(ĐSPL) - Quá trình thâm nhập điều tra loạt bài này, chúng tôi phát hiện ra nhiều doanh nghiệp làm công việc nhập khẩu trang thiết bị y tế có dấu hiệu "dây mơ, rễ má" với cán bộ có thẩm quyền quyết định trong việc ký giấy nhập khẩu trang thiết bị y tế.
Thâm nhập vào thế giới này, có một sự thật được chính "người trong cuộc" phơi bày là thiếu sự cạnh tranh lành mạnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị chuyên nhập khẩu trang thiết bị y tế chuẩn chỉ, họ rất "kiềng" những đơn vị nhập khẩu được cho là "sân sau", là "người nhà" của "người trong ngành". Thực tế là như thế nào?
Doanh nghiệp này là "sân sau" của người có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế? |
Thực hư chuyện bắt tay cùng có lợi
Quá trình tìm hiểu tư liệu làm loạt điều tra này, chúng tôi được người trong giới chuyên về thiết bị y tế kể cho nhiều chuyện "khủng". Anh An dẫn chúng tôi làm quen với một người tên Tuấn "âu", với điều kiện không được nói là PV báo mà đóng vai doanh nghiệp muốn "nhảy" sang lĩnh vực nhập khẩu thiết bị y tế. Anh An không giới thiệu về Tuấn "âu" trước, mà chỉ dặn: "Nghe cuộc trò chuyện, không được hỏi, sẽ biết Tuấn "âu" "khủng" trong nghề này thế nào". Tuấn "âu" là người kiệm lời, nhìn bụi bặm, có vẻ ngoài đầy bí hiểm. Tuấn "âu" hỏi anh An: "Bác định quay lại nghiệp cũ à? Giờ không dễ kiếm như trước đâu". Anh An nói: "Tôi an phận rồi, dẫn người quen đến nhờ chú giúp. Chú xem bố trí cho em nó "kênh 4,5".
Theo giải thích của anh An, "kênh 1,2" là những gói thiết bị y tế cực lợi nhuận, chỉ có thân quen mới có được giấy phép nhập khẩu nó. "Kênh 3" là những loại thiết bị y tế cho những đợt dịch, nhập theo cơ chế đặc thù, lợi nhuận nhiều nhưng thực chất ít có cơ hội. "Kênh 4" là nhập mới, có thể nhập nhèm nhãn mác đôi chút, kiểu hàng "xịn", hàng nhái. "Kênh 5" là nhập mới bán mới, chỉ lãi tiền chênh. “Mới vào nghề, phải làm thật, ăn ít mới gây dựng tiếng tăm được chứ", anh An bảo. Tuấn “âu” gật gù nói: "Bác cũng từng "hô mưa gọi gió" trong lĩnh vực này vài năm, chắc bác hiểu hơn em. Mang tiếng là "thân quen", năm 2014 này, em chẳng "nhằn" được "miếng" nào hết”.
Các hạng mục thiết bị y tế. |
Sau một hồi "đả thông kinh mạch", Tuấn "âu" phân trần: "Bác thừa biết, có hợp đồng cung ứng thiết bị xin nhập đơn giản mà. Doanh nghiệp mình không đủ năng lực, thuê doanh nghiệp khác đủ tiêu chí, làm hồ sơ xin cấp giấy phép, lợi nhuận chia nhau. Giờ chưa có hợp đồng cung ứng, chẳng ai dám nhập khẩu đâu. Nhập về không bán được để chết à? Bác có hợp đồng cung ứng chưa? Em lo những thủ tục khác cho...?!".
Tuấn "âu" tiết lộ: “Ví dụ công ty M.D nó được hẳn cơ chế đặc thù, ký giấy cho nhập trước, cho vào biên bản tư vấn sau còn gì. Rồi "thằng" V.A, "thằng" V.Đ, "thằng" H.N, "thằng" B.T… cũng "ẵm" giấy nhập khẩu sau khi có được đơn hàng nhiều chục tỉ đồng đó sao?". Anh An hỏi: "Chú là "sau ruột" (tức doanh nghiệp "sân sau" đầu tiên, được "người có tâm huyết" dồn nhiều công sức gây dựng lên - PV), sao lại bất mãn thế? Anh chú còn nhiều "sau gần ruột" nữa à?". “Em chỉ được thông báo là, hiện đang bị "soi", cứ từ từ đã, rồi tính. Cả năm nay, em nhập có hai lô, trị giá hợp đồng chỉ đôi tỉ, toàn là những hợp đồng nhận thầu dưới 400 triệu đồng. Những gói thầu lớn vài tỉ, chục tỉ như trước đây, giờ có mà mơ còn có và nếu có thì là bao nhiêu doanh nghiệp "sân sau" thì em cũng chịu", Tuấn “âu” kể khổ.
Video tham khảo:
Hé lộ nhiều kẽ hở trong đấu thầu thiết bị bệnh viện
Muốn "lách" thì phải làm gì?
