(ĐSPL) – Trước những sai phạm của một số nhân viên đường sắt trên tuyến tàu Hà Nội – Thái Nguyên vừa được báo Đời sống và Pháp luật phản ánh, lãnh đạo ngành này khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc, sai đến đâu phải xử lý đến đó.
Sau loạt bài phản ánh về một số sai phạm của các nhân viên đường sắt trên tuyến tàu Hà Nội – Thái Nguyên, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức lên tiếng khẳng định sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, nhân viên sai đến đâu thì phải xử lý đến đó.
Trước những tồn tại, ngành đường sắt vô cùng xấu hổ!
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho biết: “Với những tồn tại còn xuất hiện ở ngành đường sắt như hiện này, chúng tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Chính tôi cũng đã từng đi kiểm tra và cảm thấy rất bực bội về những điều “chướng tai gai mắt” còn tồn tại trong ngành. Bản thân là người đứng đầu ngành mà chứng kiến những sự việc như thế, lại chưa thể giải quyết triệt để ngay, bản thân tôi cũng thấy vô cùng đau xót và xấu hổ”.
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. |
Cũng theo thông tin mà ông Thành cung cấp, thì mỗi ngày trên các tuyến đường sắt như Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn…, ngành đường sắt phải bù lỗ với một khoản khổng lồ, khoảng 20-30 triệu đồng/ngày.
“Năm ngoái đã có đề xuất cho dừng hoạt động kinh doanh trên chuyến tàu Hà Nội – Thái Nguyên, nhưng chính tôi đã bác bỏ đề xuất đó. Bởi những hành khách đi trên tuyến tàu Hà Nội – Thái Nguyên đều là những hành khách nghèo, quanh năm dựa vào mấy chuyến tàu để buôn bán, nếu như giờ cho dừng hoạt động chuyến tàu này, thì ảnh hưởng đến biết bao người lao động. Chính vì thế mà tôi vẫn quyết định duy trì nó, và chỉ đạo phải lấy lợi nhuận từ những tuyến có lãi ở các tuyến Bắc Nam, Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội – Vinh… để bù lỗ cho tuyến này, phục vụ an sinh xã hội. Giả sử không phải bù lỗ cho tuyến này thì 1 năm đường sắt lãi tầm 200 tỷ đồng, nhưng vì bù lỗ nên phải cắt một khoản sang. Với trách nhiệm của người đứng đầu, tôi không cho phép bỏ” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.
Về những sai phạm mà báo Đời sống và Pháp luật phản ánh, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Liên quan đến những vấn đề ấy, tôi đã chỉ đạo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Giám đốc Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội kiểm tra lại toàn bộ việc tổ chức phục vụ, tổ chức bán vé, tổ chức chống thất thu đối với tuyến Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng và Hạ Long, chậm nhất trong tuần tới phải báo cáo lại, phải có hình thức xử lý những trường hợp vi phạm”.
Đình chỉ cả tổ nhân viên để làm rõ sai phạm của từng cá nhân
Ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội dù đang có chuyến công tác khảo sát tuyến đường sắt Hà Nội – Sài Gòn nhưng đã chỉ đạo kịp thời xử lý ngay những thông tin sai phạm mà báo Đời sống và Pháp luật đăng tải về tổ công tác trên đôi tàu ký hiệu QT91 và QT92 tuyến đường săt Hà Nội – Thái Nguyên.
Ông Bính cho biết: “Theo chỉ đạo từ lãnh đạo cấp trên, tôi đã cho đình chỉ tổ tàu QT91 và QT92 gồm 8 người để làm kiểm điểm và báo cáo giải trình”.
“Tạm thời, chúng tôi đình chỉ công việc của các nhân viên trong tổ tàu để điều tra làm rõ sai phạm, từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ cho kiểm tra toàn bộ tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Giao lãnh đạo xí nghiệp xe khách, trạm công tác trên tàu Hà Nội; Xí nghiệp vận tải xe khách Hà Thái phải làm ngay việc tổ chức kiểm điểm, kiểm tra sự việc xảy ra có báo cáo kịp thời” - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội nêu rõ hướng xử lý vụ việc.
Riêng đối với Xí nghiệp đường sắt Hà Thái, lãnh đạo ngành đường sắt yêu cầu phải kiểm tra tất cả các ga liên quan đến tuyến đường sắt từ Cổ Loa (Hà Nội) đến Quán Triều (Thái Nguyên). Trong quá trình kiểm tra phải làm rõ được lượng vé bán ra bao nhiêu, doanh thu đoàn tàu thu về thế nào? Đối với sự việc như thông tin như báo chí thông tin có bao nhiêu đoàn kiểm tra đến kiểm tra, có trường hợp nào bị lập biên bản không. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét cách làm việc của nhân viên trên tàu như thế nào?
"Chúng tôi yêu cầu phải làm rõ từng sai phạm của các cá nhân, tập thể xem mức độ như thế nào để có hình thức xử lý kịp thời, thỏa đáng. Và mấu chốt vấn đề là phải làm rõ xem các nhân viên nhà ga có tiếp tay cho sai phạm và tiêu cực hay không” – ông Bính quả quyết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng Ban vận tải và đầu máy toa xe – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định: “Về nguyên tắc hành khách lên tàu phải có vé. Việc bán vé bổ sung trên tàu là đúng quy định nhưng với trường hợp mà báo phản ánh thì nhân viên đó không đúng, vi phạm quy định của ngành".
"Nếu bán vé bổ sung sau khi thu tiền của khách thì phải xuất vé luôn cho hành khách và giá bán vé trên tàu phải cao hơn ở giá vé mua ở dưới sân ga; thực tế phản ánh lại ngược lại như vậy chứng tỏ nhân viên đã làm sai quy trình tác nghiệp của ngành đường sắt. Hay như việc nhân viên trong quá trình làm việc mà nằm trên tàu như vậy là sai. Tất cả những việc làm như báo phản ánh là không chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm” - ông Tuyên cho biết thêm.
Làm việc với báo Đời sống và Pháp luật chiều 18/7, ông Hà Thanh Bình - Phó Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội cùng các đại diện của xí nghiệp đã bày tỏ ý tiếp thu phản ánh và cảm ơn báo Đời sống và Pháp luật đã thông tin về những sai phạm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên để xí nghiệp có căn cứ đưa ra biện pháp xử lý và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách được tốt hơn.