Thủ tướng đã giao bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Năng Toàn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng - Sài Gòn, ngay sau Lễ phát lệnh làm hàng đầu xuân Canh Tý 2020, tại cửa khẩu cảng biển lớn nhất cả nước đã có 55 chuyến tàu cập cảng Tân Cảng – Cát Lái với sản lượng 36.379 conrtainer (tương đương 54.569 Teu).
Container hàng đầu tiên là lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Saigon Food được chở trên tàu WANHAI 231 chuyến S313 với chiều dài 191m, trọng tải 21.052 tấn, từ cảng Tân Cảng - Cát Lái đến cập cảng PORT KELANG (Malaysia).
Ngoài ra trên tàu hàng hoá của hơn 139 doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) của TP.HCM chủ yếu là các mặt hàng về nông sản và may mặc đến các cảng như Hong Kong, Nhật Bản và Đài Loan.
Năm 2019, số thu thuế XNK qua cảng Cát Lái đạt trên 72.500 tỷ đồng, tương đương 18,6% tổng thu ngân sách của TP.HCMnăm 2019.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tú, Chi cục phó Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết, đến hết chiều 26/1 (tức Mồng 2 Tết), tại đây đã làm thủ tục cho 11 bộ tờ khai hải quan và xuất khẩu hơn 1.300 tấn nông sản sang Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều cơ sở để kỳ vọng xuất khẩu năm 2020 vượt 300 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Tổng giá trị hàng hóa XNK trên 20 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD). Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu là thanh long, mít, dưa hấu, xoài, chôm chôm từ các tỉnh miền trung và miền Nam đưa ra.
Được biết, năm 2019, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 tỷ USD; xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,94 tỷ USD.
Mức tăng kim ngạch xuất khẩu cả nước so với năm 2018 là 8,1% đã vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Điều đáng mừng nữa là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn so với khối doanh nghiệp FDI; đạt 82,1 tỷ USD, tăng 17,7%; cao hơn 4 lần so với khối doanh nghiệp FDI (4,2%).
Năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD). Đây là những con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Nối tiếp đà thành công đó, Thủ tướng đã giao bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD.
Theo chuyên gia thương mại PGS.TS Phạm Tất Thắng, Việt Nam có nhiều cơ sở để có thể tin tưởng khả năng đạt được mục tiêu xuất khẩu nêu trên bởi lẽ không phải chỉ có ngành xuất khẩu và những người sản xuất những mặt hàng xuất khẩu cố gắng mà nhìn rộng ra có thể thấy có sự hỗ trợ đắc lực của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác cho hoạt động xuất khẩu.
Sau nhiều năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và GDP trên đầu người đã chạm mốc 3.000 USD/người và nhờ xuất siêu 11 tỷ USD nên dự trữ ngoại tệ Việt Nam cán mốc 80 tỷ USD. Cùng với đó, hàng loạt hiệp định thương mại tư do đã có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn.
Vũ Đậu(T/h)