Quá trình tìm hiểu để viết loạt bài này, chúng tôi phát hiện ra một thực tế là có chuyện, doanh nghiệp đem thiết bị y tế về đến cửa khẩu rồi mới tìm cách "xoay" giấy phép nhập khẩu để hợp thức hoá lô hàng? Chuyện này đã được Tuấn "âu" thừa nhận với chính hoạt động của doanh nghiệp anh ta rằng: "Có hợp đồng cung ứng trong tay rồi, đang làm thủ tục xin cấp phép, hội đồng tư vấn chưa kịp họp, "hàng" đã về đến Việt Nam, đành phải "ép" xin giấy phép chứ biết làm thế nào".
Tôi hỏi anh An: "Có chuyện như Tuấn "âu" nói thật à?". Anh An cười mà rằng: "Bình thường, doanh nghiệp không tự nhập bao giờ, phải có "nguồn" là đơn đặt hàng thì mới nhập. Nhiều khi, có đơn đặt hàng, đến thời hạn giao hàng mà chưa có giấy phép nhập khẩu, doanh nghiệp phải đi thuê tư cách pháp nhân để nhập. Còn chuyện "ép" thì phải là chủ doanh nghiệp "tầm cỡ" mới làm được việc đó. Nói là "ép" cho sang miệng chứ đôi bên cùng có lợi cả thôi".
Sau đó, anh An đưa ra dẫn chứng, năm 2013, doanh nghiệp Đ.T nhận được gói thầu cung ứng thiết bị y tế khá "độc" liên quan đến tim, mạch vành... Đây là thiết bị mang tính độc quyền cao của nhà sản xuất. Nó có những mã giá rất cụ thể. Vì đã làm ăn với nhau lâu, chỉ có Đ.T mới nhập hàng được của hãng này. Và Đ.T cũng đã có trong tay hợp đồng cung ứng thiết bị này với đối tác trong nước. Thời hạn giao hàng đã đến mà giấy phép nhập khẩu của Đ.T lại hết hạn, nếu làm hồ sơ xin cấp mới, theo đúng quy trình thì không kịp thời hạn giao hàng nên Đ.T đành phải thuê tư cách pháp nhân của doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn hạn. Tất nhiên, giữa họ phải làm hợp đồng liên doanh, hợp tác và chia sẻ lợi nhuận để hợp lý giấy tờ là nguồn cung từ Đ.T cho đối tác.
Từ những phản ánh qua loạt bài viết "Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu TBYT cũ thành mới và những bộ hồ sơ ma", những công ty và doanh nghiệp được nêu trong bài phản ánh đã bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Tại báo cáo mới nhất của Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế đã có những kết luận kịp thời. Cụ thể với những sai phạm từ công ty TNHH Bình Mai có cùng một giấy phép nhưng được cấp vào hai thời điểm khác nhau. Qua thanh kiểm tra, Bộ Y tế tạm kết luận, việc cấp giấy phép cho công ty này là đúng quy trình. Nếu có hành vi gian dối như trên, có thể khẳng định đây là hành vi gian lận thương mại, giả mạo giấy phép của Cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo sở Y tế Hà Nội thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh việc quản lý, sử dụng máy xét nghiệm sinh hoá Greiner tại các bệnh viện: Đa khoa Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên, Vân Đình, Quốc Oai...
Liên quan đến vấn đề xuất toán cho hợp đồng lô thiết bị y tế tại bệnh viện Thể thao Việt Nam như báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải trong loạt bài nói trên, ồng Vương Bích Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể thao cho rằng: Phần xuất toán thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm làm việc với nhà thầu để yêu cầu họ xuất toán. Trong trường hợp còn những vấn đề chưa xử lý được thì chắc chắn phải mời cơ quan chức năng vào giải quyết.
Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế trao đổi với PV: “Ngay sau khi có sự việc liên quan đến công ty Bio-Rad Laboratories của Mỹ chi "hoa hồng" 2,2 triệu USD do báo chí phản ánh tại Việt Nam, chúng tôi đã có văn bản gửi các bệnh viện, sở Y tế, đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế tình hình mua sắm các sản phẩm do công ty Bio-Rad cung ứng. Theo báo cáo đến ngày 17/11/2014, có 52 đơn vị đã mua sản phẩm của công ty Bio-Rad Laboratories, trong đó: Có 22 bệnh viện; 08 Viện; 04 trường đại học Y, Dược; 03 ban Quản lý dự án và 15 sở Y tế. Đối với việc thanh kiểm tra các thiết bị y tế đang sử dụng tại các bệnh viện, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra để phát hiện các sai phạm trong đấu thầu cũng như về những thông tin liên quan đến niên hạn của các trang thiết bị y tế đang sử dụng. Hiện các bộ phận đang tổng hợp báo cáo” - ông Chính cho biết thêm. Liên quan đến trường hợp lô thiết bị y tế nằm "đắp chiếu" tại bệnh viện Thể thao Việt Nam, ông Chính khẳng định: Bệnh viện Thể thao Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc mua bán thiết bị, hay đấu thầu thuộc về cơ quan chủ quản nói trên. |