(ĐS&PL) Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng cùng những tác động kém tích cực khác từ kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Số liệu thông kế cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 5 của cả nước đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,71 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,79 tỷ USD, tăng 5,8%. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 tăng 7,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 10,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%.
Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 5 có kim ngạch tăng so với tháng trước là dầu thô tăng 62,5%; giày dép tăng 20,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,6%; dệt may tăng 11%…Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 30,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,404 tỷ USD, tăng 4,7%, chiếm 69,9% (tỷ trọng giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Mặc dù xuất khẩu 5 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng có xu hướng tăng dần qua các tháng. Cụ thể, 2 tháng tăng 4,2%, 3 tháng tăng 5,3%, 4 tháng tăng 6,5% và 5 tháng tăng 6,7%. Đáng lưu ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nới rộng khoảng cách tăng trưởng so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Trong khi, giá trị nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công hàng xuất khẩu với tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu qua 5 tháng chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm tới 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam) với 19 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.
Điều này là một tín hiệu tích cực, nếu xét trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu suy giảm so với cùng kỳ, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm như Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore hoặc tăng nhẹ như Trung Quốc tăng 1,4%. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thương mại toàn cầu, nhất là sự leo thang về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7-8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8-10%. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.
Trong bối cảnh đó theo các chuyên gia, Bộ Công Thương cần tiếp tục có khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế cũng như quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ các cửa khẩu tránh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.Bộ sẽ tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như: trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…
Ngoài ra, Bộ cũng tập trung triển khai các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập một cách hiệu quả và bền vững hơn nhằm tăng cường sự tận dụng cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Một trong các giải pháp quan trọng nữa là cần có khung chính sách hiệu quả để kích thích việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Song song với việc triển khai giải pháp toàn diện thu hút sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương nhằm định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365