Trong những ngày gần đây, mặc dù chính phủ đã tăng tốc triển khai một đợt tiêm vắc-xin có tên Operation Surge Capacity, giúp giảm bớt sự căng thẳng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia, song các nhân viên y tế tuyến đầu vẫn phải gánh chịu áp lực lớn. Một số người thậm chí đã bỏ việc.
Hai tháng vừa rồi đặc biệt ảm đạm với Malaysia: một đợt bùng phát các ca nhiễm COVID-19 do biến thể Delta, kéo theo tổng số ca tử vong nhiều hơn gấp ba lần kể từ ngày 18/6 (từ 4.276 người tới 13.302 người). Hôm 16/8, ghi nhận tới 22.242 trường hợp mới nhiễm mới chỉ trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,46 triệu.
Tuy nhiên, tuần trước, Tổng thư ký Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết số ca nhập viện ở những nơi đông dân cư như Kuala Lumpur và Putrajaya đang giảm dần sau đợt tiêm chủng.
Một quan chức cho biết Bệnh viện Tengku Ampuan Rahimah ở Klang, nơi trước đó được báo cáo là quá công suất, đã chứng kiến tỷ lệ nhập viện giảm 50% kể từ tuần trước.
Tuy nhiên, với số ca nhiễm mới theo ngày vẫn ở mức cao kỷ lục, các bác sỹ Malaysia cho biết họ đang kiệt sức, không thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” suốt thời gian dài và mỗi ngày đều phải đưa ra quyết định về sự sống và cái chết của bệnh nhân.
"Kiệt sức về cả tinh thần và thể chất"
Bác sĩ Raja, người không muốn công bố tên thật của cô ấy và bệnh viện mà cô ấy đang chia sẻ với tờ This Week in Asia rằng, tình trạng đau đớn của bệnh nhân đã khiến nhiều người trong số họ "kiệt quệ về cả tinh thần và thể chất".
Họ cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm vì đã thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Trước đó hôm 16/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin chính thức tuyên bố từ chức và diễn biến mới nhất này trên chính trường đã gây khó khăn hơn nữa cho nỗ lực phục hồi kinh tế và dập tắt dịch bệnh.
Vào tháng 7, có tới 8.000 bác sĩ làm việc quá sức đã tổ chức các cuộc tuần hành, sau khi các khiếu nại của họ về tình trạng mất an toàn việc làm không được chính phủ giải quyết.
Các bác sỹ hợp đồng tại Malaysia làm việc theo một hệ thống được ban hành vào năm 2016 để giải quyết tình trạng thừa nhân viên y tế ở thời điểm đó. Họ được yêu cầu phải làm việc trong 5 năm mà không có bất cứ sự đảm bảo nào về việc gia hạn hợp đồng.
Raja cho biết trải nghiệm hàng ngày của họ giống với lời kể của các bác sĩ ở Ấn Độ trong đợt bùng phát dịch bệnh hồi tháng 5. Trên thực tế, quy mô tàn phá là tương tự nếu so sánh trên cơ sở dân số tương đối.
Tính riêng trong tuần này, số ca mắc theo ngày tính bình quân trên 1 triệu người tại Malaysia là 637,81 và số ca tử vong theo ngày trên 1 triệu người là 8,45. Tại Ấn Độ các con số này trong đợt đỉnh dịch vào tháng 5 lần lượt là 283,50 và 3,04.
Trong số rất nhiều lựa chọn khó khăn mà các bác sĩ phải đưa ra là có nên đưa bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào máy thở hay không. Càng khó khăn hơn khi phải đối mặt với tình trạng quá tải của bệnh viện và tình trạng thiếu trang thiết bị.
Bác sĩ cho biết: “Nếu có sẵn máy thở hoặc thuốc thích hợp, chúng tôi sẽ quyết định ngay lập tức. Nhưng trong một số trường hợp bác sỹ phải tính toán xem liệu tình trạng của bệnh nhân chuyển biến nặng đến mức phải dùng máy thở hay không. Trong tình huống như vậy, chúng tôi phải cân nhắc để dành ưu tiên cho những người khác”.
Tìm giường bệnh
Michelle Ng Mei Sze, một nữ dân biểu ở bang Selangor giàu có, hồi đầu tháng 8 đã kể lại kinh nghiệm khó khăn của nhóm cô khi cố gắng điều trị y tế cho một người dân sau khi nhiều bệnh viện từ chối họ.
Trong một bài đăng trên Facebook, cô ấy nói rằng cô ấy đã nhận được một cuộc gọi vào đêm muộn từ một người đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho một người hàng xóm đang tắt thở, nôn mửa và "cảm thấy muốn chết". Những người điều hành đường dây điện thoại khẩn cấp nói với người hàng xóm rằng có một hàng dài người đang chờ xe cấp cứu.
Bệnh nhân chỉ nhập viện được sau cả đêm gọi điện hỏi thăm xem có cơ sở nào còn giường hay không.
Michelle Ng Mei Sze nói rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính phủ đã nới lỏng hạn chế chống dịch tại những khu vực có số ca bệnh giảm.
Một số tài khoản đã đăng trên mạng xã hội về những người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giường bệnh hoặc bệnh nhân COVID-19 suy sụp và tử vong tại nhà sau khi được các bác sĩ yêu cầu phục hồi sức khỏe tại nhà vì họ được coi là không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ.
Các quan chức Bộ Y tế đã dự đoán mức đỉnh điểm của các ca nhiễm là vào giữa tháng 9 khi số ca ghi nhận hàng ngày có thể đạt 24.000.
'Quá muộn'
Tiến sĩ Khoo Yoong Khean, một nhà quản lý chăm sóc sức khỏe và biên tập viên của Malaysia Medical Gazette , cho biết đợt tiêm chủng thành công của đất nước - 53% trong số 33 triệu người của đất nước đã được tiêm ít nhất một liều - mang lại hy vọng cho cộng đồng y tế rằng có một cách thoát khỏi khủng hoảng.
“Tuy nhiên, chỉ tiêm chủng sẽ không đủ”, ông Khoo Yoong Khean cảnh báo. “Chúng ta vẫn cần liên tục mở rộng năng lực chăm sóc sức khỏe. Chúng ta vẫn cần tăng cường năng lực y tế, cần phải lên kế hoạch cẩn thận về cách phân bổ và sử dụng các nguồn lực bởi như những gì chúng ta đang chứng kiến, dịch bệnh đã vắt kiệt cả tinh thần và sức khỏe của người dân”.
Việc cứu trợ có thể đến vào tháng 10, khi dịch bệnh dịu đi và tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện và sẵn sàng đều được tiêm chủng đầy đủ. “Nhưng tôi lo lắng là sẽ quá muộn”, ông Khoo nói.
Đối với bác sĩ Raja, người vẫn tiếp tục làm việc không ngừng trong ca 12 giờ, khi được đề nghị mô tả trải nghiệm của mình như thế nào trong cuộc khủng hoảng này của Malaysia, cô ấy trả lời: “Tôi thậm chí không thể nghĩ thêm được nữa. Tôi không còn không gian để suy nghĩ ”.
Mộc Miên (Theo SCMP)