Ông Chris Hopson, giám đốc điều hành Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, tại một bệnh viện, 40 nữ hộ sinh đã từ chối tiêm, làm dấy lên lo ngại rằng khoa sản ở đây có thể phải đóng cửa.
Ông Hopson cho biết: “Các nhà lãnh đạo nhận thức sâu sắc rằng, từ tháng 4 trở đi, khi việc tiêm vaccine sẽ trở thành bắt buộc, các quyết định không tiêm chủng của nhân viên - trong những trường hợp cực đoan - dẫn đến dịch vụ y tế tại bệnh viện có nguy cơ bị đình trệ”.
Việc nữ hộ sinh không chịu việc tiêm đã đặt ra một thách thức đặc biệt, dẫn tới thiếu hụt nữ hộ sinh. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh ước tính rằng các dịch vụ thai sản cần thêm 2.000 nữ hộ sinh toàn thời gian.
Bộ trưởng Y tế Sajid Javid: “Trước đó, có khoảng 94.000 nhân viên NHS chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, con số trên đã giảm xuống 55.000 kể từ khi yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine được thông qua”.
Chính phủ Anh đã thông báo về việc áp dụng quy định bắt buộc tiêm chủng vaccine COVID-19 vào tháng 9, và ngày 1/4/2022 là thời hạn chót để tiêm chủng với các nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ làm nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong bệnh viện.
Trong bối cảnh COVID-19 đã được liệt vào danh sách 10 dịch bệnh chết chóc nhất trong lịch sử, tới nay gần 24 quốc gia đã ra quy định tiêm chủng bắt buộc ở các mức độ khác nhau:
- Bắt buộc với người trưởng thành: Indonesia, Micronesia và Turkmenistan.
- Bắt buộc với nhân viên chính phủ, người lao động khối công và tư: Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Ai Cập, Fiji, Hungary, Ý, Latvia, Nga, Saudi Arabia, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Mỹ.
- Bắt buộc với nhân viên y tế: Úc, Anh, Pháp, Hy Lạp, New Zealand.
- Bắt buộc với các lao động khác: Bang Tây Úc, Trung Quốc, Philippines, Kazakhstan.
Mộc Miên (Theo Guardian)