Tất cả các chuyến bay đã bị hoãn tại sân bay Stansted ở London, Anh vào tối 11/12, sau khi tuyết rơi dày phủ kín đường băng. Tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều sân bay khác. Sân bay Manchester tạm thời đóng cửa để dọn tuyết. Hơn 50 chuyến bay đã bị hủy tại sân bay Heathrow ở London do sương mù. Hơn 30 chuyến bay tại sân bay Gatwick bị hoãn hoặc chuyển hướng do tuyết rơi.
Ngày 12/12, hàng chục trường học cũng phải đóng cửa tại Cornwall và Gloucestershire vì đường trơn trượt do tuyết sẽ gây nguy hiểm cho giáo viên và học sinh.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát kêu gọi mọi người không đi du lịch, sau khi hai đường cao tốc bị đóng cửa và các vụ tai nạn được ghi nhận. Chỉ riêng ở Cornwall đã có hơn 300 sự cố xảy ra trên đường vào cuối tuần qua.
Các chuyến tàu cũng bị gián đoạn tại Gatwick Express, Thameslink, Đường sắt phía Nam và Tây Nam, tất cả đều đang đối mặt với sự chậm trễ, hủy chuyến hoặc thay đổi hành trình.
Tại Xứ Wales, xe cứu thương bị quá tải do có nhiều cuộc gọi trong suốt hai ngày cuối tuần qua. Cụ thể, trong ngày 10-12, tổng đài khẩn cấp 999 nhận được hơn 2.000 cuộc gọi, tăng 17% so với tuần trước; tổng đài 111 của Dịch vụ Y tế (NHS) Xứ Wales nhận hơn 10.000 cuộc gọi, cao nhất từ trước tới nay
Cơ quan dự báo thời tiết cho biết ở một số khu vực, nhiệt độ vẫn dưới 0 độ C trong cả hai ngày 11, 12/12. Tại một số nơi như Marham ở Norfolk, nhiệt độ giảm xuống -8,6 độ C. Tuyết dày từ 2cm đến tối đa 10cm. Nhiệt độ lạnh, sương mù và mưa rào sẽ diễn ra trong suốt tuần này.
Là một sáng kiến của tổ chức Chiến dịch Hơi ấm Chào đón, hàng nghìn không gian công cộng có lò sưởi đã được mở cửa cho những người muốn tìm đến hơi ấm trong mùa đông giá lạnh. Thậm chí một số địa điểm còn cung cấp trà miễn phí và không gian để làm việc.
Theo dự báo của Văn phòng Khí tượng Anh, nền nhiệt tại Anh và khu vực Bắc Âu trong tháng 11/2022, tháng 12/2022 và tháng 1/2023 sẽ vào khoảng từ -3 đến -4 độ C, thấp hơn mức trung bình trong 5 năm gần đây. Cùng với đó, thời tiết sẽ khô hơn và giảm khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn trong 3 tháng này.
Số liệu từ tổ chức End Fuel Poverty Coalition cho biết, khoảng 16,4 triệu người ở Anh sẽ không đủ khả năng sưởi ấm trong mùa đông này.
Hàng năm, mùa đông là thời điểm nhu cầu sử dụng năng lượng cao nhất trên khắp lục địa, bởi thời tiết giá lạnh khiến người dân phải dùng hệ thống sưởi, thậm chí phải dùng liên tục 24/24 giờ.
Tuy nhiên chi phí năng lượng và lạm phát - vốn leo thang kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc - đã tăng vọt kể từ khi Vương quốc Anh quyết định cắt đứt nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào đầu năm nay. Nhiều nước EU cũng hứng chịu tình cảnh tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn khối hướng tới sự sụp đổ năng lượng toàn cầu.
Ở góc độ tích cực, giới chuyên gia nhìn nhận, việc châu Âu phải trải qua những ngày tháng cực khổ vì khủng hoảng năng lượng có thể sẽ trở thành một điều kiện cần thiết để châu lục lớn mạnh hơn. Cụ thể là việc phải cắt đứt hoàn toàn cảnh sống thụ động, phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài để thúc đẩy mạnh mẽ nhất các nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng và đặc biệt là làm chủ “nguồn sống” của chính mình.
Mộc Miên (Theo Telegraph)