+Aa-
    Zalo

    Nhiều người bỗng dưng trở thành con nợ của các app “đen”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người bỗng dưng bị các app “đen” gọi điện đòi tiền. Nguyên nhân là do họ bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội hoặc chứng minh thư nhân dân...rồi dùng nó để vay tiền tín dụng đen.

    Bỗng dưng bị đòi nợ

    Gần đây, chị Trần Thị L. (Tân Yên, Bắc Giang) nhận được những cuộc gọi từ các số điện thoại lạ tự xưng bên App Bảo Gia yêu cầu chị trả số tiền đã vay. Chị L. hoang mang vì đối tượng này đọc vanh vách số chứng minh nhân dân (CMND), địa chỉ… của chị. 

    “Tôi không cho ai mượn CMND, cũng không mang giấy tờ tùy thân này đi cầm cố vay mượn tiền của ai… Nhưng cách đây 2 năm, tôi có đánh rơi CMND và sau đó phải đi làm lại. Thêm nữa, cuối năm 2019 tài khoản mạng xã hội Facebook của tôi cũng bị hack mất. Có thể người nhặt được giấy tờ của tôi đã ghép ảnh và giữ nguyên thông tin để đi vay mượn tiền từ app trên mạng”, chị L. nhớ lại.

    roi giay to.jpg

    Nhiều kẻ xấu cũng sử dụng các CMND nhặt được hoặc mua lại được, sau đó thay hình để đi vay.

    Chị L. cho biết: “Những ngày sau đó, số điện thoại hôm trước có gọi đến tôi nhưng tôi đã yêu cầu người này phải đến trực tiếp để đối chiếu hình ảnh trên giấy tờ với những thông tin mà người vay tiền cung cấp trước đó. Khi tôi yêu cầu như vậy thì người gọi đòi tiền của tôi nói để xem lại và sau đó thì không liên lạc gì nữa”.

    Một trường hợp khác là chị Đào Thị X. (Sơn Dương – Tuyên Quang), do không hiểu biết nhiều về công nghệ nên đã bị đối tượng xấu chiếm quyền quản trị tài khoản facebook và zalo, lấy thông tin đi vay mượn tiền từ các app “đen”. “Nhiều người thân trong gia đình và bạn bè có nhắn tin hỏi “gia đình có việc gì mà hỏi vay tiền gấp gáp thế”. Tôi bất ngờ vì mình có hỏi vay tiền ai đâu? Chưa hết, có người lạ còn gọi đến nhắc tôi nhớ thanh toán tiền lãi đúng hẹn... Tôi nhờ con trai kiểm tra thì mới biết kẻ xấu đã lấy hình ảnh của tôi rồi dùng để vay tiền trái phép qua app”, chị X. kể lại.

    Thận trọng khi sử dụng mạng xã hội 

    Lợi dụng người tham gia mạng xã hội ngày một nhiều, ngoài việc hack tài khoản Facebook cá nhân để giả danh người thân lừa vay tiền thì chiêu thức quen thuộc của bọn tội phạm là dùng link giả để dụ người dùng vào trang web mạo danh tương tự với trang web của ngân hàng, sau đó chúng đánh cắp thông tin và rút tiền của nạn nhân.

    Nhiều kẻ xấu cũng sử dụng các CMND nhặt được hoặc mua lại được, sau đó thay hình để đi vay và khi đó, người bị mất CMND sẽ phát sinh dư nợ vay.

    hack.jpg

    Tài khoản facebook bị hacker chiếm quyền rồi sử dụng thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Với lời quảng cáo thủ tục cho vay dễ dàng, nhanh chóng, các app “tín dụng đen” vô hình chung đã trở thành điểm ngắm để các đối tượng khác lợi dụng lừa đảo, bằng cách sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ trôi nổi trên mạng mang đi thế chấp cho các khoản vay. Trường hợp của chị L., chị X. chỉ là một vài trường hợp bỗng dưng biến thành con nợ của nạn tín dụng đen qua app.

    Việt Nam hiện được xem là một trong 18 quốc gia phát triển Internet mạnh nhất thế giới. Điều này tạo điều kiện tốt cho người dùng trong các giao dịch không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, qua đây cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro do tội phạm công nghệ cao lợi dụng khe hở bảo mật để lừa đảo.

    Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, tất cả người dân cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn vay tiền qua các ứng dụng hỗ trợ tài chính trực tuyến; tuyệt đối không tin, làm theo hướng dẫn của các đối tượng. 

    Nếu thực sự có nhu cầu về tài chính, người dân nên trực tiếp liên hệ, làm thủ tục hồ sơ vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống hoặc thông qua các mô hình vay vốn ưu đãi ở các đoàn thể địa phương như hội phụ nữ, hội nông dân…

    LÊ VĂN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-nguoi-bong-dung-tro-thanh-con-no-cua-cac-app-den-a519939.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.