Thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, theo BS. Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp mắc thủy đậu bị biến chứng do chữa bằng phương pháp dân gian.
Bệnh nhân là nam giới 33 tuổi, ở TP.HCM, ban đầu bệnh nhân bị sốt, sau đó trên tay và mặt bệnh nhân bắt đầu nổi các mụn nước. Gia đình thấy giống bệnh trái rạ (thủy đậu) đã ra ngoại thành xin gốc rạ đem về đốt thành tro, rồi bôi lên các mụn nước.
Sở dĩ làm như vậy vì người nhà bệnh nhân nghe đồn rằng khi bị bệnh trái rạ phải bôi tro của gốc rạ mới mau khỏi. Kết quả, các đốm mụn nước vỡ ra, chảy mủ xanh, đau rát...
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị thủy đậu bội nhiễm. Dù đã được xử trí nhưng trên mặt bệnh nhân vẫn để lại các vết sẹo rỗ rất sâu, gây mất thẩm mỹ.
VnExpress thông tin, thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh, tiếp xúc trực tiếp quần áo, chăn gối của bệnh nhân, chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
Bệnh có nhiều biến chứng như viêm phổi, não, điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động. Thời gian lây bệnh kéo dài, từ trước khi nổi ban đỏ một đến hai ngày đến lúc các bọng nước đóng vảy.
Những quan niệm sai lầm cấn tránh để chữa thủy đậu nhanh khỏi
Bị thủy đậu cần kiêng nước kiêng tắm?
Nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió, nên không tắm. Tuy nhiên, người mắc thủy đậu nên được vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng nặng hơn. Nên vệ sinh mắt mũi, răng miệng hàng ngày từ hai đến ba lần bằng nước muối 0,9%.
Tắm bằng nước ấm đun sôi để nguội, hạn chế dùng xà phòng để tránh gây viêm nhiễm khi chất này đọng lại ở các nốt bong tróc. Mặc quần áo thoáng mát, sau đó bôi xanh methylen để sát khuẩn.
Bị thủy đậu cần kiêng gió?
Việc kiêng gió hay đi ra ngoài cũng vậy, không có khuyến cáo về mặt y khoa cho việc kiêng cữ này. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu mắc bệnh nên cách ly không cho trẻ ra ngoài để hạn chế bệnh lây lan, thông tin từ website Trạm y tế phường Linh Tây.
Bị thủy đậu nên kiêng thức ăn có mùi tanh
Nhiều phụ huynh đến khám còn cho biết họ nghe nói trẻ bị thủy đậu cần kiêng ăn thức ăn có mùi tanh như: trứng, tôm, cá, thịt vịt, thịt gà… cho rằng ăn sẽ khiến trẻ bị ngứa. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì khi bệnh, việc ăn uống cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng với các thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, C và kẽm… để nâng cao hệ miễn dịch.
Nổi ban nhiều sẽ nhanh khỏi
Nếu cha mẹ có quan niệm trẻ mọc càng nhiều và nhanh nốt ban, phỏng nước thì bệnh sẽ khỏi nhanh… là quan niệm sai lầm thường gặp. Thực tế cho thấy nốt phỏng nước nổi càng ít càng tốt và cần điều trị sớm để tránh nổi thêm.
Tắm nước lá chè xanh, lá bàng
Không nên tắm nước lá cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, cũng như việc uống thuốc chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Vì da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc da chưa ổn định, chỉ bằng 1/5 so với da người lớn, nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
Ngay cả lá bàng, lá chè xanh mà các bậc cha mẹ thường hay sử dụng để tắm cho trẻ bị bệnh thủy đậu cũng không hề tốt, có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, vì trong 2 loại lá này có chất tanin (chất chát) dễ làm cho da của trẻ bị tổn thương.
Biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine thủy đậu. Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Các bác sĩ chủ yếu giảm nhẹ triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.
Nguyễn Linh(T/h)