Theo bác sĩ khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần sau khi trời trở rét khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhân còn rất trẻ, tuổi từ 13 đến 18 đến khám vì đau tinh hoàn. Các bệnh nhân được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn. Rất tiếc cả 3 trường hợp đều tới bệnh viện rất muộn, dẫn tới tinh hoàn hoại tử, nên bác sĩ đã phải cắt bỏ, theo Dân trí.
Xoắn tinh hoàn (còn gọi là xoắn thừng tinh) là hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó, làm cản trở và tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến thiếu máu và hoại tử tinh hoàn.
Thời tiết lạnh là một yếu tố nguy cơ khiến tinh hoàn dễ bị xoắn hơn. Theo các báo cáo của một số tác giả, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Lý do vì điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, cho biết thêm tình trạng xoắn tinh hoàn khá thường gặp ở độ tuổi 13-21. Bệnh lý này hay gặp khi bệnh nhân ngủ hoặc sáng dậy, chợt tỉnh giấc vì cơn đau đột ngột.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo nam giới khi có bất cứ biểu hiện đau tức tinh hoàn đột ngột, dữ dội, cần nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn. Cơn đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng. Ngoài ra, nếu thấy bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím; tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện; tinh hoàn xoay trục, nằm ngang... kèm biểu hiện nôn, buồn nôn... cần đi khám nam khoa ngay.
"Đây là trường hợp cấp cứu, tinh hoàn bị xoắn trên 6 giờ có thể khiến bệnh nhân mất chức năng và phải cắt bỏ", PGS Quang cảnh báo.
Cụ thể, nếu can thiệp kịp thời trước 6 giờ từ khi có biểu hiện đau, 100% bệnh nhân có thể được cứu tinh hoàn. Trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%. Trong 12-24 giờ, tỷ lệ này chỉ còn 20%. Cuối cùng, với thời gian can thiệp trên 24 giờ, bệnh nhân thường sẽ không cứu được tinh hoàn.
Thực tế, các bác sĩ chuyên khoa nam học tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thời gian qua cũng đã gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc phải cắt bỏ tinh hoàn do khi đến bệnh viện quá thời gian "vàng" cấp cứu.
Điều đáng nói là các bệnh nhân này chủ yếu ở độ tuổi đang phát triển, thường ngại ngùng, sợ bố mẹ mắng nên không nói với gia đình, cố nhịn. Khi gia đình phát hiện đã quá muộn. "Thậm chí, có những trường hợp biết con bị đau từ tối nhưng ngại đêm nên chịu nhịn. Qua đêm khoảng 6-7 giờ, đã qua thời gian 'vàng' mới đi khám", PGS Quang chia sẻ.
Ngoài ra, một số trường hợp đi khám nhưng lại đến cơ sở y tế kém uy tín, bị chẩn đoán sai thành viêm tinh hoàn. Sau điều trị vài ngày không đỡ mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Lúc này, tinh hoàn đã hoại tử, phải cắt bỏ.
Linh Chi(T/h)