Cơ quan quản lý hải sản Nhật Bản ngày 26/7 thông báo không phát hiện dấu vết tritium trong các mẫu cá bắt từ vùng nước xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima một ngày trước đó.
Trong thông báo, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản (JFA) nói rằng hàm lượng đồng vị phóng xạ tritium trong cá bắt được gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima thấp đến mức khó có thể phát hiện, theo hãng Kyodo News.
Các mẫu cá, gồm một con cá chào mào và một con cá bơn olive, được thu thập hôm 25/8 trong phạm vi 5 km tính từ cửa xả của khu phức hợp Fukushima số 1.
Mẫu cá được thu thập một ngày sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Số nước thải này được dùng để làm nguội nhiên liệu hạt nhân tan chảy tại nhà máy nhưng đã qua xử lý để loại bỏ hầu hết hạt nhân phóng xạ, ngoại trừ tritium.
Lượng tritium còn lại được pha loãng đến 1/40 của ngưỡng nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi thải ra Thái Bình Dương.
Nước thải cuối cùng được xả thông qua đường hầm dưới nước cách 1km so với nhà máy điện hạt nhân ven biển, nơi từng chịu trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3/2011.
Cơ quan thủy sản Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục lấy mẫu cá hàng ngày để phân tích và cung cấp thông tin cập nhật về kết quả xét nghiệm trong khoảng một tháng.
Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã thu thập các mẫu nước biển trong phạm vi khoảng 50km quanh nhà máy và dự kiến công bố kết quả sớm nhất là vào ngày 27/8.
Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ bắt cá, xét nghiệm dấu vết phóng xạ và công bố kết quả hàng ngày, trong bối cảnh ngư dân Nhật Bản và các nước láng giềng phản đối quyết định xả nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương.
Ngày 24/8, Nhật Bản bắt đầu xả ra biển hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nơi bị ảnh hưởng từ thảm họa động đất-sóng thần năm 2011.
Nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý được loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ trừ tritium, đồng vị của hydro khó tách khỏi nước. Lượng nước này được chứa trong rất nhiều bể lớn tại khu vực nhà máy nhưng đến nay đã hết chỗ chứa. Tokyo khẳng định việc xả nước là an toàn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, đã bật đèn xanh cho kế hoạch này vào tháng 7.
Ngày 25/8, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima nói rằng hàm lượng phóng xạ tritium trong nước biển thấp hơn rất nhiều so với mức giới hạn, theo tờ The Japan Times.
Cụ thể, kết quả khảo sát của Tepco tại 10 địa điểm gần nơi nước nhiễm xạ đã xử lý được xả ra ở Thái Bình Dương cho thấy hàm lượng tritium trong nước biển là 10 becquerel/lít, rất thấp so với ngưỡng 700 becquerel/lít do công ty đặt ra và mức 10.000 becquerel trong nước uống do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.
Bộ Môi trường Nhật Bản cũng thu thập mẫu nước biển trong khu vực bán kính 50 km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima và sẽ công bố kết quả sớm nhất vào ngày 27/8.
Việc xả nước thải hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản, trong khi Hàn Quốc đề nghị việc xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý phải minh bạch.
Một bộ phận ngư dân, các nhà hoạt động và người tiêu dùng ở Nhật Bản tỏ ra không hài lòng vì lo ngại về môi trường và tác động tới danh tiếng của hải sản xứ Mặt Trời mọc.
Như Quỳnh(T/h)