Việc người dân ở nhà nhiều hơn để chống dịch Covid-19 cùng với thời tiết nắng nóng ở miền Nam đã khiến hóa đơn tiền điện trong tháng 3 của nhiều hộ gia đình tăng vọt.
Hóa đơn tiền điện tháng 3 đang tăng vọt sau khi nhiều hộ gia đình phải ở nhà tránh dịch - Ảnh: Thanh niên |
Hóa đơn tiền điện khắp nơi tăng vọt
Những ngày này, nhiều người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3. Trong bối cảnh dịch Covid-19, hầu hết người dân phải ở nhà nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng. Từ đó, làm thay đổi bậc tính giá, dẫn đến số tiền phải trả lớn hơn.
Zing.vn đưa tin, gia đình anh Lê Văn Toàn gồm 4 thành viên (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội), sống trong căn hộ 90 m2 thường sử dụng gần 400 kWh điện mỗi tháng. Như vậy, với cách tính giá điện từ bậc 5 (301-400 kWh) trở xuống, số tiền nhà anh trả khoảng 850.000 đồng mỗi tháng.
Song từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 đứa con của anh Toàn nghỉ học ở nhà, vợ chồng cũng làm việc online từ xa khiến chỉ số giá điện tăng cao. Tháng 3, chỉ số điện gia đình anh Toàn dùng tăng 40%, lên tới 560 kWh. Tổng tiền điện thanh toán vọt lên 1,3 triệu đồng (đã tính giá theo bậc cao nhất).
Tương tự, chị Hòa nhận hóa đơn tiền điện là 1,1 triệu đồng, tương ứng mức tiêu thụ 500 kWh, trong khi tháng trước đó là 350 kWh (712.000 đồng).
Chị Lê Thị Hồng (quận 2, TP.HCM) cũng bất ngờ với hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 vì các thành viên ở nhà thường xuyên. Chưa kể, thời tiết Nam bộ tháng 3 vào giai đoạn nắng nóng nhất năm nên nhu cầu dùng điều hòa thường xuyên.
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM), trong tháng 3 vừa qua, lượng tiêu thụ điện của nhóm hộ gia đình tăng 7,51%. Trong khi đó, nhóm sản xuất và kinh doanh dịch vụ giảm lần lượt 7,3% và 2,75%.
Tương tự, Điện lực Hà Nội cho biết lượng điện sản xuất giảm xuống, nhưng điện sinh hoạt tăng lên. Tổng sản lượng điện thương phẩm quý I tại Hà Nội đạt 4.128,56 triệu kWh, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2019.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong quý I, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 49,4 tỷ kWh, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hóa đơn điện tăng vọt là có tính quy luật
Trong khi đó chia sẻ với Thanh niên, đại diện EVNHCM cho biết, vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.
Dự báo trước tình hình hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng cao mùa nắng nóng, nên bên cạnh việc tuyên truyền, Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Đồng thời tổng công ty cam kết, kể cả trong thời gian thực hiện “giãn cách xã hội” hiện nay, Tổng công ty luôn bố trí đủ nhân lực và phương tiện để kiểm tra, phúc tra, đối soát và có giải đáp thỏa đáng cho khách hàng nếu có những thắc mắc về hóa đơn điện, dịch vụ điện…
Mẹo tiết kiệm điện trong khi chờ giảm giá
Liên quan đến mong muốn được giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của khách hàng, theo EVN đã có báo cáo, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra với bộ Công Thương và Chính phủ. Bộ Công thương đã chính thức đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ngày 9/4), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP, trong đó giao cho bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của bộ Công Thương tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 1/4.
Như vậy, đến nay, chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, ngành điện phải thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.
Trong khi chờ phê duyệt điều chỉnh giảm giá điện, EVNHCM cũng chia sẻ về việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Theo đó, tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên. Điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay, vì ánh mặt trời có khả năng diệt khuẩn rất tốt và sự thông thoáng giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn lây bệnh nếu có.
Quỳnh Chi(T/h)