cháo và một số món ăn khác do Nhà hàng L.H ở xã Quảng Hợp phục vụ, chế biến.
Tối cùng ngày cho đến sáng hôm sau 7/8, hàng trăm người dân ở thôn Tùng Giang và nhiều vị khách được mời dự tiệc cưới hôm đó bỗng dưng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Trong đó có nhiều trẻ em.
Nhiều người đã tự mua thuốc về điều trị tại nhà, một số có biểu hiện nặng hơn thì đến thăm khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Các thực khách nghi ngờ rằng nguồn thức ăn được bày biện tại tiệc cưới "có vấn đề" nên mới xảy ra sự việc như vậy.
Chị T. ở xã Quảng Châu - vị khách dự tiệc cưới hôm đó nói chị rất nhiều lần dự đám cưới, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp hi hữu như vậy, bởi cả làng đi dự thì đến 90% đều đau bụng.
Gần đây, xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc liên quan đến tiệc cưới hỏi hay ma chay. Cụ thể, một vụ ngộ độc 11 người tại thị xã Sa Pa sau khi cả làng đi ăn cơm đám ma về, khiến nhiều người lo lắng.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 5/8, tại xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa (Lào Cai), sau khi dự một đám tang trong thôn, 11 người có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải nhập viện điều trị.
Qua điều tra dịch tễ ban đầu, những người đến dự đám tang ăn uống rải rác các bữa cơm từ 11h trưa ngày 4/8 đến tối ngày 5/8, bữa ăn có các món thịt lợn nấu canh (luộc), tiết canh, canh rau bắp cải, rượu trắng, cơm trắng.
Sáng 5/8, 11 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Hiện sức khỏe các bệnh nhân dần ổn định.
Tìm hiểu thêm từ một số người dân địa phương cho thấy, người dân tộc H’Mông có phong tục khi có đám ma, người cùng làng, anh em mang thực phẩm như: Lúa, gạo, thịt, rượu… đến để góp cho chủ nhà làm cỗ, chủ nhà thường mổ lợn, mổ trâu để cúng và tiếp khách.
Việc ăn uống đông người trong nhiều ngày, điều kiện về chế biến thực phẩm không đảm bảo, nguyên liệu được góp từ nhiều người khác nhau, không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, chứa đựng thực phẩm, lại chế biến món tiết canh là nguy cơ cao gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Nguyễn Linh(T/h)